Một vài câu hỏi phổ biến về 'Phật'

Một vài câu hỏi phổ biến về 'Phật'
5 giờ trướcBài gốc
Cư sĩ Phúc Quang sưu tầm
1. Phật giáo Nguyên thủy chỉ có một vị Phật - Thích Ca Mâu ni?
Trích từ Trường Bộ kinh (Digha Nikaya), bài kinh Đại Bổn (Mahàpadàna Sutta)
Đức Phật thuyết giảng pháp thoại này cho một số đông tỳ kheo trong am thất cây Hoa Lâm Viên Đường (Kareri), thuộc Kỳ Viên Tự của trưởng giả Cấp Cô Độc, tại nước Xá Vệ (Sàvatthi).
Duyên khởi: Do chư tỳ kheo ngồi lại với nhau sau khi đã thọ thực xong, đem câu chuyện về chư Phật quá khư ra đàm luận.
Ảnh thiết kế bởi AI
Nội dung kinh: Đức Phật nói đến lịch sử của bảy vị Phật toàn giác (quá khứ và hiện tại) bao gồm là các đức Phật VIPASSÌ, SIKHÌ, VESSABHÙ, KAKUSANDHA, KONÀGAMANA, KASSAPA, và GOTAMA (Phật Thích ca Mâu ni). Như vậy trong bản kinh nguyên thủy này, Phật thuyết tới 6 vị quá khứ và Ngài thuộc hiện tại, tức 7 người.
26 vị Phật toàn giác (quá khứ, hiện tại, vị lai) được nhắc đến theo kinh tạng và chú giải Nguyên thủy
Phật Dĩpankara, Phật Kondañnã, Phật Mangala, Phật Sumana, Phật Revata, Phật Sobhita, Phật Anomadassĩ, Phật Paduma, Phật Nãrada, Phật Padumuttara, Phật Sumedha, Phật Sujãta, Phật Piyadassĩ, Phật Atthadassĩ, Phật Dhammadassĩ, Phật Siddhattha, Phật Tissa, Phật Phussa, Phật Vipassĩ, Phật Sikhĩ, Phật Vessabhu, Phật Kakusandha, Phật Konăgamana và Phật Kassapa (Có bao gồm cả Phật Thích ca Mâu ni và Bồ tát Di Lặc thành Phật trong tương lai)
Thông qua kinh điển Nguyên thủy, chúng ta nhận thấy không chỉ có một mình Phật Thích ca Mâu ni. Ngoài ra, còn có những lời ghi chép về sự đảnh lễ như “Con xin đảnh lễ chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại, chư Phật vị lai”.
Xuyên suốt trọn bộ kinh Nguyên thủy, đức Phật Thích ca Mâu ni chưa một lần nào nói rằng có bao nhiêu vị Phật quá khứ, có số lượng bao nhiêu vị Phật hiện tại, cũng như tương lai. Nhưng qua các vị Phật được nhắc tên, hoặc những cụm từ “chư Phật”, thì chúng ta có thể tin tưởng rằng có vô số vị Phật.
2. Từ "Mâu ni" trong tên của Phật Thích ca có nghĩa là gì?
Tên phiên âm của đức Phật là: Shakya - muni Gautama Buddha, dịch sang tiếng Việt chúng ta hay gọi là Thích ca Mâu ni Phật.
Trong tên gọi này, Shakya (hay Sakya - Thích ca) là nói tới vương tộc/ dòng tộc của ngài. Từ "Mâu ni" (muni) Mâu ni là cách gọi thể hiện sự tôn thờ của người dân Ấn cổ dành cho tất cả những vị cao nhân xuất thế đã đắc đạo, thanh tịnh, trở thành bậc thầy.
Ngài có tên tục đế do vua Tịnh Phạn (cha đẻ) đặt là Siddhartha Gautama trong đó Gautama là họ, Siddhartha là tên. Còn từ "Buddha" có nghĩa là người tỉnh thức, được đặt sau khi ngài giác ngộ.
3. Luận về "các vị Phật" trong truyền thống Nam truyền và Bắc truyền?
Tuy rằng, Phật giáo Nguyên thủy cũng đề cập tới khái niệm nhiều vị Phật, nhưng nhiều nhà tu hành Nguyên thủy cho rằng điều đó không đồng nghĩa có thể tùy tiện biên ra “tên”, hay nguồn gốc của nhiều vị Phật khác mà không đối chiếu có trong kinh tạng Nguyên thủy.
Các quan điểm này cho rằng, tuy nhắc tới chư Phật, nhưng chỉ có những vị nào được Phật Thích ca thuyết về tên, lai lịch, thời đại, … mới có đủ tính xác thực, ngoài ra những vị khác là do các Tổ về sau xây dựng nên. Việc các Tổ xây dựng những hình tượng mới và cho rằng thuộc trong danh sách “chư Phật” nhưng chưa được nêu tên là chưa đủ sức thuyết phục với các nhà tu hành Nguyên thủy.
