Một thời 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...'

Một thời 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...'
7 giờ trướcBài gốc
Đại tá Đồng Xuân Hiển.
Một thời “máu và hoa”
Tôi gặp ông vào một buổi chiều trung tuần tháng 4/2025, ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là phẩm chất của một “người lính Cụ Hồ” đúng nghĩa. Tuy đã 76 tuổi nhưng những bước chân nhanh nhẹn, nụ cười và ánh mắt của người lính bước ra từ cuộc chiến tranh khiến tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé. Được cùng ông ngồi chia sẻ, tâm sự và nói về những năm tháng ác liệt ấy giúp tôi thêm tự hào và biết ơn thế hệ cha anh đã giúp thế hệ trẻ chúng tôi có được cuộc sống hòa bình và hạnh phúc như ngày nay...
Đại tá Đồng Xuân Hiển sinh năm 1949, sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống cách mạng tại xã Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Trong thời điểm đất nước bị chia cắt, từ nhỏ ông đã nhận thức được sự mất mát, đau khổ và cả sự căm thù giặc Mỹ. Đến năm 1966, thời điểm mà chiến tranh chống Mỹ, cứu nước diễn ra căng thẳng, tình hình quốc tế và trong nước phức tạp. Tháng 7/1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, lời kêu gọi Nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do...”.
Sau lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1966, cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện phong trào “thanh niên 3 sẵn sàng”, “phụ nữ 3 đảm đang”. Nhớ lại, thời điểm đó ông đang học lớp 10 tại TP Hải Phòng, tuy nhiên, vì tinh thần dân tộc, vì sự quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, ông cùng thế hệ thanh niên thời đó đã “gác bút” để xung phong nhập ngũ, tham gia chiến trường.
Sau khi kết thúc khóa huấn luyện tân binh, vào tháng 3/1967, ông cùng các đồng đội được điều động đến Sư đoàn 2, Chiến trường Quân khu 5 thực hiện nhiệm vụ. Chặng đường hành quân gặp nhiều gian nan, vất vả. Khó khăn nhất trong lúc hành quân là đơn vị luôn phải đối mặt với loạt bom B-52 của Mỹ đánh phủ đầu. Những năm tháng đó là những năm tháng không thể nào quên đối với “cậu thanh niên” Đồng Xuân Hiển. Sự tàn khốc của chiến tranh là điều không tránh khỏi, nhưng nó đã vượt xa sự tưởng tượng của ông. Đây là khoảng thời gian khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đến năm 1968, thời điểm Đảng ta quyết định mở cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân” vào Tết Mậu Thân, ông đã chỉ huy một đại đội đánh xuống Đà Nẵng làm suy yếu lực lượng địch và tạo sự xáo trộn trong các chiến lược phòng thủ của quân Mỹ và Ngụy. Đặc biệt nhất là cuộc tấn công vào Thành cổ Quảng Trị năm 1972, nơi được mệnh danh là “cối xay thịt” của quân giải phóng, sự ác liệt ấy có lẽ cả đời này ông cũng không bao giờ quên, bởi lẽ đồng đội của ông hy sinh quá nhiều, dòng sông Thạch Hãn nhuộm đỏ máu chiến sĩ, nơi mà những người đồng đội của ông nằm xuống mãi mãi. Nói đến đây, ông như nghẹn lại bởi nhắc về một quá khứ hào hùng nhưng cũng đầy đau thương, mất mát của dân tộc ta.
Tình đồng đội gắn kết hơn ruột thịt
Nói về tình đồng chí, đồng đội trong thời chiến, người cán bộ chỉ huy Đồng Xuân Hiển cho biết, trong những năm tháng gian khổ ấy, trách nhiệm của người chỉ huy ở ông không chỉ nằm ở sự mưu lược nơi chiến trường, mà còn ở việc chăm lo đời sống tinh thần, tình cảm của chiến sĩ; đặc biệt là chăm lo công tác tử sĩ, chăm lo hậu sự cho anh em, đồng đội mình đã hy sinh.
Đại tá Đồng Xuân Hiển chia sẻ với phóng viên về những ngày chiến đấu tại chiến trường.
Trong chiến tranh, sự mất mát, hy sinh của bộ đội ta tính theo giờ, theo phút. Những năm tháng ác liệt ấy, những người đồng chí, đồng đội đã từng “kề vai sát cánh”, “sẻ cơm, nhường áo” với ông, có những lúc đồng đội hy sinh ngay bên cạnh mình, ngay trong vòng tay mình, những người được mình coi như người thân, khiến lòng căm thù giặc Mỹ, sự quyết tâm của người lính khi ấy ngày càng được hun đúc, quyết tâm giành được độc lập dân tộc...
