Mùa hoa về - Cơ hội vàng cho du lịch

Mùa hoa về - Cơ hội vàng cho du lịch
2 ngày trướcBài gốc
Tiềm năng du lịch
Những năm gần đây, du lịch mùa hoa ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Việt Nam sở hữu hệ sinh thái đa dạng, khí hậu thuận lợi với nhiều loài hoa nở theo mùa, mở ra cơ hội lớn cho du lịch. Những mùa hoa này không chỉ mang đến vẻ đẹp thiên nhiên mà còn gắn liền với bản sắc văn hóa, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Đông đảo du khách đến với lễ hội hoa sơn tra ở xã Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến (tỉnh Sơn La)
Tây Bắc là khu vực tiêu biểu trong khai thác du lịch mùa hoa với những loài hoa đã trở thành thương hiệu như: hoa mận Mộc Châu, hoa ban Điện Biên, hoa tam giác mạch Hà Giang. Các mùa hoa không chỉ tô điểm vẻ đẹp núi rừng mà còn gắn với lễ hội truyền thống. Riêng thị xã du lịch Mộc Châu, mùa mận vừa qua đã đón hơn 1 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 1.300 tỷ đồng.
Không chỉ ở Tây Bắc, du lịch mùa hoa đã mở rộng ra nhiều vùng miền trên cả nước. Nghệ An nổi bật với cánh đồng hoa hướng dương bạt ngàn, trở thành điểm nhấn của du lịch nông nghiệp. Hà Nội có hoa sưa tháng 3 và cúc họa mi cuối thu, tạo nên khung cảnh đẹp lãng mạn. Ba Vì rực rỡ với hoa dã quỳ cuối thu, thu hút du khách yêu thiên nhiên và nhiếp ảnh...
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á, mùa hoa chính là “mỏ vàng” cho du lịch, mang lại nguồn thu bền vững và quảng bá hình ảnh địa phương hiệu quả. Một số nước như Nhật Bản, Hà Lan và Hàn Quốc đã phát triển du lịch mùa hoa thành sản phẩm chiến lược, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm nhờ quy hoạch bài bản và hoạt động văn hóa đặc sắc.
Tại Hà Lan, lễ hội hoa tulip ở Keukenhof là điểm nhấn du lịch quan trọng, kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch để tạo giá trị bền vững. Hàn Quốc cũng tận dụng mùa hoa, điển hình là lễ hội hoa anh đào và hoa cải vàng ở đảo Jeju, kết hợp với nghệ thuật trình diễn và các tour khám phá để phát triển du lịch.
Xây dựng thương hiệu
Theo Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, nhiều quốc gia đã biến những mùa hoa, mùa thay lá thành thương hiệu du lịch mạnh, thu hút đông đảo du khách. Những quốc gia này đều có chiến lược trồng cây theo khu vực và cung cấp các dịch vụ cho khách trải nghiệm, ngắm, chụp ảnh với hoa một cách chuyên nghiệp.
Các mô hình thành công này cho thấy sự quy hoạch bài bản kết hợp trải nghiệm văn hóa và bảo tồn cảnh quan có thể giúp du lịch mùa hoa trở thành sản phẩm chiến lược bền vững. Theo nhiều chuyên gia về du lịch cộng đồng, việc xây dựng đội ngũ người dân bản địa làm du lịch bền vững là yếu tố quan trọng.
Các địa phương cần có chương trình đào tạo giúp cộng đồng nâng cao kỹ năng phục vụ du khách mà không làm mất đi bản sắc truyền thống. Kinh nghiệm cho thấy, khi người dân được trang bị kiến thức về dịch vụ du lịch mà vẫn bảo tồn được phong tục, tập quán, họ có thể trở thành những đại sứ du lịch tốt nhất cho địa phương mình. Khai thác du lịch mùa hoa cần có chiến lược kết nối giữa các thành phần như lữ hành, lưu trú và ẩm thực để tạo nên sản phẩm du lịch bền vững.
Anh Hoàng Bảo, hướng dẫn viên chuyên tour Tây Bắc, nhận định: “Khách không chỉ muốn ngắm hoa mà còn thích trải nghiệm sâu hơn như chụp ảnh trang phục dân tộc, thử làm nông dân hái hoa, hay tham gia các lễ hội truyền thống. Nếu có thêm các dịch vụ đi kèm, thời gian lưu trú của du khách sẽ kéo dài hơn”.
Chiến lược truyền thông chuyên nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng. Việc quảng bá trên các nền tảng số, kết hợp với các KOL (người có tầm ảnh hưởng) và travel blogger (người viết blog về du lịch) có thể giúp lan tỏa vẻ đẹp mùa hoa mạnh mẽ hơn. Những hình ảnh ấn tượng trên mạng xã hội sẽ là công cụ quảng bá miễn phí nhưng hiệu quả. Việc hợp tác với các nhiếp ảnh gia, nhà sáng tạo nội dung sẽ giúp nâng cao giá trị thương hiệu du lịch của từng địa phương.
Việt Nam hoàn toàn có thể biến du lịch mùa hoa thành sản phẩm chủ lực. Các chính sách hỗ trợ, quy hoạch vùng hoa và đầu tư hạ tầng du lịch sẽ là chìa khóa giúp khai thác hết tiềm năng của loại hình du lịch độc đáo này, mang lại nguồn thu bền vững và tạo thương hiệu du lịch đặc trưng cho từng vùng miền.
Việc khai thác hiệu quả các mùa hoa không chỉ mang lại giá trị du lịch mà còn giúp quảng bá bản sắc văn hóa địa phương. Mỗi mùa hoa đều có thể trở thành biểu tượng riêng, giúp các tỉnh, thành phố nâng tầm thương hiệu du lịch của mình.
MAI AN
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/mua-hoa-ve-co-hoi-vang-cho-du-lich-post788582.html