Mưa lớn, lũ quét đe dọa nhiều tỉnh, thành

Mưa lớn, lũ quét đe dọa nhiều tỉnh, thành
8 giờ trướcBài gốc
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ 10 giờ ngày 22-7, bão số 3 (bão Wipha) đổ bộ đất liền ven biển giữa Hưng Yên và Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8-9 (62-88 km/giờ), giật cấp 11; đến hồi 16 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ vĩ Bắc - 105,9 độ kinh Đông trên đất liền các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa, cường độ giảm xuống cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 10 nhưng ít di chuyển.
Sơ tán, di dời 12.485 người
Theo nhận định của chuyên gia khí tượng, bão số 3 di chuyển nhanh, phạm vi và cường độ ảnh hưởng trên biển và đất liền rất rộng và nguy hiểm. Từ ngày 22-7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, gây gió mạnh, mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Ven biển Thanh Hóa mưa to đến rất to, từ 200-350 mm; Ninh Bình, Nghệ An có mưa từ 100-250 mm; các nơi khác thuộc đồng bằng Bắc Bộ mưa 50-150 mm; một số trạm mưa rất lớn như: Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) 374 mm, Châu Nga (tỉnh Nghệ An) 308 mm.
Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương đã sơ tán, di dời 12.485 người; 79 căn nhà ở bị tốc mái (Nghệ An); 107.217 ha lúa bị ngập (Hưng Yên 26.000 ha; Ninh Bình 74.017 ha, Thanh Hóa 7.200 ha). Hiện các tỉnh đang vận hành máy bơm tiêu nước, chống úng.
Về sự cố đê điều, nứt dọc mặt đê hữu Cầu dài 20 m đoạn từ K25+630-K25+680 (cấp III), xã Đa Phúc, TP Hà Nội; địa phương đã lập chốt hạn chế người, cấm phương tiện đi qua. Sạt 2 đoạn mái phía đồng đê tả Cùng (cấp IV), xã Hoằng Châu, tỉnh Thanh Hóa với tổng chiều dài 65 m (K5+858-K5+905 dài 47 m và K5+958-K5+976 dài 18 m); địa phương đang tổ chức xử lý; sạt mái đê bối Nam Quần Liêu dài 5 m tại K1+850 (cấp V), xã Nghĩa Sơn, tỉnh Ninh Bình; địa phương đã xử lý giờ đầu phủ bạt và đắp gia cố bằng bao tải đất.
Sóng to, mưa lớn ở vùng biển Hải Tiến (xã Hoằng Tiến, tỉnh Thanh Hóa) Ảnh: Thanh Tuấn
Ngập lụt, lũ quét
Do ảnh hưởng bởi bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình có mưa rất lớn trên diện rộng khiến ngập lụt xảy ra nhiều nơi tại các đô thị như: phường Hạc Thành, Hàm Rồng, Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa), phường Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình)... khiến nhiều tuyến đường trở thành sông. Mưa lớn cũng khiến cho hàng loạt các tuyến đường giao thông, các tràn qua sông suối tại các xã miền núi tỉnh Thanh Hóa bị nước tràn qua, ngập sâu gây cô lập.
Ông Lê Văn Cường - Bí thư Đảng ủy xã Mậu Lâm, tỉnh Thanh Hóa - cho biết mưa lớn đã làm toàn bộ 8 tràn qua đường trên địa bàn xã bị ngập sâu, xã đã căng dây, lắp biển cảnh báo và cử người túc trực, không cho ai qua lại. Ngoài ra, toàn bộ 23 hồ đập trên địa bàn mực nước cũng đã lên cao. "Chúng tôi đã huy động lực lượng ứng trực ở những điểm xung yếu, sẵn sàng xử lý các tình huống theo phương án đã đề ra" - ông Cường nói.
Thị sát công tác phòng chống bão tại Thanh Hóa sáng 22-7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Trung ương đã đi kiểm tra tại một số điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: kè chống sạt lở hai bên cầu Vạn Hà, cống Ngọc Quang (xã Xuân Lập) và hồ thủy lợi Cửa Đạt. Tại đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của hồ Cửa Đạt đối với an toàn hạ du, do đó công tác vận hành phải rất chủ động, tính toán kỹ các kịch bản, không để bị động khi mưa lớn xảy ra. Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải theo dõi sát tình hình mưa, dòng chảy về hồ từ lưu vực, nhất là khu vực phía thượng nguồn bên Lào. Các đơn vị phải tập trung cao độ, chủ động điều tiết sớm để giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh mưa lũ ngày càng khó lường.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (thứ 2 từ phải qua, hàng đầu) kiểm tra tình hình ứng phó mưa, lũ tại tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Thanh Tuấn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo cần đặc biệt lưu ý đến các khu vực hồ, đập, hồ chứa, nhất là các hồ lớn - tiềm ẩn nguy cơ sự cố khi lượng mưa vượt ngưỡng. Các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét cũng phải được rà soát kỹ lưỡng. Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trực tiếp kiểm tra, phân công kiểm soát những khu vực trọng điểm có thể xảy ra tình huống nguy hiểm.
