Nằm giữa Úc và bang Hawaii (Mỹ), quốc gia này biệt lập đến mức mọi giao dịch, dù là của người dân địa phương hay du khách đều chỉ được thực hiện bằng tiền mặt.
Vì vậy, khi quốc gia nhỏ bé này khánh thành máy rút tiền tự động (ATM) đầu tiên vào ngày 15/4, người dân ở đây đã ăn mừng.
Khi các quan chức tụ tập trước một trong những máy ATM đầu tiên để đưa vào hoạt động trên đảo chính Funafuti của đất nước, Thủ tướng Feleti Teo đã ca ngợi đây là "cột mốc quan trọng". Ông và các chức sắc địa phương đã cắt một chiếc bánh sô cô la khổng lồ để ăn mừng sự kiện này.
Siose Teo - tổng giám đốc Ngân hàng quốc gia Tuvalu, đơn vị vận hành các máy ATM, cho biết đây là một "thành tựu to lớn" và là "sự thay đổi mang tính chuyển đổi" sẽ "mở ra cánh cửa trao quyền kinh tế cho người dân Tuvalu", nơi có dân số khoảng 11.200 người.
“Nó chắc chắn sẽ phá vỡ các rào cản và giới thiệu cho mọi người các dịch vụ ngân hàng hiện đại và đáng tin cậy” - Nisar Ali từ Pacific Technology Limited, đơn vị đã giúp thiết kế máy cho biết.
Các quan chức Tuvalu khánh thành máy ATM đầu tiên của đảo quốc
Tuvalu là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới, chín hòn đảo nhỏ của quốc gia này chỉ bao phủ tổng diện tích 10 dặm vuông.
Không có nhiều người đến đó du lịch. Chỉ có hơn 3.000 khách du lịch đến thăm hòn đảo này vào năm 2023, theo dữ liệu của chính phủ.
Nơi đây có một sân bay tọa lạc trên đảo Funafuti, phục vụ một số ít chuyến bay mỗi tuần từ quốc gia láng giềng Fiji ở Thái Bình Dương. Khi không có máy bay nào hạ cánh, đường băng được người dân địa phương sử dụng làm sân chơi cho đủ loại hoạt động từ bóng bầu dục đến bóng đá.
Trong nước, mọi người di chuyển giữa các đảo bằng phà vì không có chuyến bay nội địa.
Vì điểm cao nhất chỉ cao hơn mực nước biển 4,57m, Tuvalu cực kỳ dễ bị tổn thương do mực nước biển dâng cao và là một trong những quốc gia bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.
Vị trí Tuvalu trên bản đồ. Đây là một trong những quốc gia xa xôi biệt lập nhất trên Thế giới
Mực nước biển dâng cao không chỉ đẩy lùi bờ biển mà nước mặn xâm lấn còn làm xói mòn diện tích đất nông nghiệp hạn chế của quốc gia này. Nhiệt độ ấm lên của nước biển cũng đe dọa đến sinh vật biển xung quanh.
Đất nước này đã trở thành tiêu đề quốc tế vào năm 2021 khi bộ trưởng ngoại giao lúc bấy giờ là Simon Kofe có bài phát biểu tại Liên Hợp quốc trong khi đứng ngập đến đầu gối trong nước.
Anh Duy