MTTQ và Hội Luật gia Đồng Nai đề xuất nhiều điểm mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013

MTTQ và Hội Luật gia Đồng Nai đề xuất nhiều điểm mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013
7 giờ trướcBài gốc
Hơn 15 ý kiến xoay quanh nội dung và quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013
Ngày 23/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Đồng Nai phối hợp với Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai tổ chức tọa đàm góp ý Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Chương trình diễn ra dưới sự chủ trì của bà Lưu Thị Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh và ông Phan Văn Châu, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu gồm luật sư, luật gia, thành viên MTTQ cùng đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai, bà Lưu Thị Hà phát biểu khai mạc hội nghị.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp hơn 15 ý kiến xoay quanh nội dung và quy định trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Các ý kiến được trình bày trên tinh thần kết hợp giữa thực tiễn, lý luận và trách nhiệm qua quá trình nghiên cứu nghiêm túc.
Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng thuận với việc giữ nguyên quy định tại khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013, theo đó đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND.
Bên cạnh đó, một số kiến nghị đáng chú ý được đưa ra như: bổ sung quy định rõ ràng hơn về cơ chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên; mở rộng vai trò của MTTQ trong việc lấy ý kiến nhân dân, tổng hợp ý kiến về hoạt động của đại biểu dân cử, đánh giá mức độ tín nhiệm, qua đó đề xuất các hình thức xử lý phù hợp.
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai, ông Phan Văn Châu phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung góp ý vào nhiều nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết. Nổi bật trong đó là đề xuất nâng cao vai trò và vị trí của đại biểu Quốc hội chuyên trách, bằng cách trao quyền trình dự án luật trước Quốc hội.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh việc tăng cường quyền giám sát của đại biểu dân cử, đặc biệt thông qua hoạt động chất vấn Chủ tịch UBND và người đứng đầu các cơ quan thuộc UBND.
Một số đại biểu đề nghị sửa đổi đồng bộ Luật Công đoàn năm 2024, trong đó cần quy định rõ quyền tự chủ của tổ chức công đoàn trong thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đảm bảo tính độc lập trong vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành trong Hiến pháp về quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp địa phương.
Các đại biểu cũng kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung một số từ ngữ trong dự thảo để đảm bảo nội dung rõ ràng, dễ hiểu, góp phần nâng cao tính khả thi khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua.
Luật gia Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai) phát biểu ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy góp ý tại hội nghị.
Đồng thuận cao với Dự thảo Hiến pháp, nhấn mạnh tính đồng bộ và tránh chồng chéo
Các đại biểu tại hội nghị bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất cần bổ sung quy định rõ ràng hơn về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm phù hợp với mô hình tổ chức mới sau quá trình sắp xếp lại các tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc MTTQ.
Đồng thời, các đại biểu cũng kiến nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung sửa đổi để tránh sự chồng chéo giữa các điều khoản, qua đó tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong thời gian tới.
Luật gia Dương Văn Tín, Chủ tịch Hội Luật gia Tp.Biên Hòa góp ý tại hội nghị.
Đại diện Tòa án tỉnh Đồng Nai góp ý tại hội nghị.
Đáng chú ý, một số ý kiến mạnh dạn đề xuất Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cần điều chỉnh nội dung liên quan đến Công đoàn Việt Nam (Điều 10). Theo đó, cần khẳng định rõ Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, đồng thời là tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lưu Thị Hà nhấn mạnh rằng việc sửa đổi Hiến pháp lần này là một dấu mốc quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện và khẳng định rõ vai trò, vị trí pháp lý của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong bối cảnh mới, cũng như tiến tới xây dựng mô hình chính quyền địa phương cấp gồm tỉnh và xã.
Chính vì vậy, những ý kiến đóng góp trách nhiệm, có cơ sở thực tiễn, lý luận và khoa học từ các đại biểu đã góp phần nâng cao giá trị và chất lượng của buổi tọa đàm góp ý Dự thảo Nghị quyết.
Quang cảnh hội nghị.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai, ông Phan Văn Châu ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm từ các đại biểu.
Ông khẳng định, toàn bộ các ý kiến sẽ được tổng hợp đầy đủ, khách quan và gửi đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhằm đóng góp vào việc hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến nội dung sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm thiểu sự chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ sau quá trình tinh gọn, kiện toàn hệ thống các tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Anh Trọng
Nguyễn Anh Trọng
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/mttq-va-hoi-luat-gia-dong-nai-de-xuat-nhieu-diem-moi-trong-du-thao-sua-doi-hien-phap-2013-204250523144545891.htm