Ta nhớ không nguôi khóm trúc mòn một trên đường vào Liên Cơ, nơi ta lần đầu hết một que kem mà còn tiếc tiền để mua dây chun bọc dâu. Cái thuở gom góp từng đồng tiền lẻ để ra chợ mua kẹo dồi, để đưa nhau những quà mùi vị đói khát mà cũng đậm tình bạn. Gánh hàng rong lách qua hẻm nhỏ, tiếng rao bánh đa, cốm vừng như lùa gió quê vào từng góc phố.
Cửa Đông, Lê Mao, Hưng Dũng... những địa danh đã in vào ký ức ta từ thuở nhỏ. Nơi ta đi qua không chỉ là những đoạn đường mà còn là những chuyến đi về tuổi thơ. Những chiều nghe còi tàu kéo dài như tiếng gọi khắc khoải từ chân trời. Những buổi trưa nồng, tiếng kem kéo "tóp tóp" vang lên như tín hiệu hạnh phúc, đánh thức cả lũ trẻ đang trốn ngủ để lao ra đầu ngõ chen nhau.
Ta nhớ bạn - đứa ở Liên Cơ, mình ở Cửa Đông, không xa mà cũng chẳng gần, nhưng vẫn tìm nhau tụ họp. Nhớ chiếc bàn học con con kê sát vách nhà bạn, nhớ bức tường loang vôi nơi ta từng vẽ bằng than củi những giấc mơ thầm kín. Bạn kể chuyện trường lớp, mình kể chuyện ruộng đồng, mà sao lòng vẫn chan chứa niềm vui.
Có đứa mẹ bán hàng, đứa bố có lương, ta nghèo rọc nông dân về đổi lát mà nhìn nhau chẳng phân biệt giàu nghèo. Đứa nói: "Mình muốn về quê bạn bắt sáo để lên Hai Vai", nghe mà lòng xây xứng niềm vui ngỡ ngàng. Chỉ cần một lời rủ, một cái gật đầu là sẵn sàng theo nhau về tận xóm xa. Cả tuổi thơ là những chuyến rong chơi không cần lý do, chỉ cần ánh mắt hiểu nhau.
Vinh thuở ê ấp với những buổi chiều đi xem phim, với chiếc vé chỉ có một người đi, người kia đứng chờ ngoài cửa rạp, và nỗi buồn mờ hồ theo những bộ phim cũ. Ngày đó ta xem "Em không thể nói lời vĩnh biệt", và rồi thực sự đã có những lời chia tay không bao giờ được nói ra. Có những hẹn ước lửng lơ như khói, có những mối thân tình vụn vỡ vì năm tháng cứ mải trôi đi.
Và rồi... cái ngày cuối cùng trước khi xa nhau, trời đổ mưa bất chợt. Chúng ta núp dưới hiên chợ Vinh, cả hai ướt lướt thướt mà không ai muốn về. Mình nhìn cậu, cậu nhìn mình, chẳng ai nói gì, chỉ đưa nhau gói kẹo cuối cùng - gói kẹo dồi mà mình vẫn giấu dành riêng. Trên gói kẹo, mình viết nguệch ngoạc bằng bút bi: "Bạn nhớ giữ nhé, mai này gặp lại!". Nhưng rồi, mai ấy xa xôi quá...
Lần cuối cùng mình gặp cậu là ở bến xe. Cậu đi Hà Nội học cấp ba, còn mình vẫn ở lại quê. Cậu vẫy tay từ cửa kính, gương mặt ép sát vào ô cửa mờ hơi nước. Chuyến xe khởi hành, mình chạy theo một đoạn, bàn tay huơ trong không khí như muốn giữ lại điều gì chưa kịp nói. Chiếc xe khuất dần sau khúc cua, mình đứng sững, rồi quay về trong mưa, nước mắt không phân biệt được với nước trời.
