Hạt giống từ “trời Âu”
Men theo đường mòn, đồi gấc hiện ra xanh mướt như một tấm lưới lớn. Anh Nguyễn Văn Quỳnh, thành viên của Hợp tác xã dược liệu Quỳnh Nhi đang lúi húi, ẩn mình dưới “tấm lưới” để thu hoạch gấc. Đưa quả gấc chừng 5 kg cho chúng tôi xem, anh bảo: Đây là giống gấc Lai Đen được anh nhập từ Mỹ về trồng từ năm 2018. Giống gấc này rất khỏe, cho sản lượng cao. Hàm lượng tinh dầu, chất lượng lõi của gấc Lai Đen cao hơn nhiều so với các giống gấc khác. Trung bình 1 yến quả chín cho thu 4 kg lõi.
Ông Thắng cẩn thận cắt từng quả gấc chín.
Sau một năm trồng thử nghiệm thấy có hiệu quả, anh vận động thêm 1 số hộ trồng theo. Đến nay, tại tổ 15 phường Đội Cấn đã có 3 hộ trồng, với 3 ha và 2 hộ khác ở Phú Thọ. Ngoài ra, anh còn cung cấp giống cho nhiều hộ ở các huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương, một số hộ ở xã An Khang với hình thức liên kết. Toàn bộ gấc sau thu hoạch được hợp tác xã thu mua và lo đầu ra cho sản phẩm.
Những gốc gấc sần sùi, ngoằn ngoèo trông như những con rắn màu xám có thể duy trì được 15 năm trở lên. Mỗi quả đến kỳ thu hoạch có thể nặng từ 2 đến 7 kg. Trồng gấc và chăm sóc gấc không khó và không mất nhiều công. Chỉ cần bắc giàn là gấc cứ thế bám vào mà leo lên, hết dây này đến dây khác, quấn quýt đan cài vào nhau, lá chồng lên lá mà lớn. Mọi người có thể làm trụ tre, trụ bê tông nhưng để lâu dài anh Quỳnh làm trụ sắt. Còn giàn anh sử dụng các dây thông tin đan lưới để cho gấc leo. Tận dụng những khoảng đất dưới chân giàn, anh trồng thêm cây đinh lăng, cây sa chi để tạo thêm thu nhập.
Khác với các tỉnh miền Nam, gấc ở đây một năm chỉ cho thu hoạch 1 vụ. Mỗi vụ kéo dài từ cuối tháng 10 đến hết tháng giêng. Theo kinh nghiệm của anh Quỳnh, sau khi thu hoạch xong, đến cuối tháng 3 âm lịch là phải bắt tay vào vệ sinh vườn, cắt bỏ toàn bộ các thân, nhánh của cây, chỉ để lại phần gốc và bón phân vi sinh để chuẩn bị cho vụ mới. Khi gốc bật mầm mới thì cắt tỉa chỉ để lại một mầm chính cho leo giàn. Từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch, gấc leo giàn, ra hoa, đậu quả thì tiến hành bón phân, phun thuốc để kích hoa, đậu quả, dưỡng quả, chống ruồi vàng, trị dệp nấm. Khi mùa đông đến, từng tán gấc xanh chuyển dần sang màu vàng, xơ xác, rụng dần, ấy là lúc gấc bắt đầu chín đỏ.
Anh Quỳnh thu hoạch gấc.
Gấc được mùa, được giá
Cách đó không xa là đồi gấc của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng. Đồi gấc của ông cũng rộng khoảng 1 ha. Dáng người nhỏ nhắn, ông Thắng vừa cẩn thận cắt từng trái gấc vừa phấn khởi khoe: “Năm nay gấc được mùa, được giá, cắt gấc chín mỏi tay mà vui lắm nhà báo ạ!. Trước đây, đất đồi để không chả biết làm gì. Từ khi tham gia vào hợp tác xã và trồng gấc, cuộc sống của gia đình tôi ngày càng khấm khá". Vụ gấc năm nay ước sẽ thu hoạch được 80 tấn quả. Hiện bán với giá 22.000 đồng/kg quả chín và 60.000 đồng/kg ruột gấc, doanh thu cả vụ ước trên 1,7 tỷ đồng. Vụ năm nay, mỗi thành viên ít thì cũng được lãi khoảng 150 triệu đồng. Ông Thắng chia sẻ: Trồng cây gấc này rất ổn định, không lo mất mùa mất giá. Nếu 1 ha chỉ thu được 20 tấn quả, bán với giá 5.000 đồng/kg thì vẫn có lãi hơn so với trồng lúa, trồng mía.
Chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã dược liệu Quỳnh Nhi cho biết: Gấc sau khi được thu hoạch về sẽ được Hợp tác xã tập trung lại và bán cho Công ty Dược phẩm 365 tại Hà Nội để làm viên thuốc tinh dầu gấc hoặc bán cho Công ty sữa TH truemilk để làm sữa gấc... Tới đây, chị mong muốn mô hình trồng gấc của Hợp tác xã sẽ được mở rộng và sẽ có thêm nhiều hộ cùng tham gia liên kết trồng gấc với Hợp tác xã. Chị sẵn sàng hỗ trợ giống, kỹ thuật và lo đầu ra cho sản phẩm.
Đánh giá về mô hình trồng gấc của Hợp tác xã dược liệu Quỳnh Nhi, chị Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đội Cấn cho rằng, mô hình trồng gấc không mất nhiều công chăm sóc, cho năng suất cao, giá bán ổn định, hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm thời vụ cho lao động địa phương. Hội Nông dân phường sẽ tổ chức cho các hội viên nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm, tuyên truyền, vận động, kết nối, khuyến khích các hộ nông nghiệp có quỹ đất rộng, vườn tạp tham gia nhân rộng mô hình trồng gấc xen canh trồng cây dược liệu, mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Hình ảnh những trái gấc chín lúc lỉu trên giàn khiến tôi nhớ đến món xôi gấc đỏ au, thơm ngon mẹ nấu để dâng lên ông bà tổ tiên, cầu mong bình an cho gia đình. Đã thấy Tết đến thật gần và chắc rằng những người nông dân trồng gấc ở Đội Cấn sẽ có một cái Tết sung túc.
Thu Hương