Mùa biển động

Mùa biển động
10 giờ trướcBài gốc
Quê tôi miền biển, ngoài những mùa để phân định những dấu mốc thời gian, dân chài quê tôi còn có cho riêng mình thêm một mùa nữa. Mùa chẳng ai mong chờ, càng không mong nó xuất hiện, nhưng lại gắn bó với dân làng chài như chiếc bóng in hằn lên mặt nước mênh mông. Ấy là mùa biển động.
Cái làng nhỏ quê tôi nép lưng vào dãy cát dài cong như lưỡi liềm, mặt hướng ra đại dương bạc đầu sóng. Ở đây, mùa biển động không có quy luật thời gian như các mùa khác trong năm, bởi không hề được báo trước. Chỉ cần nghe tiếng gió rít lên từ sau dãy núi, thấy mây thấp sà xuống mặt nước, và cả những con chim biển bay là là như kéo theo cả khoảng trời u uất, người làng chài đã biết sóng đang lên, biển sắp giận.
Mùa biển động về như một bài kiểm tra khắc nghiệt mà dân làng chài phải học lại. Mùa của dây neo căng mình trên bến vắng, mùa của những chiếc thuyền nằm yên trên cát như lũ trẻ bị phạt úp mặt vào tường khi phạm lỗi. Mùa của những buổi chiều không còn tiếng gõ cá, không còn ánh đèn giăng lưới, chỉ còn gió tru lên từng hồi như tiếng người khóc vọng từ đáy đại dương.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Cha tôi từng bảo: “Biển cũng như người đàn bà. Mềm mại, thơm mặn, dịu dàng... nhưng giận lên thì kinh hoàng, dữ dội”. Cha mất trong một mùa biển động cách đây cũng ngót nghét chục năm. Một con sóng lớn đánh úp xuống mạn thuyền, xô cha vào lòng biển. Ngày mẹ nhận lại chiếc nón lá rách bươm vướng vào đám lưới mục trôi dạt về bờ, bà ngồi lặng trên bến đá tới tận hoàng hôn.
Cả vùng biển khi đó nước đỏ như máu. Từ đó, trong làng tôi, mỗi mùa biển động không còn là mùa gió giật sóng gào, mà còn là mùa của những nhớ thương không hình dáng, những nhớ thương giày vò người ở lại theo năm tháng giông dài. Những người cha không về, những người chồng không kịp nói câu từ biệt.
Mỗi lần biển trở mình, người ở lại như thêm phần lặng im nhiều hơn. Người già thắp nhang bên thuyền như gửi lời về phía trùng khơi vô định cùng những giọt nước mắt mặn chát. Trẻ con chạy lon ton dọc mép nước, nghe mãi một câu dặn từ đời này sang đời khác: “Biển là bạn, là ân nhân nhưng có khi lại là ân oán”.
Những ngày biển động, từ sáng tới chiều, dưới khoảng trời âm u, những vệt mây xám rì quánh đặc vần vũ, gió thốc vào rặng cây phi lao từng đợt dồn dập, hiếm hoi lắm mới có vệt nắng yếu ớt cố vén mình ra khỏi tầng mây u ám.
Có lẽ biển đáng sợ nhất bắt đầu từ lúc nửa đêm về sáng, dù nằm trong nhà, nhưng vẫn nghe rõ mồn một tiếng biển trở mình ngoài khơi. Gió rít dài qua kẽ vách, sóng dội vào bờ như tiếng thở dốc của một người vừa chạy vừa khóc. Cả làng chài nằm im trong vô vọng, nghe biển gầm gừ trong cơn giận dữ.
Những ngày như thế, làng chài như chùng xuống. Mặc định chẳng ai chèo ra khơi, không ai mổ cá, bến cá tấp nập mọi ngày vắng tanh. Nhưng cũng chính trong mùa biển động giúp làng chài quê tôi học được cách nương vào nhau như mây nương gió. Chia nhau từng khoanh cá khô, cân gạo. Những thứ tưởng chừng mỏng manh như sợi dây cột ghe hóa ra lại bền như tình nghĩa xóm giềng.
Có những mùa biển động, gió ào về thổi nghiêng mái rơm, cả làng không ai ngủ. Nhưng khi con sóng tạm yên, người ta lại dậy sớm, nhóm lửa, đun nước, sửa thuyền. Từng nhóm người chia nhau đi đếm số phao nổi còn lành lặn, người sửa mái chèo bị gãy. Người thì sơn lại mạn tàu, vá lại tay lưới. Mọi thứ diễn ra như chưa từng có giông tố, như thể người dân biển từ chối đầu hàng trước cơn giận dữ của đại dương.
Mùa biển động, cái tên nghe lạnh sống lưng, vậy mà lại là mùa dạy cho người ta biết quý trọng từng hạt muối, từng con cá, từng khoảnh khắc đón người đi biển trở về. Nó làm cho người làng chài không giàu lên, nhưng dày hơn trong ký ức. Những vết rạn của ghe, của lưới, vết trầy xước da tay, đều là vết rạn thời gian mà biển để lại trên từng thân phận con người cả đời bám biển.
Những ngày biển động vẫn luôn là nỗi ám ảnh của dân làng chài quê tôi bao đời không thay đổi. Mặc cho ông trời thử thách ý chí, lòng kiên trì của người dân làng chài bao nhiêu, cũng không lung lay được khát khao của những con người được đất và biển nuôi nấng.
Biển vẫn còn đó, vẫn bao bọc làng chài, vẫn dẫn lối cho ngư dân với những đoàn tàu tìm ra biển lớn, nơi có những mẻ cá tôm chực chờ lấp đầy những khoang thuyền, nơi cất giấu khao khát và tham vọng của những con người muốn làm giàu từ những hải trình đầy sóng gió, thử thách, hiểm nguy.
Sau cơn mưa trời lại sáng, và đâu đó luôn có cầu vồng, sau những ngày biển giận dữ, gầm gừ thử thách dân làng chài, mặt trời sẽ lại bừng chiếu trên bến cảng, những con thuyền lại căng buồm vững lái ra khơi.
Và rồi những con sóng sẽ nguôi ngoai, thôi giận dữ, lăn tăn xô vào bờ, gió biển theo cánh chim thổi về ngang những mái nhà bạc màu thời gian, mang theo hương biển mằn mòi vỗ về làng chài sau những ngày u ám. Mọi thứ quay trở về quỹ đạo vốn có, khoảnh khắc ấy, nắng dường như tạo ra là để sưởi ấm, để tái sinh lòng người sau một mùa biển động nữa qua đi!
Song Ninh
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/mua-bien-dong-195842.htm