Thành Vinh, không phải là thành phố kiêu sa lấp lánh. Vinh là thành phố của những chuyến xe đò đạp, của cái chân đi bộ trên đường đất đỏ, của cánh đồng Hưng Lộc nhìn ra xa là đường tàu đi qua lúc nào cũng vội vã. Vinh là cốm rơm chợ sáng đói xôi ngô, là người phụ nữ đẩy xe đạp đi bán đậu, là tiếng rao dằng dặc qua hẻm ngõ, là cây phượng già ngóng mùa ve râm ran gãy cánh.
Vinh là buổi trưa chực nước ở trạm bơm, là chiều mưa đạp xe qua dốc Nguyễn Trãi mà sợ trượt ngã. Là tiếng loa phường mỗi sáng vang vọng từ nhà văn hóa, xen lẫn cả tiếng gà gáy và mùi cơm sôi nếp mới. Vinh là từng thước phim quay chậm, là nơi ký ức ẩn nấp trong những điều nhỏ bé nhất, không cần hào nhoáng nhưng sâu như mạch ngầm.
Chúng ta rời xa nhau khi hết một mùa hè, nhưng Vinh ở lại trong ta mãi mãi. Ta mang theo Vinh trong túi áo cũ, trong tập vở dán ảnh bạn bè, trong lời ru của mẹ vọng ra từ radio khi học bài khuya. Những trang lưu bút với nét mực xanh nghiêng nghiêng, những dòng "Đừng quên tớ nhé!" trở thành món nợ dịu dàng suốt cả một đời.
Bây giờ, Vinh đã khác. Không còn hết những quán cóc với hộp kẹo dồi bỏ trên thùng sùng sình. Cũng không còn ai bán mận chín môi trên xe đạp thồ. Con đường đã lát gạch thẳng tắp, những hàng cây xòa bóng trong ký ức cũ. Nhưng Vinh trong ta vẫn đó, ngõ ngách nhớ thương và nỗi buồn mê mải.
Vinh bây giờ có nhà cao tầng, có đèn xanh đỏ rực rỡ, có siêu thị, có khách sạn sang trọng, có người trẻ bước ra thế giới rộng hơn, nhưng vẫn có người già lặng lẽ ngồi quán nước chè đầu ngõ, nhâm nhi một ngày cũ với bạn cũ. Vinh trong mắt người nay có thể mới mẻ, nhưng với ta, Vinh mãi là khoảng trời của thơ ngây, là bản nhạc chậm rãi của thời gian.
Ta vẫn gọi tên người, Vinh nhé. Như một lời thệ thổ, như một lời hứa dù đi bao xa cũng quay lại. Nơi đây, ta bắt đầu yêu thương, bắt đầu của tổn thương, bắt đầu của một hành trình đi ra thế giới mà lòng vẫn mơ đến chiều mưa Vinh xưa, tiếng còi kem tóp tóp vang lên từ đầu ngõ, và một người bạn thuở nhỏ đứng đợi dưới bóng cây xoài, chìa tay ra bảo: "Mình đi chơi nữa không?".
Vinh ơi… có bao giờ cậu cũng nhớ mình như mình vẫn nhớ cậu?
Nhiều năm sau, ta trở lại Vinh, trong một chiều chớm đông se lạnh. Cây bàng trước cửa trường cũ đã gầy guộc, rụng gần hết lá. Con đường năm xưa đã mở rộng thêm hai làn, nhưng vẫn còn một góc nhỏ bên hành lang tróc vữa - nơi chúng ta từng ngồi ăn đá bào và kể nhau nghe chuyện trên trời dưới đất.
Ta đã đi qua nhiều thành phố, sống ở những đô thị sáng trưng ánh đèn, nhưng chưa đâu khiến tim mình thổn thức như buổi chiều ấy, khi đặt chân xuống sân ga Vinh - nơi đoàn tàu lặng lẽ dừng lại như chờ đón một kẻ tha hương trở về.
Ta trở về, không phải để tìm lại ai, mà là để gặp lại chính mình của những năm tháng trong veo. Một mình đi bộ trên đường Nguyễn Du, ghé quán cà phê xưa - giờ đã thay tên. Bà chủ quán không còn, người pha cà phê là một cô gái trẻ, chẳng biết gì về những gói kẹo dồi, chẳng nghe nói đến chiếc ghế gỗ nơi một thời hai đứa từng chia nhau ly chè đỗ đen ướp hương hoa bưởi.