Tại xã Yên Hòa, tỉnh Nghệ An, ngày 22-7, nước lũ trên các sông suối dâng cao, một số cầu tràn, đường bị ngập. Đặc biệt, cầu tràn trên tuyến đường độc đạo dẫn vào 2 bản Xốp Cốc và bản Tạt bị ngập sâu khoảng 1 m khiến 200 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn. Xã đã huy động các lực lượng tổ chức cấm đường, túc trực 24/24 giờ, không để người dân và các phương tiện tự ý đi qua.
Theo Chủ tịch UBND xã Yên Hòa Đậu Đức Truyền, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số hộ dân ở bản Xốp Cốc và bản Tạt nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở cao nên đã khẩn trương di dời họ đến nơi an toàn trước, trong và sau bão.
Bão vào Thanh Hóa, gây mưa lớn, gãy đổ nhiều cây xanhẢnh: THANH TUẤN
Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Tại xã Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An, trưa 22-7 xảy ra trận lũ quét cuốn trôi nhiều nhà dân, một cây cầu treo. Ông Mạc Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai, cho biết lũ quét gây thiệt hại nặng nề về hạ tầng, cơ sở vật chất, nhà dân. Hiện, trên địa bàn vẫn diễn ra mưa lớn, nhiều khu dân cư đã bị cô lập, chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại; di dời khẩn cấp nhiều hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.
Tại xã Tri Lễ (tỉnh Nghệ An), mưa lớn khiến một số tuyến đường trên địa bàn xã xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún lớn. Cụ thể, tại Km298+180 trên Quốc lộ 16, đoạn qua xã Tri Lễ, đã xuất hiện vết nứt sâu, dài khoảng 15 m. Mặt đường sụt lún, nứt nẻ khiến các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến gặp nhiều nguy hiểm. Ngoài điểm sụt lún nói trên, dọc tuyến Quốc lộ 16 qua xã Tri Lễ còn xuất hiện nhiều điểm sạt lở khác, đất đá từ ta-luy dương tràn xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông cục bộ. Xã đã cắm biển cảnh báo và thông báo để hạn chế người dân di chuyển qua tuyến đường bị sụt lún, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, một trong những đặc điểm khá đặc biệt của bão số 3 lần này là có cấu trúc mây dạng CDO (Central Dense Overcast), tức là mây đối lưu dày đặc chủ yếu tập trung ở phía Nam hoàn lưu bão. Theo đó, từ ngày 22-7 đến sáng 23-7 là khoảng thời gian mưa bão hoạt động mạnh nhất. Sau đó, mưa vẫn còn kéo dài đến khoảng ngày 25-7 ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Điều đáng lo ngại là mưa kéo dài trên nền đất đã bão hòa nước, làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng ở vùng trũng. Thanh Hóa và Nghệ An là 2 tỉnh cần đặc biệt cảnh giác.
Hàng trăm chuyến bay bị ảnh hưởng
Cục Hàng không Việt Nam ngày 22-7 cho biết theo số liệu báo cáo nhanh từ các đơn vị, tính đến 17 giờ ngày 21-7, số chuyến bay phải đổi đường tránh bão số 3 là 129 - trong các ngày 18, 19, 20-7.
Số chuyến bay phải bay vòng, bay chờ trong ngày 19-7 là 57 chuyến; phải chuyển hướng đến sân bay dự bị là 13 chuyến (trong đó 11 chuyến đến Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài; 2 chuyến đến Cảng Hàng không Thọ Xuân).
Trong ngày 21-7, tại Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn đã hủy 3 chuyến bay; Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi hủy 33 chuyến bay.
D.Ngọc
Chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại
Ngày 22-7, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung đã ký ban hành Công văn số 16188 thông báo chỉ đạo của Ban Bí thư về việc ứng phó với cơn bão số 3, gửi các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban Đảng Trung ương; Đảng ủy các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; các Đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Công văn nêu rõ tại phiên họp ngày 22-7, trước diễn biến phức tạp của bão số 3, thực hiện ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban Bí thư đã chỉ đạo tăng cường đôn đốc, kiểm tra, ứng phó với bão số 3, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra. Để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và tài sản nhà nước, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội không được chủ quan, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, ứng phó với cơn bão số 3, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Ban Bí thư yêu cầu hằng ngày cập nhật tình hình, gửi báo cáo về Văn phòng Trung ương Đảng (trước 16 giờ). Ban Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, tổng hợp, hằng ngày báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư tình hình liên quan.
Văn Duẩn - Lê Thúy - Thanh Tuấn - Đức Ngọc
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/mua-lon-lu-quet-de-doa-nhieu-tinh-thanh-196250722222529505.htm