Một tuyến nhánh của đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn bỏ không, bị xâm phạm và xuống cấp

Một tuyến nhánh của đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn bỏ không, bị xâm phạm và xuống cấp
5 giờ trướcBài gốc
Tuyến đường sắt Mai Pha - Na Dương có chiều dài hơn 31 km, là tuyến nhánh nối với tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn), với khoảng 3 km cuối tuyến là đường sắt chuyên dùng. Ga và đường sắt cuối tuyến cuối hiện đã bị san lấp, không còn sử dụng
Gần giữa tháng 10/2024, phóng viên Tạp chí GTVT khảo sát thực địa tại khu vực Km31+300, điểm cuối tuyến đường sắt Mai Pha – Na Dương (qua địa bàn Tp. Lạng Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), ghi nhận một đoạn đường ray cuối tuyến bị đất đá lấp kín để làm đường cho xe tải băng qua đường sắt; ga chuyên dùng của Nhà máy nhiệt điện Na Dương cũng dừng hoạt động, đóng kín bằng hàng rào tôn. Hiện cuối tuyến đường sắt này có Nhà máy nhiệt điện Na Dương đang hoạt động và đang triển khai thi công dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương II, song không dùng đường sắt để vận chuyển mà thay vào đó là bằng ô tô.
Ông Trần Sách Toại, Phó phòng Kỹ thuật – an toàn, Công ty CP đường sắt Hà Lạng (đơn vị quản lý bảo trì tuyến) cho biết, tuyến đường sắt Mai Pha – Na Dương có chiều dài hơn 31 km, là tuyến nhánh nối với tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng (Lạng Sơn) tại vị trí thuộc địa bàn Tp. Lạng Sơn, trên tuyến có 4 ga. Trong đó, khoảng 3 km cuối tuyến (địa phận huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) là đường sắt chuyên dùng của mỏ than Na Dương, Nhà máy nhiệt điện Na Dương.
"Nhiều năm trước, tuyến đường sắt này phục vụ vận chuyển than từ mỏ than Na Dương đi một số địa phương như Thanh Hóa và chở đá nguyên liệu từ Đồng Đăng về phục vụ nhà máy nhiệt điện. Từ tháng 2/2021, không còn hoạt động vận chuyển đá bằng đường sắt vào nhà máy nhiệt điện mà dùng ô tô để vận chuyển; tiếp đó dừng hẳn hoạt động chở hàng đi/đến khu vực này. Hiện tuyến đường sắt này chỉ còn phương tiện đường sắt thi thoảng hoạt động để phục vụ duy trì sửa chữa, bảo trì tuyến", ông Toại thông tin.
Theo Công ty CP đường sắt Hà Lạng, tuyến đường sắt Mai Pha – Na Dương do không còn hoạt động chạy tàu nên các ga, kết cấu hạ tầng trên tuyến này thời gian qua được quản lý bảo trì ở mức độ "trông coi, bảo vệ tài sản". Cũng vì thế, trên các đoạn tuyến đường sắt quốc gia (khoảng 30 km tính từ đầu tuyến) xuất hiện nhiều vị trí, hạng mục tài sản kết cấu hạ tầng (ray, tà vẹt, đệm tà vẹt; thiết bị thông tin, tín hiệu…) có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp nhưng không được thay thế kịp thời.
Trong đợt mưa bão số 3 vừa qua, có 17 vị trí trên tuyến đường sắt Mai Pha - Na Dương bị cây đổ vào đường sắt, nhiều cột, đường dây, thiết bị thông tin tín hiệu bị hư hỏng; đất, đá sạt lở vào đường sắt, sạt lở nền đường sắt tại Km4+400 - Km4+430, Km16+500 - Km16+600, Km17+200 - Km17+400, Km12+216 - Km12+240...
Tuyến đường sắt Mai Pha - Na Dương hiện chỉ được quản lý bảo trì ở mức độ "trông coi, bảo vệ tài sản" nên các hạng mục hư hỏng không được thay thế kịp thời, dẫn tới nguy cơ xuống cấp nhanh hơn
Bên cạnh nguy cơ xuống cấp nặng hơn do không được tổ chức khai thác vận tải, không được bố trí kinh phí bảo trì thường xuyên theo định mức (như đối với tuyến khai thác vận tải), từ khi tuyến đường sắt Mai Pha – Na Dương dừng khai thác vận tải cũng phát sinh hiện tượng tập kết vật liệu, thậm chí xây dựng lấn vào hàng lang đường sắt khiến công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng gặp khó khăn.
Một số vụ việc vi phạm được Công ty CP đường sắt Hà Lạng ghi nhận, báo cáo cơ quan chức năng gần đây như tại Km30+564 – Km30+572, Km28+890, Km20+850… Các vi phạm chủ yếu là hộ dân tập kết vật liệu kèm đào móng xây tường nhà, đổ bê tông trên phạm vi hành lang đường sắt. Có trường hợp vi phạm đơn vị phải gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo, sau đó mới giải quyết xong.
"Với hạ tầng tuyến sẵn có, tuyến đường sắt Mai Pha – Na Dương phục vụ khai thác vận tải. Còn nếu tuyến tiếp tục không khai thác vận tải trong thời gian dài thì không phát huy được hiệu quả, mục đích của tuyến đường sắt này, thậm chí tài sản kết cấu hạ tầng xuống cấp nhanh hơn", ông Toại cho biết thêm.
Điểm đầu tuyến đường sắt Mai Pha - Na Dương nối với tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn) tại ga Yên Trạch(ảnh trên); ga cuối tuyến thuộc đường sắt quốc gia là ga Na Dương (ảnh dưới)
Trao đổi với phóng viên Tạp chí GTVT, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, ngoài tuyến đường sắt nhánh Mai Pha – Na Dương, hiện hệ thống đường sắt quốc gia có một số tuyến khác (như Kép – Lưu Xá, Kép – Hạ Long, Cầu Giát…) cũng đang dừng khai thác chạy tàu, lý do chủ yếu do chưa tổ chức, khai thác được luồng hàng. Mặt khác cũng do chưa tạo được sự kết nối tốt giữa hệ thống đường sắt, đường bộ theo quy hoạch.
"Trách nhiệm chính trong tổ chức khai thác luồng hàng, vận tải đường sắt là Tổng công ty Đường sắt VN. Về góc độ quản lý nhà nước về hạ tầng, tuyến đường sắt Mai Pha – Na Dương không phát huy được hiệu quả khi không khai thác chạy tàu. Tuy nhiên, nếu bây giờ bỏ hẳn tuyến này đi thì cũng sẽ lãng phí hơn", ông Cảnh nói.
Hoàn thành quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn năm 2025
Mới đây, Bộ GTVT có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn về nội dung: "Đề nghị quan tâm nâng cấp, điều chỉnh tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội".
Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn hiện hữu được định hướng cải tạo, nâng cấp để khai thác có hiệu quả và xây dựng mới tuyến đường sắt khổ 1.435 mm.
Triển khai quy hoạch mạng lưới đường sắt, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt VN triển khai lập quy hoạch chi tiết đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, trong đó sẽ xem xét, phân tích, đánh giá phương án xây dựng mới tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng và phương án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn hiện hữu như kiến nghị của cử tri, hoàn thành công tác quy hoạch chi tiết trong năm 2025 làm cơ sở triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt trên hành lang Hà Nội – Lạng Sơn.
Huy Lộc - Minh Tùng
Nguồn GTVT : https://tapchigiaothong.vn/mot-tuyen-nhanh-cua-duong-sat-ha-noi-lang-son-bo-khong-bi-xam-pham-va-xuong-cap-183241016142248699.htm