Mưa lũ tại Nghệ An: Ấm áp tình người trong cơn lũ dữ

Mưa lũ tại Nghệ An: Ấm áp tình người trong cơn lũ dữ
19 giờ trướcBài gốc
Đoàn công tác của Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam vượt qua những tuyến đường ngập lụt, mang hàng cứu trợ khẩn cấp đến với người dân xã Nhân Hòa (Nghệ An) - nơi đang chịu thiệt hại nặng nề do hoàn lưu bão số 3 (Wipha). (Ảnh: TTXVN phát)
Từ tối 22 đến sáng 23/7, ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 3, trên địa bàn miền núi, biên giới tỉnh Nghệ An liên tục có mưa to. Nước lũ lên nhanh trên các dòng sông Lam, Nậm Mộ, Nậm Nơn đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, nhà cửa, tài sản của nhân dân.
Hàng chục xã với hàng trăm thôn, bản, khu dân cư bị ngập lụt nặng nề và cô lập, chia cắt do nước lũ bao vây với mực nước sâu.
Để đảm bảo an toàn về người, tài sản của nhân dân, chính quyền địa phương các xã bị ảnh hưởng, các lực lượng chức năng đã ngày đêm không quản ngại vất vả, hiểm nguy sơ tán, di dời người dân, chuyển đồ đạc, vật dụng ra khỏi những nơi xung yếu, nguy hiểm; sẵn sàng hỗ trợ bà con dân bản ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Nhiều sự việc, câu chuyện cảm động thể hiện tấm lòng cao đẹp, tinh thần nhân văn, sáng ngời tình yêu thương đồng bào đã diễn ra trong những khoảnh khắc, thời điểm hiểm yếu, gian nguy.
Thắm tình quân dân nơi eo Vực Bồng
Rạng sáng 23/7, tuyến quốc lộ 7 trọng yếu, huyết mạch nối địa bàn miền xuôi Nghệ An lên cửa khẩu Nậm Cắn bị tê liệt hoàn toàn bởi điểm ngập tại eo Vực Bồng (km 88+150 đến km 88+500) trên quốc lộ 7, thuộc thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông.
Nước lũ sông Lam dâng nhanh đã gây nên điểm ngập dài hơn 400m với mực nước nơi sâu nhất từ 1,5 đến 1,7m. Do eo Vực Bồng là cung đường cong dưới vách núi đá dựng đứng, mặt đường ăn vào vách đá kiểu hàm ếch nên nước lũ có tốc độ dòng chảy cực mạnh, xiết, ẩn chứa nhiều xoáy ngầm cuộn đổ liên hồi vào chân núi đá, cực kỳ nguy hiểm.
Từ sáng sớm cùng ngày, Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực 5-Anh Sơn đã huy động, tập kết về điểm ngập lụt này 3 canô, xuồng máy và gần 10 cán bộ, chiến sỹ để túc trực, sẵn sàng hỗ trợ người dân trong trường hợp khẩn cấp. Nhiều chuyến canô, xuồng máy đã chở hàng chục trường hợp qua điểm ngập này an toàn. Trong số đó, có nhiều người đi làm ăn xa về để giúp bố mẹ già hoặc vợ con ứng phó với lũ lụt; nhiều anh, chị sinh viên đi học xa bất an khi nghe tin bố ốm đau, bệnh tật đã nhiều ngày qua.
Có mặt tại điểm ngập, Thượng tá Trần Văn Hùng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực 5-Anh Sơn cho biết đây được coi là điểm ngập lụt đầu tiên trên tuyến đường đi lên các địa bàn tâm lũ như Tương Dương, Kỳ Sơn...
"Để đảm bảo an toàn, những trường hợp chúng tôi đưa qua điểm ngập đều phải mặc áo phao. Trong sáng ngày 23/7, chúng tôi đã đưa 2 bệnh nhân đi chạy thận kịp thời qua điểm chia cắt," Thượng tá Trần Văn Hùng cho biết.
Thôn Vĩnh Hoàn (xã Con Cuông) khu vực từ cầu Khe Diêm đến eo Vực Bồng là cũng là một trong những tâm lũ khi có hàng trăm hộ bị ngập nặng, mực nước sâu hơn 2m. Nhiều hộ dân ở sát bờ sông Lam nước dâng ngập mấp mé mái nhà. Người dân phải dùng thuyền nhỏ để di chuyển trong vùng ngập lụt.
Trong những ngày thôn Vĩnh Hoàn bị ngập lụt, ngôi nhà của vợ chồng anh Trần Văn Tuyển, chị Ngọc (thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông) nằm ngay ngã ba Khe Diêm trở thành mái ấm chở che, nơi nương nhờ, ngủ nghỉ của biết bao người trong thôn có nhà bị ngập sâu và những người không thể qua điểm ngập eo Vực Bồng khi trời tối.
Tạo điều kiện cho nhiều người có chỗ dân tá túc, nghỉ ngơi qua đêm, anh Tuyển và chị Ngọc đã sắp xếp, thu gọn đồ đạc, dừng kinh doanh nước giải khát, dành không gian 2 phòng ngoài cùng của căn nhà làm chỗ ở cho người dân. Đêm xuống, vợ chồng anh Tuyển, chị Ngọc mang đầy đủ chiếu, chăn, gối ra cho mọi người ngủ nghỉ.
Là một trong số rất ít gia đình có máy nổ phát điện trong thôn Vĩnh Hoàn, anh Tuyển đã cho máy nổ hoạt động cả đêm, ngày để người dân trong vùng ngập lụt có thể đến sạc pin điện thoại, sạc dự phòng, đèn chiếu sáng… vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, kể cả đêm khuya.
