Mưa lớn gây ra lũ, sạt lở tại nhiều địa phương

Mưa lớn gây ra lũ, sạt lở tại nhiều địa phương
9 giờ trướcBài gốc
Xe tải chở thiết bị lật xuống mép suối sau khi cố băng qua đoạn đường ngập ở xã Na Loi. Ảnh: Hùng Lê.
Mưa lũ chia cắt xã biên giới Nghệ An
Tại tỉnh Nghệ An, mưa lớn từ đêm 5/7 khiến xã Na Loi bị chia cắt, nhiều điểm sạt lở, một xe tải lật xuống suối và hàng chục hộ dân phải sơ tán khẩn cấp.
Bà Pịt Thị Hà - Chủ tịch UBND xã Na Loi cho biết, trận mưa kéo dài từ đêm đến rạng sáng 6/7 làm nước từ các con suối đầu nguồn dâng cao, cuốn trôi cầu tạm tại bản Na Loi 2, gây chia cắt tuyến đường liên xã đi các bản Xuồi Sàn, Piêng Lau, giao thông gián đoạn.
Tại bản Đồn Boọng, một vụ sạt lở xảy ra lúc rạng sáng khiến ngôi nhà gỗ rộng hơn 50m2 của ông Cụt Văn Đình hư hỏng nặng. May mắn gia đình ông Đình đã kịp di chuyển ra ngoài nên không ai bị thương.
Cùng lúc, một ôtô tải do cố vượt qua đoạn đường ngập sâu thì bị nghiêng, lật xuống mép suối. Người dân và lực lượng chức năng mất hơn 3 giờ để kéo xe khỏi vị trí nguy hiểm. Chủ tịch UBND xã Na Loi Pịt Thị Hà cho biết thêm: "Các sự cố xảy ra lúc đêm khuya, ít người qua lại, việc tiếp cận hiện trường gặp nhiều khó khăn, nhưng rất may không có thiệt hại về người. Chính quyền đã bố trí lực lượng túc trực tại các điểm xung yếu, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả”.
Trong ngày 6/7, nhiều hộ dân đã phải sơ tán khẩn cấp do nguy cơ sạt lở tiếp diễn, tập trung ở các bản vùng cao như Huồi Xái 2, Phà Kháo và Huồi Thum. Đây là khu vực nền đất yếu, địa hình dốc, dễ trượt lở sau nhiều ngày mưa. Chính quyền xã Nà Loi đang phối hợp với bộ đội biên phòng, lực lượng dân quân và người dân khắc phục các tuyến đường tạm, tiếp tục rà soát và sơ tán những hộ nằm trong vùng nguy hiểm.
Trước đó, tại tỉnh Sơn La, mưa lớn liên tiếp nhiều ngày gây nguy cơ sạt lở rất cao. Tại xã Mường Sại, một số tuyến đường liên bản Cọ Muông bị sạt lở gây tình trạng ách tắc giao thông, 3 hộ dân tại bản Búa Bon xuất hiện các vết nứt dài có nguy cơ sạt lở; Tại Km 80+300 quốc lộ 279D, thuộc địa phận xã Mường Bú sạt lở đất gây ách tắc giao thông; xã Chiềng Mai ao cá vỡ gây sạt lở bùn đất tràn ra đường và tràn vào nhà dân; quốc lộ 4G đoạn qua Thủy điện Tạ Cọ, đất sạt lở xuống đường gây ách tắc giao thông...
Sau khi nhận được thông tin, chính quyền các xã, các bản huy động người gồm lực lượng dân quân và nhân dân, máy móc khắc phục những tuyến đường bị sạt lở; hỗ trợ di dời nhà ở, chuyển tài sản của các gia đình đến nơi ở khác để đảm bảo an toàn.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng đã đưa ra dự báo: đêm 5 ngày 6/7, khu vực các tỉnh Nghệ An và Lâm Đồng tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 70mm, tỉnh Lâm Đồng mưa từ 10- 30mm, cục bộ có nơi trên 60mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các xã/phường: Châu Tiến, Hữu Kiệm, Mường Quàng, Mường Xén, Quế Phong, Tiền Phong; Bình Chuẩn, Châu Hồng, Chiêu Lưu, Hùng Chân, Lượng Minh, Mường Lống, Nậm Cắn, Nga My, Quỳ Châu, Tri Lễ, Yên Hòa (tỉnh Nghệ An); Kiến Đức, Nhân Cơ, Quảng Tín; Đạ Huoai 2, phường 2 Bảo Lộc, phường 3 Bảo Lộc, Quảng Tân (tỉnh Lâm Đồng).
Cơ quan khí tượng thủy văn đã kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Chủ động rà soát, sơ tán người dân
Để phòng chống lũ quét, sạt lở đất, các chuyên gia về phòng chống thiên tai cho rằng, các tỉnh, thành phố cần phải sử dụng các giải pháp về công trình và phi công trình. Đối với các biện pháp công trình, các tỉnh, thành phố cần thực hiện trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ, đồng thời xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét, khai thông các đường thoát lũ, xây dựng đê, tường chắn lũ quét, phân dòng lũ, xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước...
Đối với các biện pháp phi công trình, các địa phương cần lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (nguy cơ cao; nguy cơ trung bình và vùng ít có khả năng xảy ra lũ quét). Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để địa phương đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét; quy hoạch sử dụng đất hạn chế phát triển trong vùng nguy cơ lũ quét cao.
Đối với các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây, các địa phương cần có quy hoạch lại và tái định cư, đưa đân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.
Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng đưa ra khuyến cáo, trước tình hình mưa lũ, các khu vực chịu ảnh hưởng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập úng lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn...
P.V
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/mua-lon-gay-ra-lu-sat-lo-tai-nhieu-dia-phuong-10309709.html