Triển lãm “Mưa đỏ – Tri ân từ khuôn hình” diễn ra từ ngày 17 đến 18/7 tại 17 Lý Nam Đế (Hà Nội), là một nén tâm nhang nghệ thuật, tri ân các Anh hùng liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7. Không gian trưng bày khiến người xem không khỏi chậm bước, nghẹn ngào, khi từng bức hình mang theo hơi thở chiến trường và ký ức thiêng liêng về cuộc chiến 81 ngày đêm khốc liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Các bức ảnh hậu trường từ bộ phim “Mưa đỏ” được tuyển chọn và sắp đặt có chủ ý. Không đơn thuần là tư liệu, chúng là những khuôn hình nghệ thuật, chứa đựng ánh mắt, tư thế, biểu cảm người lính, màu sắc chiến trường, nỗi đau xen lẫn hy vọng. Nơi ấy, máu, nước mắt và lòng quả cảm của hàng ngàn chiến sĩ đã hòa vào dòng Thạch Hãn đỏ lửa – một biểu tượng không thể nào quên.
Sa bàn mô phỏng phim trường "Mưa đỏ"
Theo Thượng tá Nguyễn Thu Dung – Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân, triển lãm là một phần trong hành trình dài của ê-kíp làm phim, khi từng khuôn hình được khơi dậy từ mạch nguồn lịch sử. “Bộ phim Mưa đỏ không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, mà là một sứ mệnh thiêng liêng”, bà khẳng định. Bà cho biết thêm, “trong quá trình sản xuất, từng thành viên đều thấm thía: chúng tôi đang đi theo dấu chân của cha anh mình năm xưa, đang thổi hồi sinh vào những câu chuyện có thật đã nằm lại trong lòng đất mẹ. Đó là một quá trình gian khổ nhưng tự hào, là hành trình sáng tạo của nước mắt và lòng biết ơn”.
Từ những khuôn hình giàu biểu cảm đó, khán giả có thể cảm nhận rõ không khí bom đạn, khói lửa và cả sự bất khuất của người lính trong trận chiến lịch sử. “Mưa đỏ” không chỉ là tên một tác phẩm, mà còn là biểu tượng của máu, lòng dũng cảm và sự hy sinh cao cả. Mỗi ảnh chụp, mỗi thước phim đều mang theo lời nhắn gửi: Không bao giờ được lãng quên lịch sử.
Các diễn viên phim "Mưa đỏ" chia sẻ tại triển lãm
NSND Tự Long – Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội – bày tỏ cảm xúc đặc biệt khi chiêm ngưỡng triển lãm: “Mưa đỏ không chỉ đẹp mà lột tả sự vĩ đại”. Anh cho biết mong muốn lan tỏa những giai điệu, thanh âm, hình ảnh của tác phẩm đến với công chúng bằng nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau.
Nhà văn Chu Lai – tác giả tiểu thuyết “Mưa đỏ” – xúc động khi được nhìn thấy đứa con tinh thần của mình được chuyển thể thành phim và triển lãm. “Năm tháng sẽ qua đi, những cuộc cách mạng sẽ thôi gầm thét, cuộc chiến sẽ im ắng dần, nhưng năm tháng hào hùng, khổ đau và vinh quang của dân tộc thì còn mãi. Mưa đỏ để cho trời xanh mãi mãi”, ông nghẹn ngào nói. Ông nhấn mạnh thêm: “Lòng yêu nước không là độc quyền riêng ai. Lòng yêu nước là của bất cứ thế hệ nào. Thế hệ chúng tôi biểu hiện lòng yêu nước bằng những binh đoàn vượt Trường Sơn ra trận. Thế hệ hôm nay thể hiện lòng yêu nước bằng cách làm giàu cho mình, cho Tổ quốc. Tất cả đều có điểm chung là lòng tự tôn dân tộc”.
Sa bàn mô phỏng phim trường "Mưa đỏ"
Bức ảnh Khoảnh khắc yên lặng giữa chiến tranh - Ảnh: NSX
Không chỉ là không gian tri ân, “Mưa đỏ – Tri ân từ khuôn hình” còn là nơi kết nối quá khứ và hiện tại, nơi những người trẻ – như các diễn viên hóa thân thành “Tiểu đội 1” – được sống lại trong thời khắc hào hùng của cha anh. Diễn viên Đỗ Nhật Hoàng xúc động chia sẻ: “Bất kỳ diễn viên nào cũng khao khát được tham gia một bộ phim chiến tranh hùng tráng như Mưa đỏ, được khoác lên mình màu áo lính, tái hiện những khó khăn của ông cha ta ngày xưa”.
Với người làm phim, mỗi khung hình là một câu chuyện. Với người xem, đó là dòng cảm xúc âm ỉ cháy trong lồng ngực. Và với cả dân tộc, “Mưa đỏ” là bản hùng ca bất tử – được viết bằng ảnh, phim và nước mắt.
Hà Phương/VOV.VN