Tình cảm thiêng liêng ấy không chỉ trong lúc chiến đấu, mà còn là những lúc sinh hoạt đời thường, là những lúc kể cho nhau nghe về cuộc sống quê nhà, là những lúc chăm sóc nhau khi bị ốm hay bị thương, là những lời hứa hẹn sau khi chiến thắng trở về. Nhưng có lẽ, có những người đã mãi mãi không thể thực hiện được với nhau những lời đã hứa...
Cuộc trò chuyện của ông chạm đến những miền ký ức, ông chia sẻ: “Sau khi đơn vị chúng tôi vừa rút về sau một trận đánh ác liệt, khói súng vẫn còn vương trên vai áo, lòng chúng tôi nặng trĩu vì những đồng đội đã mất. Lúc ấy, một má Nam Bộ lặng lẽ xách lại một rổ trái cây đến cho chúng tôi. Rổ trái cây đơn sơ ấy không chỉ là chút lòng thành, mà là cả tấm lòng của má dành cho những người lính chúng tôi. Đêm đó, anh em trong đơn vị lặng lẽ bày rổ trái cây ra giữa sân thắp nhang cho đồng đội. Mấy cây nhang cắm chưa kịp cháy hết đã có tiếng nấc nghẹn, rồi tiếng khóc vỡ òa bật ra...”.
“Cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu, nhưng đến khi chôn cất đồng đội, mới thấm hết hai chữ đồng đội lớn đến chừng nào. Lúc đó chỉ biết ôm chặt lấy nhau mà khóc, khóc cho đồng đội đã ngã xuống, khóc vì giữa lằn ranh sống chết, tình đồng đội gắn bó, gắn kết hơn cả ruột thịt”. Nhìn sâu vào đôi mắt của Đại tá quân đội lúc này, tôi cảm nhận được nỗi đau ông đã từng trải qua, những khoảnh khắc chia lìa - mất mát hằn sâu nơi trái tim người lính già, sự lặng lẽ ra đi trong những phút giây sinh - tử của những đồng đội cho đến nay không gì bù đắp được...
Tình cảm đồng chí, đồng đội đã giúp ông đi qua những năm tháng như thế, đã làm nên một vị Đại tá Quân đội nhân dân như ngày hôm nay, ông luôn biết ơn và trân trọng những điều đó, nó sẽ mãi là những ký ức không thể xóa nhòa trong tâm trí ông...
Trong suốt quá trình trò chuyện, khi nói về đồng đội thì ông nhiệt huyết, sôi nổi và đôi chút đượm buồn bao nhiêu thì khi nhắc về mình ông trầm mặc bấy nhiêu, ông cho rằng, ông còn ngồi đây được ngày hôm nay chỉ là may mắn hơn một chút so với những đồng đội của mình.
Dù trong lửa đạn chiến tranh hay thời bình, người cán bộ giải phóng năm xưa - nay là Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn TP Hải Phòng, Trưởng Ban Tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hồng Bàng vẫn luôn phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, trên cương vị nào ông cũng nhiệt huyết, cống hiến hết khả năng của mình đóng góp cho sự phát triển của địa phương...
Đối với ông, khi trở về cuộc sống đời thường, bản thân phải nêu cao vai trò gương mẫu, phải làm trọn nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Là hội viên Hội Cựu chiến binh phải làm tròn nhiệm vụ với cấp hội, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhân dân, tích cực chống tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời chiến cũng như thời bình, đây chính là “tôn chỉ, mục đích” xuyên suốt cuộc đời ông...
Năm 1967, Đại tá Đồng Xuân Hiển vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay giữa chiến trường ác liệt. Năm 1995, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Trong những năm tháng tại địa phương, đảm nhiệm nhiều vị trí công tác như: Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Quân sự thuộc Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Hồng Bàng, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn TP Hải Phòng, Trưởng Ban Tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hồng Bàng, Trưởng Ban Quản lý Đền Liệt sĩ quận Hồng Bàng, ông vẫn không ngừng cống hiến, được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc trong huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác Hội Cựu chiến binh giai đoạn 2009 - 2014 góp phần bảo vệ sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành.
Thùy Linh
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/mot-thoi-xe-doc-truong-son-di-cuu-nuoc-post547037.html