'Mùa khoe con': Phụ huynh khao khát được ca tụng, tung hô trên mạng đến vậy sao?

'Mùa khoe con': Phụ huynh khao khát được ca tụng, tung hô trên mạng đến vậy sao?
một ngày trướcBài gốc
Vừa trở về sau buổi họp phụ huynh cuối năm, chị Bùi An Ngọc (35 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) lập tức chia sẻ bảng điểm và giấy khen của con trai lên các nền tảng mạng xã hội. Con trai chị vừa hoàn thành lớp 5 và nằm trong nhóm học sinh có thành tích cao của lớp. Không chỉ chia sẻ giấy khen và bảng điểm, chị Ngọc cho biết luôn sẵn lòng đăng tải mọi dấu ấn tích cực của con trong học tập, dù là nhỏ nhất.
"Tôi không thấy có gì sai khi lan tỏa niềm vui của con. Suốt một năm qua, con tự giác học tập, vượt qua nỗi sợ môn Toán để đạt điểm 9 cuối kỳ. Tôi chứng kiến con từng bước tiến bộ, con tôi học giỏi, vì sao lại không được tự hào?", chị Ngọc chị nói.
Từ khi con vào lớp 1, chị luôn lưu giữ giấy khen, phần thưởng như cách ghi lại kỷ niệm tuổi thơ, đồng thời nhắc nhở con rằng mọi nỗ lực đều xứng đáng. “Tôi làm hẳn album ‘Hành trình lớn khôn của con’ trên facebook, ghi lại mọi thành tích. Bây giờ, thời đại số, chia sẻ lên mạng là điều rất bình thường”, chị Ngọc cho hay.
Mỗi bài đăng về thành tích học tập của con trai đều thu hút hàng trăm lượt yêu thích và nhiều lời chúc mừng. Phần lớn bình luận đều khen ngợi sự chăm ngoan của con và cách nuôi dạy con khéo léo. Những phản hồi tích cực ấy, theo chị Ngọc là nguồn động viên to lớn. “Tôi chỉ băn khoăn khi con chưa có gì nổi bật. Còn nếu con thực sự học tốt, tôi sẵn sàng chia sẻ và chẳng có lý do gì phải giấu đi niềm tự hào đó”, nữ phụ huynh khẳng định.
Phụ huynh khuynh thành tích của con trên mạng xã hội. (Ảnh: Chụp màn hình)
Trái ngược với quan điểm của chị Ngọc, chị Bùi Quỳnh Chi (40 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) không đồng tình trước trào lưu phụ huynh ồ ạt khoe bảng điểm, giấy khen của con trên mạng xã hội. Theo chị, đằng sau những hình ảnh tưởng chừng vô hại ấy là nhiều hệ lụy tâm lý tiềm ẩn mà không phải ai cũng nhận ra.
“Chia sẻ một chút niềm vui thì không sao, nhưng khi nhà nhà cùng đăng bảng điểm, giấy khen, chứng nhận… liệu có vô tình tạo áp lực cho những đứa trẻ chưa có thành tích nổi bật? Người lớn thì dễ rơi vào cuộc đua khoe con mà không nhận ra. Không lẽ các phụ huynh khao khát được ca tụng, tung hô trên mạng đến vậy sao?”, chị Chi đặt vấn đề.
Nữ phụ huynh lo ngại khi, mạng xã hội dần trở thành "sân khấu sống ảo" nơi thành tích học tập của con đôi khi bị biến thành công cụ tô vẽ hình ảnh của cha mẹ.
"Tôi từng chứng kiến một bé trai bật khóc sau buổi tổng kết vì không được giấy khen, trong khi bạn bè đều được chụp ảnh, đưa lên mạng. Lúc đó, tôi tự hỏi, thành tích còn là niềm vui cá nhân hay trở thành gánh nặng so sánh?", chị Chi nói và cho rằng, mỗi đứa trẻ có tốc độ phát triển riêng và không nên bị đưa lên bàn cân qua những bức ảnh và con số.
Việc khoe thành tích con cái lên mạng xã hội nhận về nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh minh họa)
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, sau một năm học cố gắng, kết quả tốt của con cần được công nhận, khen thưởng. Tuy nhiên cha mẹ nên cân nhắc và hỏi ý kiến của con khi đưa lên mạng xã hội.
"Con cái học tập tốt, rèn luyện tốt là điều hết sức tự hào đối với bất kỳ ai. Khen thưởng và biểu dương các con là việc rất cần thiết nhưng nên cân nhắc trong phạm vi riêng tư của gia đình, người thân, lớp học. Mạng xã hội là nơi thông tin đến được với tất cả mọi người. Đôi khi việc đem thông tin cá nhân lên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro không lường trước được", TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Theo ông Lâm, không phải cứ khoe con cái chăm ngoan, học giỏi sẽ là động lực cho con tiếp cố gắng mà vô hình trung, điều đó lại tạo nên áp lực cho các con.
Đồng quan điểm, TS Hồ Lâm Giang, chuyên gia tâm lý giáo dục nhận định, việc khen con quá đà, một chiều, gây cho bố mẹ những ảo tưởng về sự toàn năng, toàn diện của con. Hệ quả, đến khi con điểm chưa cao, bố mẹ khó có thể chấp nhận về sự thất bại này, nảy sinh tâm lý thất vọng, cáu gắt, dẫn đến quát mắng, roi vọt.
Về lâu dài có thể hình thành tâm lý đổ lỗi, con không làm được bài là do đề khó, con bị điểm kém là vì cô giáo trù dập hay tương lai con không thành công là do không gặp thời, sếp không biết trọng dụng. Chưa kể, dưới áp lực từ phụ huynh, nhiều học sinh vẫn sẽ phấn đấu để có thành tích, để được "khen" và được "khoe" chứ không phải vì mục tiêu tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Việc học của con sẽ dần mất đi ý nghĩa.
"Tư tưởng khoe bảng thành tích học tập toàn diện vô tình gạt những em học lệch, học không đều sang nhóm yếu kém. Có rất nhiều cách để động viên và ghi nhận thành tích học tập của con, phụ huynh không nên quá lạm dụng mạng xã hội để khoe rầm rộ như hiện nay bởi đó là một trong những lý do khiến bệnh thành tích tồn tại dai dẳng", TS Giang nhấn mạnh.
Kim Anh
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/mua-khoe-con-phu-huynh-khao-khat-duoc-ca-tung-tung-ho-tren-mang-den-vay-sao-ar945178.html