Cảm mến tấm lòng của vợ chồng anh Tuyển, chị Ngọc, nhiều người tá túc nhờ trong ngôi nhà anh đã xin được trả tiền công, tiền mua nhiên liệu vận hành máy nổ phát điện nhưng anh đã vui vẻ từ chối.
Anh Trần Văn Tuyển, thôn Vĩnh Hoàn, chia sẻ: "Gia đình tôi may mắn không ảnh hưởng ngập lụt vì ở nơi gần cầu, vị trí khá cao. Từ tình thôn xóm, tình người nên trong lúc hoạn nạn, khó khăn, giúp được mọi người một vài việc ý nghĩa là vợ chồng mình thấy vui lắm rồi. Chỉ mong sao mọi người không thiệt hại nhiều, lũ lụt qua mau để người dân sớm trở về cuộc sống thường ngày."
Chung tay hướng về tâm lũ
Từ trưa ngày 24/7, nước lũ tại các địa bàn trọng điểm như Tương Dương, Mường Xén, Mỹ Lý, Nhôn Mai…. đã rút dần. Công tác khắc phục hậu quả nhằm sớm ổn định đời sống cho người dân tại các xã đang được chính quyền địa phương, người dân khẩn trương thực hiện.
Phát huy truyền thống "tương thân, tương ái," để giúp đồng bào vùng lũ có thêm niềm tin, nguồn lực, động lực vượt hậu quả của lũ dữ, chiều 23/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An đã phát đi lời kêu gọi đồng bào trong và ngoài tỉnh, ở nước ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… chung tay góp sức, sẻ chia khó khăn, giúp bà con khắc phục hậu quả thiên tai và sớm ổn định cuộc sống.
Tổ công tác vất vả di chuyển theo vách đá ngược thượng nguồn sông Nậm Mộ trên hành trình tiếp cận bản Cha Nga (xã Mỹ Lý, tỉnh Nghệ An). (Ảnh: TTXVN phát)
Hưởng ứng lời kêu gọi, người dân ở khắp các mọi miền Tổ quốc đang hướng về tâm lũ miền Tây Nghệ An và có những hành động, việc làm thiết thực, ý nghĩa, kịp thời hỗ trợ người dân vùng lũ.
Sáng 23/7, đông đảo các chị em trong Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nga My (tỉnh Nghệ An) đã tập trung và phân công nhau đi hái lá rong trong đại ngàn Pù Huống, tập kết củi khô, xoong nồi, rửa lá, cắt dây buộc và gói, nấu chín hơn 1.000 chiếc bánh chưng để ngày 24/7 vượt hành trình hàng trăm km trao đến tay những gia đình bị ảnh hưởng lũ lớn ở các xã dọc đường quốc lộ 7.
Bà Lương Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nga My cho biết lộ trình trao quà của đoàn sẽ thực hiện tại các xã Tam Thái, Tam Quang, Tương Dương… Ngoài bánh chưng, các mặt hàng hỗ trợ bà con vùng lũ còn có mỳ tôm, nước lọc, gạo, các nhu yếu phẩm khác. Đây là hoạt động ý nghĩa, thể hiện tinh thần đoàn kết, lan tỏa và khơi dậy tình yêu thương đùm bọc nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Không riêng gì ở xã Nga My, những ngày qua, tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa như Yên Na, Con Cuông, Tam Quang, Nhân Hòa…đến các xã miền xuôi đồng bằng, miền biển như Cửa Lò, Diễn Châu… tinh thần sẻ chia, hướng về đồng bào vùng lũ miền Tây xứ Nghệ đã được các Hội Liên hiệp phụ nữ xã, các Câu lạc thiện nguyện triển khai thực hiện. Hàng ngàn suất cơm, chiếc bánh chưng, hộp cá, bao gạo, thùng mỳ tôm, chai nước lọc, chai nước mắm… được các Hội Liên hiệp phụ nữ, các tổ chức, Câu lạc bộ thiện nguyện gửi tới bà con vùng lũ miền Tây Nghệ An.
Thời điểm này, dọc tuyến Quốc lộ 7 qua các xã Con Cuông, Tương Dương, Mường Xén… rất dễ bắt gặp những xe tải chở nhiều nước lọc, bánh mỳ, mỳ tôm chạy thật chậm để trao đến tay bà con vùng thiệt hại. Lực lượng quân đội đang tất bật, hối hả chung tay giúp người dân khuân vác, rửa chùi đồ đạc, vật dụng; khắc phục hậu quả lũ lụt.
Lực lượng cứu trợ vận chuyển mỳ tôm, lương khô, nước... lên trực thăng để chuyển đến các xã phía Tây Nghệ An đang bị cô lập. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Từ chiều 24/7, tuyến quốc lộ 7 thông tuyến các điểm ngập đầu tiên tại địa bàn xã Con Cuông. Những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên từ mọi miền Tổ quốc sau hành trình vượt hàng trăm km cũng đã kịp đến với bà con vùng lũ xã Con Cuông và những vùng phụ cận.
Những hành động, những món quà gửi đến ủng hộ đồng bào vùng lũ kịp thời, thiết thực và chan chứa nghĩa tình của các cấp chính quyền địa phương, tổ chức, xã hội và nhân dân trong nước, người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài sẽ là nguồn động viên lớn lao, tiếp sức cho bà con sớm vượt qua thiên tai, ổn định cuộc sống./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/mua-lu-tai-nghe-an-am-ap-tinh-nguoi-trong-con-lu-du-post1051867.vnp