Nông dân xã Mường Chà thu hoạch lạc.
Trên diện tích gần 1ha đất ruộng và đất bãi ven suối, trước đây gia đình chị Lò Thị Niên, bản Nà Sự, xã Mường Chà trồng chủ yếu là ngô, khoai. Một phần nhỏ diện tích đất được chị Niên dành để trồng lạc đỏ phục vụ bữa ăn hàng ngày.
Khoảng 3 năm trở lại đây, giống lạc đỏ này ngày càng được nhiều người biết đến và tìm mua, chị Niên dần mở rộng diện tích đất canh tác sang trồng lạc.
Đôi tay thoăn thoắt nhổ những khóm lạc trĩu củ trên tay, chị Niên hồ hởi: Vụ vừa qua, gần 1ha đất canh tác của gia đình được chuyển hết sang trồng lạc đỏ, ước tính thu hoạch được hơn 1 tấn lạc tươi. Phần lớn sản phẩm lạc được bán cho hộ kinh doanh trên địa bàn xã. Lạc thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy, tôi chỉ để lại đủ phục vụ nhu cầu ăn uống trong gia đình và để làm giống cho vụ tới.
Lạc đỏ Mường Chà có hạt đều, chắc, thơm bùi được nhiều người ưa chuông.
Vốn là cây trồng truyền thống, được trồng chuyên canh và xen canh cùng lúa hoặc các loại hoa màu khác, từ lâu cây lạc đỏ đã hiện diện trên đồng đất xã Mường Chà (chủ yếu ở 2 xã: Chà Nưa, Chà Cang cũ). Lạc có màu đỏ đặc trưng, đều, chắc, vỏ mỏng, khi rang lên tỏa mùi thơm bùi, vị béo ngậy đặc trưng. Tuy nhiên, do được trồng manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ trong gia đình nên sản phẩm lạc trồng ra ít được biết đến.
Chỉ đến năm 2019, thông qua các chương trình, hoạt động hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, sản phẩm lạc đỏ của xã Mường Chà mới có cơ hội được lan tỏa nhiều hơn. Với hương vị đặc biệt, nguồn gốc tự nhiên và cách canh tác thủ công, sản phẩm nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, nhu cầu đặt mua cũng tăng rõ rệt.
Tháng 12/2024, sản phẩm "Lạc đỏ Chà Nưa" được xếp hạng là sản phẩm OCOP 3 sao.
Trước tín hiệu thị trường tích cực, khoảng 5 năm trở lại đây, một số người dân địa phương đã tiên phong vận động bà con mở rộng diện tích trồng lạc đỏ, hỗ trợ thu mua sản phẩm.
Tâm huyết với sản phẩm nông sản của địa phương, những năm qua, chị Lò Thị Nhung, bản Nà Sự đã nỗ lực xây dựng thương hiệu lạc đỏ của xã với tên gọi “Lạc đỏ Chà Nưa”. Sản phẩm “Lạc đỏ Chà Nưa” chủ yếu gồm 2 loại là lạc củ khô và lạc nhân bóc tay, được đóng gói 500g hoặc 1kg, sau đó hút chân không trước khi bán ra thị trường. Trong đó, sản phẩm lạc nhân bóc tay được ưa chuộng hơn cả.
Theo chị Nhung, nhiều sản phẩm lạc trên thị trường sử dụng máy bóc tách hạt số lượng lớn, gây ra việc hạt lạc bị vỡ, rách vỏ, hao hụt trong quá trình bóc. Do vậy, đối với sản phẩm lạc nhân chị chọn phương pháp chế biến thủ công là bóc tay. Dù không đạt năng suất như dùng máy, thời gian chế biến lâu nhưng ngược lại phương pháp chế biến thủ công sẽ giúp hạt lạc không bị vỡ, nát giữ nguyên giá trị và hương vị của từng hạt lạc. Đây cũng là cách giúp chị xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Sản phẩm lạc đỏ của xã Mường Chà được trưng bày, quảng bá tại nhiều hội chợ xúc tiến trong và ngoài tỉnh.
Không phụ công người, cuối năm 2024, “Lạc đỏ Chà Nưa” được xếp hạng là sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là cơ hội để cây lạc đỏ của xã Mường Chà ngày càng khẳng định giá trị. Thời điểm khoảng năm 2019, sản phẩm lạc củ khi ấy mới có giá khoảng 30.000 đồng/kg, thì nay đã tăng lên 60.000 đồng/kg; lạc nhân bóc tay hiện được bán với giá 80.000 đồng/kg, tăng khoảng 1,5 lần.
Ở xã Mường Chà hiện nay có khoảng 60ha ruộng trồng lạc đỏ. Tại các vùng chuyên canh, thường là những vùng đất bãi ven suối người dân có thể trồng lạc 3 vụ/năm, trong khi các khu vực trồng xen canh (như trên đất lúa một vụ) trồng từ 1 - 2 vụ/năm. Trong đó, vụ lạc trồng từ tháng 3 và thu hoạch vào tháng 7 thường là vụ có năng suất cao nhất, đạt khoảng 1,2 tấn lạc củ tươi/ha. Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giờ đây lạc đỏ tại Mường Chà đang dần hình thành vùng trồng tập trung, có tổ chức.
Nông dân xã Mường Chà chuẩn bị đất cho vụ lạc mới.
Tại bản Cấu, xã Mường Chà vụ lạc vừa qua, khoảng 40 hội viên phụ nữ trong bản đã cùng nhau thuê hơn 8.000m2 đất canh tác để trồng khoai sọ và lạc đỏ. Theo đó, trên diện tích khoảng 3.000m2 trồng lạc đỏ, mỗi hội viên sẽ góp 1kg lạc giống, đồng thời phân chia ngày công làm đất, trồng và chăm sóc diện tích lạc.
Chị Lù Thị Út, chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản Cấu cho hay: Vụ lạc đầu tiên cho thu lãi hơn 26 triệu đồng. Dù năng suất cao lại bán được giá xong vì diện tích trồng ít nên số tiền sau khi chia đều cho các hội viên không được nhiều. Vì vậy, chúng tôi đã bàn nhau, vào vụ tới sẽ mở rộng diện tích trồng lạc để tăng thu nhập cho hội viên.
Thời điểm này, mùa lạc đỏ ở Mường Chà đã bước vào cuối vụ. Có hộ đang khẩn trương thu hoạch những diện tích cuối cùng, trong khi nhiều hộ khác đã hoàn tất thu hoạch và chuẩn bị đất để xuống giống vụ mới. Trong không khí rộn ràng, tất bật của mùa vụ, người trồng lạc ở Mường Chà mong rằng sẽ có những chính sách hỗ trợ phù hợp để mở rộng diện tích, phát triển đa dạng sản phẩm chế biến từ lạc đỏ… Từ đó, mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững từ cây lạc đỏ cho người dân nơi đây.
Thu Hằng