Điều chỉnh về ngưỡng 5 triệu đồng thay vì 20 triệu đồng
Theo Nghị định 181/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng có hiệu lực từ ngày 1/7, điều kiện để khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào là cơ sở kinh doanh phải có hóa đơn VAT của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế VAT ở khâu nhập khẩu; chứng từ nộp thuế VAT thay cho phía nước ngoài theo quy định của Luật Thuế VAT.
Bên cạnh đó, cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm hàng hóa nhập khẩu) từ 5 triệu đồng trở lên, đã bao gồm thuế VAT. Trong khi theo quy định trước đó, mức quy định phải áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt để được khấu trừ thuế là 20 triệu đồng.
Mua hàng từ 5 triệu phải chuyển khoản mới được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (Ảnh minh họa: KT)
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là chứng từ chứng minh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Nghị định 52/2024/NĐ-CP, trừ các chứng từ bên mua nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán. Cụ thể, các chứng từ đúng quy định bao gồm: Chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng; thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, ví điện tử và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Nâng cao tính minh bạch trên thị trường
Theo ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, quy định này không thay đổi về nội hàm mà chỉ điều chỉnh ngưỡng giới hạn thanh toán không dùng tiền mặt từ 20 triệu xuống 5 triệu đồng cho mỗi giao dịch.
Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế
“Mỗi giao dịch phát sinh từ 5 triệu trở lên thì phải chuyển khoản. Đây là điểm mấu chốt của sự thay đổi này”, ông Mai Sơn cho hay.
Lãnh đạo Cục Thuế cũng kỳ vọng quy định mới sẽ giúp cơ quan thuế quản lý tốt hơn, hạn chế thất thu ngân sách và nâng cao tính minh bạch trên thị trường.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc giảm ngưỡng từ 20 triệu xuống 5 triệu đồng sẽ làm thay đổi đáng kể cách thức thanh toán của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam, ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất và trao đổi từ năm 2017, với tầm nhìn về định hướng phát triển giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Mục tiêu hướng đến là thúc đẩy hoạt động thanh toán qua ngân hàng, từ đó, giúp ngăn chặn gian lận thuế, trốn thuế hay gian lận trong việc hoàn thuế VAT, thậm chí là phòng chống rửa tiền.
“Việc điều chỉnh mức dưới 5 triệu đồng thanh toán bằng tiền mặt là phù hợp với định hướng của Chính phủ. Đồng thời cũng tạo ra bước đệm cần thiết cho doanh nghiệp làm quen dần, cũng như giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc thanh toán các khoản chi phí nhỏ. Đặc biệt là ở những vùng núi, vùng khó khăn, nơi mà cơ sở hạ tầng thanh toán chưa được phát triển mạnh như ở thành phố”, ông Tuấn đánh giá.
Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas
Theo Giám đốc Keytas, doanh nghiệp cần thích nghi với chính sách này. Điều này có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao hệ thống quản trị doanh nghiệp, tránh sai sót và gian lận tại doanh nghiệp.
Nhiều rủi ro khi doanh nghiệp chia nhỏ hóa đơn để lách thuế
Liên quan tới tình trạng một số doanh nghiệp chia nhỏ giá trị mua hàng thành nhiều hóa đơn khác nhau để thanh toán tiền mặt nhằm “lách thuế”, ông Tuấn cho rằng, đây là một hiểu lầm phổ biến của doanh nghiệp. Bởi nghĩa vụ thuế phát sinh trên tổng giá trị hàng hóa tại thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua. Bên bán cần thực hiện xuất hóa đơn trên tổng số giá trị hàng hóa tại thời điểm này. Việc chia nhỏ giá trị hóa đơn ra các khoản dưới 5 triệu đồng để thanh toán tiền mặt sẽ gây rủi ro cho cả bên bán và bên mua.
“Ví dụ, ngày 3/7, bên bán đã xuất hàng trị giá 13,5 triệu đồng (bao gồm thuế) và đã bàn giao cho người mua. Theo yêu cầu của bên mua, người bán đã xuất hóa đơn thứ nhất trị giá 4,5 triệu đồng vào ngày 3/7, hóa đơn thứ hai trị giá 4,5 triệu đồng vào ngày 4/7, hóa đơn thứ ba trị giá 4,5 triệu đồng vào ngày 5/7. Đối với hành vi này, bên bán sẽ bị phạt hành vi xuất hóa đơn không đúng thời điểm, mức phạt từ 4-8 triệu đồng. Vi phạm nhiều lần có thể đối diện với hành vi tăng nặng và bị phạt ở mức cao nhất của khung hình phạt.
Đối với bên mua, sẽ không được khấu trừ thuế VAT và không được tính vào chi phí được trừ cả 3 hóa đơn này. Bởi lẽ, tổng giá trị phát sinh nghĩa vụ thuế là 13,5 triệu đồng, bên mua cần thanh toán bằng chuyển khoản để được khấu trừ thuế VAT và được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Tuấn phân tích.
“Việc chia nhỏ hóa đơn dưới 5 triệu đồng để thanh toán tiền mặt không giúp doanh nghiệp lách thuế trong trường hợp này”, Giám đốc Keytas khẳng định.
Cẩm Tú/VOV.VN