Mua bán đất bằng giấy viết tay có được công nhận?

Mua bán đất bằng giấy viết tay có được công nhận?
3 giờ trướcBài gốc
Mua bán đất bằng giấy viết tay có đúng pháp luật?
Mua bán đất bằng giấy viết tay có được công nhận không?
Trong một số trường hợp; mua bán đất bằng giấy viết tay không có công chứng, chứng thực vẫn được pháp luật công nhận.
Khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
"3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng, chứng thực thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực."
Như vậy, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất khi muốn thực hiện các giao dịch như chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn thì phải được công chứng hoặc chứng thực.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy viết tay không có công chứng, chứng thực thì đều bị vô hiệu.
Theo Khoản 1 Điều 42 Nghị định 101/2024/NĐ-CP có quy định về các trường hợp sử dụng đất sau đây do nhận chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật nhưng có chữ ký của các bên liên quan mà chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì người đang sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ lần đầu theo quy định của Luật Đất đai 2024 và quy định tại Nghị định 101/2024/NĐ-CP mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp giấy tờ về việc nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 28 Nghị định 101/2024/NĐ-CP:
- Sử dụng đất do nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01/7/2014 đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024.
- Sử dụng đất do nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01/8/2024 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024.
- Sử dụng đất do nhận chuyển quyền sử dụng đất của người nhận thừa kế quyền sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật Đất đai 2024.
Như vậy, có 03 trường hợp như đã nêu ở trên khi thực hiện việc mua bán đất bằng giấy viết tay được công nhận mà không cần phải có hợp đồng công chứng, chứng thực.
Ngoài 03 trường hợp này, các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho cần phải được công chứng, chứng thực để đảm bảo giao dịch đúng pháp luật không bị vô hiệu.
Trường hợp nào không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất?
Khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể như sau:
Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
"8. Các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất quy định như sau:
a) Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó;
c) Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất."
Như vậy, có 03 trường hợp không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm:
- Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó;
- Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Xử lý hợp đồng mua bán đất bằng giấy viết tay
Hợp đồng mua bán đất bằng giấy viết tay được coi là vô hiệu theo quy định tại Điều 129, Bộ luật Dân sự 2015: Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức. Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Như vậy nếu giao dịch mua bán đất được ký kết trên giấy tờ viết tay có công chứng, chứng thực hay không thì cũng sẽ được công nhận nếu thuộc một trong hai trường hợp trên.
Các trường hợp về giao dịch mua bán nhà đất còn khá nhiều bất cập nếu xuất phát lỗi từ các bên tham gia. Những lỗi này có thể gây ra những thiệt hại hay những ảnh hưởng không hề nhỏ đến kết quả mà các bên mong muốn. Việc giao dịch, mua bán đất đai chỉ xác lập bằng giấy tờ viết tay là rất thiếu thận trọng, hậu quả của việc giao dịch đó là có thể dẫn đến những thiệt hại. Việc xử lý hậu quả của những giao dịch này cũng rất phức tạp, nếu hai bên mua, bán không thể thỏa thuận và đưa những thỏa thuận chung hợp lý được với nhau thì phải đưa vụ việc ra Tòa án giải quyết.
Do vậy, trước khi tham gia các giao dịch này thì các bên nên tìm hiểu trước các thông tin, quy định pháp luật cụ thể liên quan đến giao dịch để có thể xác lập những giao dịch đúng theo quy định của pháp luật, có thể dựa vào những giấy tờ được các bên tạo ra có giá trị pháp lý để giải quyết các vấn đề hay những sự kiện phát sinh khi xác lập giao dịch.
Đoàn Trang
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/mua-ban-dat-bang-giay-viet-tay-co-duoc-cong-nhan-179241001103814937.htm