Mua cổ phiếu nào cho tháng cận Tết?

Mua cổ phiếu nào cho tháng cận Tết?
9 giờ trướcBài gốc
Trong tháng 11, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục mất điểm. VN-Index thu hẹp biên độ giảm còn 1,1% so với cuối tháng 10, kết phiên 29/11 ở ngưỡng 1.250,5 điểm. Đồng thời, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 545 triệu cổ phiếu/ngày với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 14.156 tỷ đồng/ngày; tương ứng giảm 12,82% về khối lượng và giảm 11,25% về giá trị so với tháng 10.
Không chỉ vậy, khối ngoại sau 2 tháng chậm lại đã tăng tốc bán ròng trong tháng 11 với giá trị hơn 11.882 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh ở các nhóm trụ cột bất động sản dân cư, ngân hàng, dịch vụ tài chính và thực phẩm đồ uống trong khi mua ròng nhẹ hàng cá nhân & gia dụng, điện nước & xăng dầu khí đốt và bảo hiểm.
Theo SSI Research, tâm lý thị trường thận trọng trước biến động tỷ giá và áp lực rút ròng của khối ngoại. Không chỉ thị trường Việt Nam, hầu hết thị trường châu Á (Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Phillpines, Indonesia) đều trải qua tháng biến động trước lo ngại chính sách thuế quan của tân tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu. Thêm vào đó, việc đồng USD mạnh lên đã đẩy nhanh quá trình chuyển dịch dòng vốn ngoại ra khỏi thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, lực cầu được đẩy mạnh ở vùng giá thấp khi VN-Index về quanh vùng 1.200 điểm bên cạnh tác động từ các chính sách và các luật mới được thông qua trong kỳ họp Quốc hội. TTCK Việt Nam lấy lại cân bằng trong những ngày đầu tháng 12 với sự cải thiện trở lại của nhiều cổ phiếu trong rổ VN30, trong đó có nhóm tài chính (ngân hàng và chứng khoán); bên cạnh các nhóm cảng & logictics, dệt may, thủy sản và bất động sản vẫn đang duy trì động lực tăng giá tốt.
Về mặt kỹ thuật, SSI Research dự báo thị trường tiếp tục trạng thái tích lũy trong tháng 12, với ngưỡng hỗ trợ 1.230 và ngưỡng cản cần thử thách 1.295.
Có nhiều yếu tố sẽ là động lực tăng cho thị trường tháng cuối năm và đầu năm 2025. Đó là tăng trưởng GDP quý IV được kỳ vọng duy trì tích cực. Một số ngành như đầu tư công dự kiến tăng tốc không chỉ vào quý IV mà tiếp tục trong năm 2025, xuất nhập khẩu được dự báo duy trì khả quan trước khi các chính sách thuế quan mới của Mỹ được đưa ra.
Thứ 2, kế hoạch hành động của Chính phủ cho năm 2025 với các cải cách và giải pháp tăng trưởng kinh tế mang tính đột phá đang được chờ đợi. Năm 2025 đánh dấu là một năm quan trọng khi kết thúc của kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025 và là năm bản lề cho kỷ nguyên sắp tới, với các kế hoạch cải cách toàn diện nhằm tập trung vào chất lượng tăng trưởng để Việt Nam có thể trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Từ chính sách tiền tệ đến tài khóa đều hướng đến duy trì ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với các giải pháp tập trung hơn vào chất lượng, từ các lĩnh vực liên quan đến FDI, doanh nghiệp trong nước và tiêu dùng trong nước.
Thứ 3, mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi vẫn được đẩy mạnh. Tuy còn một số vướng mắc trong vận hành, FTSE đã có đánh giá khả quan về việc đưa sản phẩm NPS vào thực tế. Dự kiến, FTSE sẽ có cuộc họp đánh giá triển vọng nâng hạng của Việt Nam vào tháng 1/2025.
Dù vậy, thị trường vẫn phải lưu ý đến biến động tỷ giá quay lại, rủi ro khó đoán định từ các thông điệp chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump, sự phân mảnh trong kinh tế thế giới, rủi ro suy thoái ở Mỹ trong khi vẫn còn những trở ngại trong nước về việc xử lý nợ xấu trong giai đoạn vừa qua.
Trong bối cảnh đó, sau một tháng điều chỉnh, SSI Research cho rằng lợi thế sẽ thuộc về các nhóm ngành đang ở vùng định giá thấp và có các yếu tố hỗ trợ ngắn hạn như ngân hàng, chứng khoán, xuất khẩu (dệt may, thủy sản), bất động sản. Nhà đầu tư cho thể tận dụng biến động giảm để tích lũy cổ phiếu đầu ngành các nhóm này, đồng thời cần đa dạng hóa danh mục và chủ động bảo vệ lợi nhuận khi đạt kỳ vọng.
Mỹ Hà
Nguồn Doanh nhân & Pháp luật : https://doanhnhan.vn/mua-co-phieu-nao-cho-thang-can-tet-79624.html