Sau sạt lở nghiêm trọng vào rạng sáng 1/7, hàng vạn mét khối đất đá từ trên taluy dương đổ xuống vùi kín mặt tỉnh lộ 155 (đoạn trạm thu phí qua cầu Móng Sến), tiếp tục vùi lấp mặt Quốc lộ 4D phía dưới.
Toàn cảnh sạt lở
Chỉ sau vài giờ đồng hồ, máy móc của Ban Quản lý bảo trì đường bộ (thuộc Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai) huy động tới đã xử lý thông xe bước 1 trên Quốc lộ 4D. Tới tối 3/7 sạt lở tiếp tục xảy ra, việc xử lý cũng diễn ra nhanh gọn.
Trái ngược với điều đó, trên tỉnh lộ 155 thuộc quản lý của Công ty Cổ phần đầu tư BOT Lào Cai – Sa Pa, giao thông vẫn chia cắt thời gian dài, hạ tầng khu vực trạm thu phí của doanh nghiệp đổ nát hoang tàn giữa hàng vạn khối đất đá.
Được biết, phần đất đá sạt trượt nằm ở vị trí nương ngô của một số hộ đồng bào người Dao ở xã Tả Phìn. Sau sạt lở, doanh nghiệp vừa dùng máy xúc để dọn mở một lối vào cứu hộ thiết bị, tài sản đã bị các hộ ra ngăn chặn. Lý do vì các hộ cho rằng kè chân ta luy là nguyên nhân gây ra vụ việc.
Cabin thu phí tan hoang sau sạt lở
Anh Chảo Bết Nẩy, thôn Pờ Sì Ngài, xã Tả Phìn cho biết: "Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền có hướng xem xét bồi thường đầy đủ cho người dân, từ đó sẽ không còn việc không ngăn cản hót dọn tuyến đường".
Theo ông Trần Cao Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư BOT Lào Cai – Sa Pa, kè taluy thuộc dự án xử lý sạt lở do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư. Còn tỉnh lộ 155 chạy dưới chân kè thuộc dự án tuyến đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi Sa Pa, được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý khai thác, hoàn toàn nằm ngoài các diện tích đất nương của bà con, song không hiểu sao vẫn bị gây khó dễ.
"Chúng tôi rất mong cơ quan nhà nước có phương án giải quyết dứt điểm đối với người dân cũng như xử lý triệt để bảo đảm sạt lở không tiếp tục xảy ra", ông Sơn bày tỏ.
Cung sạt kéo từ sườn đồi phía trên kè, trên diện tích khoảng 1,5 ha
Liên hệ với chính quyền xã Tả Phìn, ông Vũ Xuân Quý, Chủ tịch UBND xã cho biết, hồi tháng 10/2024, tại vị trí này đã từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Ngay sau đó, UBND thị xã Sa Pa (cũ) đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Lào Cai đề nghị giao cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ sạt lở, sụt lún để từ đó có căn cứ thu hồi đất, bồi thường cho các hộ. Tuy nhiên, sau gần 1 năm vẫn chưa có văn bản chỉ đạo nào của tỉnh liên quan nội dung này.
Theo ông Hồ Cao Khải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai, qua kiểm tra, phần kè đã xử lý chống sạt vẫn kiên cố không ảnh hưởng. Tuy nhiên, do thiên tai bất thường, đặc biệt sau hoàn lưu bão Yagi năm 2024, phía trên cao xuất hiện cung sạt lớn, phức tạp nên cần thời gian để ra được phương án khả thi. Bên cạnh đó, muốn xử lý triệt để còn liên quan đến nhiều bên, sau cuộc họp ngày 10/7 vừa qua mới thống nhất phân công trách nhiệm rõ ràng.
Biển cấm lưu thông qua tuyến hiện hữu cả chục ngày nay
Cụ thể, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại khu vực này để có cơ sở triển khai nhanh chóng việc bồi thường các diện tích đất canh tác cho bà con cũng như khảo sát, đưa ra phương án lâu dài.
Về phía doanh nghiệp, Công ty Cổ phần đầu tư BOT Lào Cai – Sa Pa sẽ chịu trách nhiệm huy động nhân lực, máy móc hót dọn toàn bộ đất đá trên mặt tỉnh lộ 155; đồng thời, chủ động tu sửa hạ tầng, thiết bị khu vực trạm thu phí. Chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra sẽ là cơ sở để xem xét điều chỉnh kéo dài phương án thu phí.
Ông Hồ Cao Khải cho biết: "Chúng tôi cũng đã đề nghị UBND xã Tả Phìn cử lực lượng Công an xuống giám sát, trường hợp người dân có hành vi cản trở sẽ có biện pháp bảo đảm an ninh trật tự".
Dự kiến trong điều kiện bình thường, việc khắc phục sạt lở, thông tuyến bước 1 sẽ mất khoảng 1 tháng. Trong thời gian này, các phương tiện từ phường Lào Cai đi Sa Pa và ngược lại được phân luồng di chuyển qua Quốc lộ 4D để bảo đảm an toàn; về phía người dân, chính quyền địa phương có trách nhiệm vận động bà con không tiếp tục canh tác trong khu vực sạt lở nguy hiểm.
An Kiên/VOV-Tây Bắc