Đối với Phật giáo Bắc truyền, phật tử thường thờ với ý niệm của sự tiếp dẫn. Quan niệm này được xuất phát chủ yếu đến từ trong tư tưởng của Tịnh độ tông cùng ý niệm xưng danh hiệu 1 vị nào đó uy thần quảng đại với mục đích sinh thiên hoặc về với cõi của Ngài. Tiêu biểu nhất ở đây là biểu tượng Phật A Di Đà sẽ tiếp dẫn những ai niệm danh hiệu ngài về với cõi của ngài gọi là cõi Tây Phương Cực lạc.
Các vị Phật, Bồ tát trong hệ Bắc truyền đều mang tính biểu tượng rất cao, đại diện cho một ý nghĩa to lớn nào đó. Ví như thờ hay niệm danh xưng vị Quán Thế Âm Bồ tát cũng như sự nhắc nhở bản thân sống lắng nghe, sống từ bi,...
Còn trên phương diện tinh thần cốt yếu của giáo lý Nguyên thủy, Phật Thích ca là một người thầy chỉ đường, rằng điều này bất thiện, gây nên khổ đau, đừng làm; điều này thiện, dẫn tới an lạc, nên làm. Vì lẽ đó, hình ảnh "thờ" cũng khác hơn. Theo quan niệm nhiều người, chúng ta giữ giới trọn vẹn, giữ luật không hoen ố, thân, khẩu, ý trong sạch, chính là thờ Phật. Tượng Phật chỉ là biểu tượng mà thôi, để nhớ lời dạy đạo đức của ngài, chứ đó không phải là ngài.
Các vị tu hành Nguyên thủy không mang nặng việc thờ ai, một vị hay nhiều vị, vì Phật giáo là giới hạnh và trí tuệ, các vị Phật quá khứ trong kinh tạng nguyên thủy cũng không nhắc quá nhiều, bởi vị thầy trực tiếp giáo hóa chúng sinh trong cõi này là Thích ca Mâu ni Phật.
4. Tại sao không có 2 vị Phật toàn giác cùng xuất hiện 1 lần?
Trích từ kinh Tăng Chi Bộ, chương 1 Pháp – Phẩm Không thể có được, Thế Tôn dạy như sau:
“Sự kiện này không xảy ra, này các tỳ kheo, không có được: Trong một thế giới, hai vị A-la-hán, Chính Đẳng Giác, không trước không sau, xuất hiện một lần, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các tỳ kheo: Trong một thế giới, chỉ có một vị A-la-hán, Chính Đẳng Giác xuất hiện, sự kiện này có xảy ra.”
Trong kinh MILINDA PANHA, tỳ kheo Na tiên giải thích cho điều này với 2 luận điểm tiêu biểu:
1. Mười ngàn thế giới chỉ đủ khả năng nâng đỡ 1 vị Phật Chính Đẳng Chính Giác, nếu 2 vị Chính Đẳng Giác xuất hiện không trước, không sau, đồng thời 1 lúc sẽ khiến cho thế giới bị rung chuyển, tiêu vong. Ví như 1 con bè chỉ có khả năng đưa 1 người qua sông, nếu 2 người cùng ngồi lên, thì con bè sẽ bị chìm.
2. Nếu có 2 vị Chính Đẳng Giác cùng xuất hiện, không trước, không sau, thì không còn gọi là bậc tối thượng được nữa. Chữ "tối thượng" kia sẽ phải xem lại, ví như 1 nước chỉ bầu được 1 vị vua, chẳng thể bầu lên 2 vị vua vậy.
5. Phật giờ ở đâu và làm sao để thấy Phật?
Trong kinh MILINDA PANHA, tỳ kheo Na tiên nói rằng Phật đã nhập Niết bàn rồi, không thể chỉ được Phật ở đâu, ví như ngọn nến, khi đã thổi tắt lửa, không thể chỉ được ngọn lửa ấy đi đâu.
Giới, luật, pháp mà đức Thế Tôn đã thuyết, ai thực hành đúng pháp, gìn giữ giới, luật nghiêm chỉnh tức là thấy Phật.
6. Phật Chính Đẳng Chính Giác biết tất cả?
Đức Phật là bậc toàn giác, là người biết tất cả, vậy tại sao ngài không chế định giới luật trước, mà phải đợi tới khi đệ tử có giới phạm phiền não mới cấm chế giới sau?
Giải thích cho luận điểm này, kinh MILINDA PANHA, tỳ kheo Na tiên giải đáp cũng như một vị lương y giỏi, vị ấy biết rõ các loại thuốc, biết rõ các loại bệnh, biết rõ cách điều chế các loại thuốc để chữa bệnh. Nhưng vị ấy đợi người có bệnh mới chế thuốc, chứ không vị nào chế thuốc trước khi có bệnh cả.
Cư sĩ Phúc Quang sưu tầm
***
Tài liệu tham khảo
1. Kinh tạng Nikaya, Dịch giả: Hòa thượng Thích Minh Châu
Trường Bộ kinh; Trung Bộ kinh; Tương Ưng Bộ kinh; Tăng Chi Bộ kinh; Tiểu Bộ kinh
2. Kinh MILINDA vấn đạo, NXB Tôn giáo
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chu-phat-nguyen-thuy-va-chu-phat-dai-thua.html