“Mưa lửa” chững lại sau hiệu ứng tuần đầu
Sau 3 ngày phát hành, Mưa lửa - phim tài liệu âm nhạc của chương trình - thu hơn 6,6 tỷ đồng với hơn 300 suất chiếu/ngày, lập kỷ lục phim movie concert Việt Nam có doanh thu cao nhất trong 3 ngày đầu với hơn 35.000 khán giả tới rạp ủng hộ. Có được cú hích mạnh tuần đầu, phim sốt ngắn hạn và rồi nguội nhanh chóng.
Thống kê trong ngày 24/5 của Box Office Vietnam, tổng doanh thu Mưa lửa hiện đạt hơn 8,5 tỷ đồng, tăng chậm những ngày sau và giảm suất chiếu. Hiện suất chiếu phim dao động từ 58-80/suất ngày.
Dù còn thời gian trụ rạp, doanh thu Mưa lửa vẫn cần nhiều nỗ lực trước đối thủ cùng dòng là Anh Trai Say Hi the movie: Kẻ phản diện tạo nên người hùng, vốn đạt mốc 15,4 tỷ đồng sau 5 tuần công chiếu và đang giữ vị trí top 1 phim concert Việt Nam có doanh thu cao nhất từ trước đến nay.
Ra mắt với kỳ vọng cao khi khai thác cảm xúc từ chương trình truyền hình thực tế Anh trai vượt ngàn chông gai, Mưa lửa chỉ được phát hành giới hạn tại các cụm rạp BHD, Lotte, Galaxy và Trung tâm chiếu phim quốc gia, vắng mặt hoàn toàn tại hệ thống CGV - chuỗi rạp chiếm tới 45% thị phần cả nước. Điều này khiến phim gặp bất lợi về quy mô tiếp cận khán giả dù chiếu các ngày trong tuần.
Mặc dù Mưa lửa vẫn có tên trên hệ thống rạp ở ba cụm lớn, thực tế phân bổ rạp lại không đều. TPHCM chỉ có cụm Galaxy, khu vực miền Trung - Tây Nguyên tương tự, trong khi tại miền Bắc, số lượng rạp từ ba hệ thống này cộng lại mới tương đương một nửa so với hệ thống CGV. Việc “ghi ba cụm rạp” trên truyền thông chủ yếu mang tính tượng trưng, không đủ sức kéo số vé thực tế.
Thua thiệt từ chiến lược phát hành và sức hút khán giả
Sự chững lại của Mưa lửa không chỉ đến từ hạn chế về hệ thống rạp chiếu mà còn nằm ở sức hút của chính bộ phim với nhóm khán giả cốt lõi - người hâm mộ nghệ sĩ tham gia, khi dòng phim concert vốn phụ thuộc nhiều vào độ mạnh, nhiệt huyết của fandom.
Nhìn lại đối thủ, Anh trai say hi đã tận dụng hiệu quả thời điểm phát hành vào cuối tuần, nhắm thẳng vào thời điểm nghỉ ngơi của nhiều người hâm mộ, phát hành tại CGV dù chỉ chiếu 4 ngày/tuần. Nhờ tỷ lệ lấp đầy cao tại nhiều suất chiếu, phim tối ưu hóa được chi phí vận hành và giữ độ nóng liên tục trong gần một tháng.
Các anh tài đến các cụm rạp giao lưu cùng người hâm mộ trong tuần đầu quảng bá.
Ngược lại, Mưa lửa ra rạp đúng dịp cao điểm mùa phim hè, khi thị trường đang tràn ngập phim hoạt hình thiếu nhi và bom tấn giải trí như Doraemon, Stitch, Dế Mèn phiêu lưu ký, Bí kíp luyện rồng... Việc cạnh tranh suất chiếu khiến các cụm rạp phải tính toán kỹ, ưu tiên phim hút khách hơn.
Với lịch chiếu rải rác, Mưa lửa khó duy trì được thói quen xem lại hoặc hiệu ứng truyền miệng mạnh. Ngoài ra, giá vé 220.000 đồng/vé được xem là khá cao so với những phim tài liệu âm nhạc.
Cơ hội nào cho "Mưa lửa"?
Tính đến ngày 25/5, Mưa lửa đạt doanh thu khoảng 8,5 tỷ đồng, còn cách mốc 10 tỷ chưa đầy 1,5 tỷ đồng. Theo thống kê của Box Office Vietnam, phim thu về 93 triệu đồng với 425 vé bán ra trên 78 suất chiếu, cho thấy dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, sang ngày 25/5, dù suất chiếu giảm xuống còn 58, lượng vé bán ra lại tăng gấp đôi, giúp doanh thu trong ngày ước đạt khoảng 180-190 triệu đồng.
Đà tăng này tuy chưa mạnh nhưng vẫn cho thấy phim giữ được sức hút nhất định từ cộng đồng người hâm mộ. Với tốc độ hiện tại, nếu duy trì trung bình 150-200 triệu đồng/ngày trong một tuần tới, Mưa lửa hoàn toàn có thể vượt mốc 9,4 tỷ đồng của BTS: Yet To Come in Cinemas để lọt top 5 phim concert doanh thu cao nhất tại Việt Nam và thậm chí tiến gần ngưỡng 10 tỷ đồng - sánh ngang Sky tour the movie.
Tuy vậy, cơ hội này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu phim tiếp tục được phân bổ suất chiếu ổn định và có thêm lực đẩy từ khán giả.
Trường hợp của Mưa lửa cho thấy giới hạn rõ ràng của dòng phim concert tại Việt Nam: nếu không có độ phủ rạp đủ rộng và đặc biệt là fandom đủ nhiệt, phim rất dễ rơi vào trạng thái gây sốt ngắn hạn rồi nguội nhanh. Trong một thị trường ngày càng cạnh tranh, thành công của phim concert không thể chỉ trông chờ vào hiệu ứng truyền hình hay vài ngày mở màn.
Gia Lạc