"Thành cổ rộng nhưng đồng đội tôi nằm chật!"
“Mưa Đỏ” tái hiện thời kỳ hàng vạn thanh niên ưu tú đã gác lại bút nghiên, dấn thân vào cuộc chiến, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thành cổ Quảng Trị, với diện tích chỉ khoảng 25ha, đã phải hứng chịu 328 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ gánh chịu hơn 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống, phần lớn khi tuổi đời còn rất trẻ.
Chia sẻ tại lễ công bố dự án phim điện ảnh “Mưa Đỏ” do Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức chiều 23/7, ông Nguyễn Văn Hợi, Trưởng ban liên lạc, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo anh hùng nghẹn ngào nhớ lại: “Khi qua sông vào Thành cổ, Tiểu đoàn có 325 người. Sau 81 ngày đêm, dù quân số bổ sung gấp 4 lần, những người còn sống chỉ vài chục. Hơn 1.000 người của Tiểu đoàn đã vĩnh viễn nằm lại nơi cổ thành. Thành cổ rộng nhưng đồng đội tôi nằm chật!” Dưới mưa bom bão đạn kẻ thù, các chiến sĩ Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo đã cùng thề quyết tử: "K3 - Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn, dù phải hy sinh đến người lính cuối cùng".
Các chiến sĩ Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo và ê-kip làm phim. Ảnh: BTC
Từ những ký ức hào hùng đó, Đại tá, nhà văn Chu Lai đã viết nên kịch bản điện ảnh “Mưa Đỏ”, tác phẩm hư cấu dựa trên sự kiện lịch sử có thật, phản ánh sâu sắc sự hy sinh thầm lặng và lý tưởng sống cao đẹp của lớp lớp thanh niên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chuyện phim xoay quanh Tiểu đội 1 tại mặt trận Thành cổ, nơi những người lính trẻ, phần lớn là sinh viên, học sinh, đã cùng chiến đấu, yêu thương và sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, vì quê hương.
Nhà văn tiết lộ, ông đã viết kịch bản phim này từ năm 2010, trước khi tiểu thuyết cùng tên ra mắt năm 2016. “Tôi viết thành kịch bản phim vì sự kiện quá lớn. Đây là một trong những chiến dịch, trận đánh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại. 81 ngày đêm, ta hy sinh mỗi ngày một đại đội đủ - 120 người”.
Nhà văn Chu Lai miêu tả 81 ngày đêm ở Thành cổ có hai giai đoạn: "sa mạc chiến" khô cằn, quần áo rách bươm, chấy rận đầy đầu, và sau đó là "thủy chiến" khi nước tràn ngập hầm hào. Khi một liệt sĩ hy sinh, phần trên cháy đỏ, cháy đen vì nắng mặt trời, còn phần dưới trắng nhễ nhại như... cá luộc. Mỗi chiến sĩ Thành cổ hứng chịu khoảng 10 tấn bom và có những tử sĩ một ngày ‘chết’ đến 7 lần khi thân thể họ sau khi được chôn tại chỗ lại tiếp tục hứng chịu bom… "Viết tiểu thuyết, phim, hay trường ca cũng không thể lột tả hết được tinh thần Quảng Trị. Và bộ phim này, dù vạm vỡ đến mấy, cũng chỉ là lát cắt mà thôi, vì nó quá lớn”.
“Không có Thành cổ mưa máu, thì không có bầu trời xanh hôm nay. Không có bản giao hưởng máu, bản giao hưởng nhân văn, thì không có những ngày hòa bình thơ thới như hôm nay”, nhà văn Chu Lai khẳng định.
Nén tâm nhang tri ân các anh hùng liệt sĩ
Đạo diễn, NSƯT Đặng Thái Huyền - Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật của Điện ảnh Quân đội nhân dân, còn nhớ như in lần đầu tiên tiếp cận kịch bản “Mưa Đỏ” của nhà văn Chu Lai vào khoảng năm 2012 - 2013: "Tôi ngồi trong phòng làm việc, đọc một mạch kịch bản và nước mắt cứ tuôn rơi. Có rất nhiều cảm xúc đan xen, nhưng có lẽ chi tiết khiến tôi khóc nhiều nhất, cả khi đọc kịch bản và khi thực hiện cảnh quay, là cảnh những người lính vượt sông. Khi họ chới với trên dòng sông bị pháo kích của địch, những người lính ấy đã gọi 'Mẹ ơi! Chị ơi!'. Đó là những khoảnh khắc mà tôi sẽ không bao giờ quên".
Bối cảnh phim "Mưa Đỏ" được dựng công phu tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: ĐPCC
Là một dự án nghệ thuật có quy mô lớn, “Mưa Đỏ” có bối cảnh được dựng công phu tại tỉnh Quảng Trị, bên dòng sông Thạch Hãn lịch sử. Thành cổ được tái hiện chân thực cả về hình thái kiến trúc, địa hình chiến sự, các chiến hào, đường hầm, trạm phẫu, sân bay dã chiến, công sự phòng thủ… Mọi chi tiết từ trang phục, đạo cụ, khí tài, cho tới môi trường chiến đấu đều được phục dựng tỉ mỉ, dưới sự cố vấn của các cựu chiến binh và nhân chứng lịch sử, nhằm mang đến một không gian vừa chân thực vừa giàu cảm xúc.
Ê-kíp được đầu tư thời gian huấn luyện, tập luyện quân sự và võ thuật, sau đó quay thử trực tiếp tại bối cảnh. Việc tập luyện và làm quen với thực địa đã giúp các diễn viên và toàn bộ ê-kíp có được cảm xúc chân thực và nhập vai nhanh chóng.
Tổng điều hành sản xuất Nguyễn Trí Viễn cho biết, việc hoàn thành bộ phim này là một thử thách lớn. Đây không chỉ là một trong những dự án phim lớn nhất của Điện ảnh Quân đội trong 20 năm qua, mà còn là bộ phim lớn nhất của điện ảnh Việt Nam trong 20 năm trở lại đây về quy mô bối cảnh, diễn viên và ngân sách. Đoàn làm phim có áp lực rất lớn, đặc biệt là phải hoàn thành kịp tiến độ để phim ra mắt vào dịp 2/9/2025. Toàn bộ ê-kíp đã làm việc rất tập trung và vất vả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa dầm dề vào tháng 11 - 12 ở Quảng Trị...
Bộ phim “Mưa Đỏ” có sự xuất hiện của các vũ khí, khí tài trong biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là kết quả của sự chung tay giúp đỡ từ các cơ quan, đơn vị quân, binh chủng trong toàn quân. Theo ông Nguyễn Trí Viễn, chỉ Điện ảnh Quân đội nhân dân mới có thể làm được điều này. Nếu không có sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, những thước phim chiến tranh sẽ không thể chân thực đến vậy.
Đại tá Kiều Thanh Thúy, Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân, Giám đốc sản xuất bộ phim “Mưa Đỏ” khẳng định: "Mưa Đỏ" không chỉ là một tác phẩm điện ảnh, mà còn là nén tâm nhang tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để có được độc lập như ngày hôm nay. "Niềm tự hào lớn nhất của chúng tôi là bộ phim đã hoàn thành và ra mắt đúng thời điểm, đúng kế hoạch để kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9”.
Ngọc Phương