Tại ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, từ tờ mờ sáng, cánh đàn ông đã bắt đầu ra đồng dọn bờ, chuẩn bị một số công cụ để chụp đìa, sậy được ghim lưới, khoảng hơn 30 phút sau bắt đầu lên lưới. Rất đông đàn ông, thanh niên, phụ nữ, các em nhỏ... cũng đến ao để xem chụp đìa, từ đây tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt.
Vào mùa chụp đìa, không khí rộn ràng cả vùng quê.
Năm nay, nhờ bảo vệ được nguồn cá đồng nên đìa của ông Ðinh Văn Út, ấp Trùm Thuật, thu hoạch được rất nhiều cá. Cá sau khi được kéo lên thì chị em sẽ lựa, cá nào lớn thì bán, còn một số để lại ăn, đãi khách... Do cá đồng tự nhiên nên rất nhiều người đặt mua, chủ yếu là cá lóc, cá dầy, cá trê, cá rô... Chỉ tính riêng cá lóc, gia đình ông Út thu hoạch hơn 30 kg, tính luôn các loại cá khác cũng được hơn 15 triệu đồng.
Nhờ bảo vệ được nguồn lợi cá đồng nên rất đa dạng các loại cá được khai thác.
Nhờ bảo vệ được nguồn lợi cá đồng nên rất đa dạng các loại cá được khai thác.
Ðược biết, từ khi có Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh thì nguồn lợi cá đồng đã dần hồi phục, người dân dần ý thức hơn trong việc khai báo và giao nộp các thiết bị xung điện... Các ngành, các cấp địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác này qua giải pháp tuyên truyền, xử lý vi phạm, để bảo vệ nguồn lợi cá đồng.
Cá nhỏ, chủ đìa thả lại để làm giống cho năm sau.
Ông Phạm Thành Ðược, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, thông tin: “Gần đây lúa có giá, nhiều người ban liếp xuống để làm ruộng. Ðảng ủy, UBND xã vận động bà con cải tạo, lên liếp, mương sâu để khi bơm tát nước có chỗ cho cá trú ẩn; khi lấy nước vô thì cá trở ra ngoài ruộng lớn lên. Chụp đìa rất tốt, khi chụp thì bắt cá lớn, còn cá nhỏ thì thả lại làm giống, từ đó duy trì được nguồn lợi cá đồng”.
Cùng nhau nướng và thưởng thức cá đồng sau thu hoạch.
Nhật Minh - Anh Quốc thực hiện