Ta ngồi đó, uống ly cà phê không đường mà nghe vị ngọt trào lên từ cổ họng. Là ký ức tự nó tan ra như đường cát trong nước ấm.
Lặng lẽ, ta đi qua chợ Vinh - nơi ngày ấy ta từng đứng trú mưa cùng cậu. Dãy mái tôn xưa giờ đã được thay bằng những vòm kính hiện đại. Không còn ai rao: "Bánh đa đây! Kẹo kéo đây!", chỉ còn âm thanh lẫn lộn của còi xe và máy quạt công nghiệp. Nhưng nơi đó, trong một ngách nhỏ, ta bỗng bắt gặp ánh mắt một đứa bé đang ăn kẹo dồi - và lòng như chao nghiêng.
Phải rồi, cuộc sống đổi thay, người ta đổi thay, cả thành phố cũng thay da đổi thịt. Nhưng cảm xúc thì không. Ký ức thì vẫn ở lại. Và Vinh - với ta - vẫn là nơi bắt đầu cho mọi rung động dịu dàng nhất.
Đêm đó, ta đứng trước Hồ Goong, gió lạnh táp vào má, mà lòng ấm đến lạ. Một cơn mưa nhẹ rơi xuống - giống như hôm chia tay năm ấy. Ta nghe thấy tiếng cười xa xưa vọng về. Phải chăng có một phần linh hồn ta đã kịp gửi lại cho nơi này, giữa thành phố đã cũ mà vẫn luôn mới trong tim?
Ta gọi thầm: "Vinh ơi, cậu còn nhớ không?".
Trở về rồi lại ra đi, ta mang theo một mảnh giấy nhỏ - là lá thư chưa gửi. Lá thư viết từ những năm cuối cấp, gấp làm tư, ép trong quyển sổ học trò, nét chữ nghiêng nghiêng vẫn còn thơm mùi mực tím.
"Gửi cậu - người bạn đã cùng mình đi qua những mùa hè...
Nếu một ngày, cậu đọc được những dòng này, mong cậu hiểu: tuổi thơ là điều quý giá nhất mà mình từng có. Và cậu - là một phần lớn trong ký ức đó.
Chúng ta không hứa hẹn điều gì, nhưng lòng mình vẫn luôn có một chỗ trống dành cho Vinh, cho cậu, cho những buổi trưa kem tóp tóp, cho cây phượng đỏ cháy góc sân trường...
Nếu sau này có gặp lại nhau, giữa phố đông người hay trong một chiều mưa, hãy mỉm cười nhé - vì chúng mình đã từng có một thời thật đẹp."
Ta không biết có ngày nào lá thư ấy đến được tay người nhận. Có thể cậu đang ở một thành phố khác, có thể đã quên cả tên ta. Nhưng điều đó chẳng quan trọng. Quan trọng là lá thư ấy vẫn ở đây - như Vinh vẫn ở trong lòng ta.
Vinh ơi, mình sẽ còn trở lại, sẽ đi qua những hàng cây cũ, sẽ nghe lại tiếng ve gọi hè, sẽ ngồi thật lâu trên bậc tam cấp trường xưa mà thầm thì: "Mình vẫn chưa bao giờ hết thương cậu đâu..."
(Và có lẽ - đến một ngày - ta sẽ gặp lại nhau.)
Rồi chúng ta sẽ lớn lên, mỗi người mỗi ngả. Vinh sẽ vẫn ở lại - với nhịp sống mới, với phố xá khác xưa. Nhưng những ai đã từng đi qua tuổi thơ nơi đây, chắc chẳng ai có thể quên một Vinh dịu dàng, mộc mạc, và đầy nắng gió ấy.
Ta biết, ký ức không thể quay về, nhưng có thể được nâng niu. Như cách ta giữ lại một lá thư chưa gửi, một gói kẹo dồi trong trí nhớ, hay tiếng gọi “Vinh ơi…” vẫn âm vang trong tim mình - dù ngày đã hết, nhưng thương còn mãi.
Trung Dũng