Mưa lớn kèm dông lốc gây thiệt hại tại nhiều địa phương

Mưa lớn kèm dông lốc gây thiệt hại tại nhiều địa phương
6 giờ trướcBài gốc
Do mưa dông kèm theo gió lốc đã khiến nhiều cây xanh tại xã Kroong (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) ngã đổ ra đường, gây ách tắc giao thông. Ảnh tư liệu: TTXVN phát
Cụ thể, khoảng 16 giờ ngày 4/5, sét đánh tại thôn Lương Thường, xã Dương Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã làm 1 người bị chết (ông ĐVL, sinh năm 1981) và 1 người bị thương (ông ĐVB, sinh năm 1977).
Tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, chiều 4/5, một trận mưa dông lớn xảy ra trên diện rộng khiến nhiều cây cối gãy đổ, hoa màu hư hại. Ngoài ra, mưa dông còn khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, giao thông trên một số tuyến đường tạm thời bị gián đoạn do cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên đường An Dương Vương (tổ 8, phường Thái Bình) bị bật gốc, đổ chắn ngang đường, đè bẹp ô tô đang đi trên đường.
Cùng với đó, chiều 1/5, mưa lớn kèm theo dông, lốc tại huyện Hòn đất, tỉnh Kiên Giang đã làm 3 nhà bị sập, 6 nhà tốc mái, ước giá trị thiệt hại về vật chất khoảng 270 triệu đồng.
Chiều 27/4, mưa lớn kèm lốc xoáy quét qua các xã Tân Thanh, Đông Hưng A, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang làm sập, tốc mái 24 căn nhà, nhiều cây xanh đổ ngã, mái tôn cùng nhiều đồ dùng, dụng cụ trong nhà bị cuốn phăng.
Chiều 26/4, trên địa bàn huyện Krông Pa (Gia Lai) xuất hiện mưa to kèm dông lốc khiến 69 ngôi nhà của người dân tại các xã Ia Rsươm, Ia Rsai và Chư Rcăm bị tốc mái. Trong đó, có 5 hộ ở bị thiệt hại trên 70%, 35 hộ thiệt hại từ 30-70% và 29 hộ thiệt hại dưới 30%. Ngoài ra, còn có các công trình khác như: công trình phụ, hiên nhà, tường rào, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, hư hỏng. Ước thiệt hại khoảng 573 triệu đồng.
Chiều cùng ngày, trên địa bàn huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, mưa lớn kèm dông, gió giật mạnh đã làm 58 căn nhà bị thiệt hại (trong đó 6 căn sập hoàn toàn) tại các xã: Phú An, Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Thọ, Long Hòa.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình có người bị thương vong, đồng thời huy động lực lượng chức năng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Để chủ động ứng phó với các hình thái thời tiết có xu hướng diễn biến phức tạp trong những ngày tới, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa dông, mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Theo đó, các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến thời tiết, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, cảnh báo khả năng ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở và nhân dân chủ động biện pháp phòng tránh phù hợp, sẵn sàng lực lượng tại chỗ, tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả; tăng cường tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người dân khi có tình huống xảy ra.
Các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh và sóng lớn trên biển; theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo, đồng thời thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và một số nơi ở Nam Bộ chủ động ứng phó với nắng nóng.
Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm theo Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Thắng Trung (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/mua-lon-kem-dong-loc-gay-thiet-hai-tai-nhieu-dia-phuong-20250505112554852.htm