Theo phản ánh của công dân, hồi tháng 2/2016, gia đình nhận chuyển nhượng 226,8m2 đất trồng cây hằng năm, thời hạn sử dụng đến ngày 1/5/2017.
Sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình đã xây nhà và ở ổn định trên thửa đất đó đến nay.
Công dân cho biết, thửa đất trong quy hoạch của huyện là đất ở tại nông thôn, không có tranh chấp, quyền sử dụng thửa đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, thời điểm gia đình nhận chuyển nhượng vẫn trong thời hạn sử dụng đất và quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật. Đất của gia đình không thuộc bất kỳ trường hợp nào được quy định tại Điều 151 Luật Đất đai 2024.
Và kể từ khi nhận chuyển nhượng đến nay, gia đình chưa thực hiện đăng ký đất đai cho thửa đất này.
Với hồ sơ liên quan đến thửa đất hiện nay gồm: giấy chuyển nhượng viết tay có chữ ký của 2 bên và người làm chứng ghi nhận ngày 17/2/2016; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản gốc) được UBND huyện cấp ngày 1/5/1997; căn cước công dân (bản sao công chứng); sơ đồ hiện trạng thửa đất số 688, tờ bản đồ số 04. Công dân đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn chi tiết thủ tục hành chính cần thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành để đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất nêu trên.
Ảnh minh họa: Hồng Khanh
Trả lời vấn đề trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định tại Điều 95 Luật Đất đai 2013, Điều 133 Luật Đất đai 2024, khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 57 Luật Đất đai 2013, Điều 121 Luật Đất đai 2024, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Luật Đất đai 2024 quy định việc xử lý trường hợp hộ gia đình, cá nhân có vi phạm pháp luật đất đai sau ngày 1/7/2014 tại Khoản 5 Điều 139; hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định tại Điều 10 Nghị định số 123 năm 2024.
Bộ đề nghị công dân nghiên cứu để biết quy định của pháp luật.
Khoản 5 Điều 139 Luật Đất đai 2024 quy định: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này kể từ ngày 1/7/2014 trở về sau thì Nhà nước không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 10 Nghị định số 123 năm 2024 quy định việc sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Trong đó, quy định các mức tiền phạt đối với hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã.
Cụ thể, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với diện tích đất từ dưới 0,01ha.
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,01ha đến dưới 0,03ha.
Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,03ha đến dưới 0,05ha.
Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,05ha đến dưới 0,1ha.
Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,1ha trở lên.
Hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt tương ứng với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Quy định cũng nêu rõ, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai.
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Hồng Khanh