Vầu là loài cây thuộc họ tre nứa, mọc chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, trong đó Bắc Kạn có diện tích rừng vầu khá lớn. Không chỉ là nguyên liệu để làm đũa, hàng thủ công mỹ nghệ, cây vầu còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể từ măng vầu. Ở Bắc Kạn, măng vầu có nhiều ở các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì…
Cây vầu chiếm ½ diện tích rừng tự nhiên toàn xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn.
Măng vầu có sức sinh trưởng mạnh mẽ, thu hoạch hết đợt này, một thời gian sau lại có lứa mới. Theo kinh nghiệm của bà con, đầu mùa, khi măng vừa nhú khỏi mặt đất có vị ngọt, giòn, dễ chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Tuy nhiên, khi trời có sấm hoặc bước sang tháng Hai âm lịch, măng sẽ dần chuyển sang vị đắng.
Từng đoàn người tay cầm cuốc, tay cầm dao đi tìm măng.
Theo chân chị Ngân Thị Phượng, người dân xã Kim Hỷ ( Na Rì), chúng tôi len lỏi vào khu rừng vầu xanh mướt. Chị Phượng chia sẻ: "Măng đầu mùa mới nhú, có cái chưa lên khỏi mặt đất, nên rất khó tìm. Phải bới từng lớp lá khô, quan sát những chỗ có vết đất nứt là dấu hiệu có măng bên dưới. Khi đào phải cuốc sâu mới có thể lấy được măng. Công việc này nhìn đơn giản nhưng nếu không quen, có khi đi cả buổi cũng không được củ nào".
Vừa dứt lời, chị Phượng nhanh tay cào lần lượt từng lớp lá rừng, chỉ trong chốc lát đã phát hiện một búp măng non nhô lên. Dùng cuốc đào sâu xuống, chị nhẹ nhàng lấy măng lên, cắt bỏ lớp vỏ già rồi nhanh chóng cho vào túi nải. Xung quanh, từng tốp người cũng miệt mài đào măng, tiếng cười nói râm ran giữa núi rừng.
Những củ măng nằm sâu dưới lòng đất.
Từng chiếc nải dần đầy, đến trưa khi đã thu hoạch đủ, mọi người cùng nhau ngồi xuống cắt bỏ phần cuống già, phân loại măng rồi chuẩn bị ra về. Chị Phượng vui vẻ chia sẻ thêm: “Năm nay măng được giá, bà con tranh thủ đi tìm, có thêm chút tiền để sắm sửa cho con cái đi học. Tìm măng tuy có vất vả nhưng cũng là mùa vui nhất của người dân vùng cao chúng tôi”.
Không chỉ đơn thuần là món ăn đặc sản của núi rừng, mùa măng vầu đã trở thành một phần trong nhịp sống và văn hóa của người dân Bắc Kạn. Vào mỗi buổi sáng sớm, từng nhóm người lại cùng nhau lên rừng, chia sẻ những câu chuyện vui buồn, những kinh nghiệm tìm măng… Mỗi chuyến đi không chỉ mang về những gùi măng tươi mà còn vun đắp tình làng nghĩa xóm, giữ gìn nét đẹp lao động quý báu này.
Măng đầu mùa khó tìm nên trung bình mỗi ngày một người chỉ đào được khoảng 2-3kg.
Măng vầu không chỉ đem lại nguồn thu nhập mà còn là món ăn quen thuộc trong bữa cơm của người dân nơi đây. Đầu mùa, măng vầu non ngọt, có thể luộc chấm tương hoặc xào tỏi. Vào cuối mùa, khi măng chuyển dần sang vị đắng, đã lên tai xanh, người dân thường lấy phần lá măng nhồi với thịt lợn, thêm chút rau răm rồi đem hấp chín.
Ngoài giá trị ẩm thực, măng vầu còn giàu chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa, được nhiều người ưa chuộng. Vì vậy, vào mùa măng, không khó để bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ bày bán dọc những gùi măng dọc khắp các tuyến đường, các khu chợ lớn nhỏ ở Bắc Kạn.
Măng được bày bán ở chợ Đức Xuân (TP. Bắc Kạn).
Năm nay, do thời tiết khô hạn, lượng mưa ít nên măng vầu mọc chậm, sản lượng giảm, kéo theo giá thành tăng cao. Anh Nguyễn Như Quỳnh, người bán măng tại chợ Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) cho biết: "Mọi năm, giá măng đầu mùa bán lẻ chỉ dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, nhưng năm nay đầu mùa đã lên tới 45.000 – 50.000 đồng/kg. Do măng ít, nên nhiều người mua tranh thủ đặt hàng trước".
Anh Nguyễn Như Quỳnh, bán hàng tại chợ Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) chia sẻ.
Mặc dù giá thành tăng cao so với mọi năm, nhưng măng vầu vẫn được nhiều người ưa chuộng, bởi đây là đặc sản chỉ có theo mùa, không thể thay thế bằng các loại măng khác.
Giá măng tăng cao nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng.
Việc khai thác măng vầu giúp người dân cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn lợi bền vững, chính quyền các địa phương và người dân cần có biện pháp thu hoạch hợp lý, tránh khai thác cạn kiệt, đồng thời phát triển thêm mô hình trồng vầu để tăng sản lượng măng./.
Hồng Anh
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/mua-mang-vau-tren-reo-cao-bac-kan-post69367.html