Không thuộc luật
Vấn đề trọng tài ở V-League được xếp vào diện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” trong biên niên sử của bóng đá Việt Nam. Chủ đề này dù bị nhắc đi nhắc lại quá nhiều lần, với nhiều cuộc họp rút kinh nghiệm qua từng mùa bóng, song sự cố mà “vua áo đen” mắc phải liên tục xuất hiện.
Ngay ở vòng 22 V-League vừa qua, một trường hợp đáng trách xoay quanh trọng tài thứ 4. Phút 83, trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An và Hà Nội FC, đội bóng Thủ đô thực hiện quyền thay người cuối cùng. Huấn luyện viên Makoto Teguramori tung Kyle Colonna vào thay Nguyễn Thành Chung, nhưng trọng tài thứ 4 Nguyễn Kim Việt Bảo không chấp nhận. Ông cho biết mỗi đội chỉ được sử dụng một cầu thủ Việt kiều chưa có quốc tịch trên sân. Lúc bấy giờ, tiền vệ gốc Canada Pierre Lamothe đang hiện diện trong đội hình 11 cầu thủ.
Trọng tài gây tranh cãi khi không cho Hà Nội FC đưa thêm cầu thủ Việt kiều vào sân.
Hà Nội FC liên tục phân trần với trọng tài Việt Bảo nhưng không được chấp nhận. Trung vệ Thành Chung phải nén đau thi đấu thêm 7 phút, trước khi Đào Văn Nam trở thành phương án “chữa cháy” bất đắc dĩ. Thực tế, điều lệ V-League 2024-2025 không hề cấm hai cầu thủ Việt kiều không có quốc tịch Việt Nam thuộc một đội bóng hiện diện cùng nhau trên sân. Patrik Lê Giang và Zan Nguyễn từng đồng hành khoảng từ 5 đến 6 phút trong màu áo câu lạc bộ (CLB) TP Hồ Chí Minh ở mùa này. Viktor Lê trước khi có quốc tịch Việt Nam cũng đã song hành với Adou Minh ở đội hình chính, trong hai chiến thắng với cùng tỷ số 1-0 trước Hoàng Anh Gia Lai và SHB Đà Nẵng. Chính Hà Nội FC cũng đưa Kyle Colonna và Pierre Lamothe vào sân ở hai trận đấu gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Thép Xanh Nam Định.
Quy chế bóng đá chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và điều lệ V-League 2024-2025 từ Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng ghi rõ, một CLB được phép sử dụng tối đa 3 ngoại binh, 1 cầu thủ nhập tịch (cầu thủ Việt Nam gốc nước ngoài) và 2 Việt kiều (cầu thủ nước ngoài gốc Việt Nam) trong một trận đấu. Hiển nhiên, trọng tài Việt Bảo đã mắc một sai lầm đáng trách vì không thuộc luật.
Đến VAR cũng sai
V-League 2024-2025 đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, với các trận đấu quan trọng ở các cuộc đua vô địch lẫn trụ hạng. VPF cũng vì thế mà tất bật mời các trọng tài ngoại cầm còi những màn so tài nhạy cảm, với hy vọng tạo được sự khách quan nhất định cũng như bình ổn về tâm lý cho các đội bóng liên quan.
Ngay từ đầu tháng 4, VPF đã phải mời tổ trọng tài người Malaysia làm nhiệm vụ ở vòng 17; hai vòng sau, 3 trọng tài ngoại đến từ Thái Lan và Malaysia “cầm cân nảy mực” trong hai trận Đông Á Thanh Hóa đấu Thể Công-Viettel và Sông Lam Nghệ An gặp Quảng Nam FC. Tới vòng 21 và 22 vừa qua, ê-kíp trọng tài ngoại lại sang V-League cầm còi cuộc thư hùng ảnh hưởng đến đua vô địch giữa Thép Xanh Nam Định-Hà Nội FC, cũng như “chung kết ngược” giữa Quy Nhơn Bình Định và SHB Đà Nẵng. Tại vòng 23, trận đấu giữa SHB Đà Nẵng và Quảng Nam FC cũng được điều khiển bởi trọng tài Thái Lan.
Chẳng ai muốn chuyện “chảy máu ngoại tệ” diễn ra ở V-League. Nhưng với hàng loạt sai lầm trong công tác cầm còi vừa qua, trọng tài nội đã mất tín nhiệm lớn đối với các CLB, nhất là với các đội đua vô địch hoặc trụ hạng. Đáng nói hơn, ngoài vấn đề muôn thuở từ trọng tài chính, sự xuất hiện của VAR lại vô hình trung kéo theo dấu hỏi về nghiệp vụ của trọng tài. Đơn cử như tại vòng 18, khi Đông Á Thanh Hóa hòa 1-1 trước Sông Lam Nghệ An, hai tình huống ở phút thứ 7 và 79 có thể dẫn đến phạt đền đều bị tổ trọng tài VAR bỏ qua...
Thiết bị điện tử phục vụ cho vận hành VAR tại V-League đúng là đạt chuẩn FIFA, nhưng các trọng tài và trợ lý sử dụng lại không bảo đảm chất lượng như mong đợi. Công suất làm việc liên tục, số lượng trọng tài có trình độ chưa cao khiến cho VAR chưa thể phát huy tính minh bạch như kỳ vọng của các bên. Nên nhớ, Ban trọng tài VFF mới chỉ có 36 trọng tài VAR đạt chứng chỉ do FIFA cấp (trọng tài và trợ lý trọng tài). Trong khi đó, một vòng V-League lại cần tới 42 nhân sự để vận hành VAR cho 7 trận đấu nên chuyện trọng tài, trợ lý phải gồng lên thực hiện nhiệm vụ từ 2 trận trở lên tất lẽ diễn ra.
Trước mắt, VPF mời cả trọng tài VAR cho các trận đấu quan trọng. Nhưng về đường dài, việc nâng cao chất lượng đào tạo trọng tài, trợ lý VAR là điều cần phải thực hiện. Song song với đó, thay vì dàn trải sử dụng VAR cho mọi trận đấu, chuyện chọn lọc các trận đấu hay và phân công các trọng tài, trợ lý có đủ sức khỏe, bảo đảm chuyên môn cũng là một cách thức phù hợp với bối cảnh V-League hiện tại.
Bài và ảnh: TRỊNH MỸ