Thấp thoáng sau vườn cà phê
Khi chủ vườn thu hoạch xong vụ mùa cà phê sẽ tiến hành làm lễ “rửa bạt” để kết thúc mùa thu hoạch. Đó là lúc xuất hiện người đi mót cà phê. Khi những người làm thuê hái cà phê sắp xếp hành lý trở về quê hương chuẩn bị sắm sanh tết nhất, cũng là lúc những người làm nghề mót cà phê đi từng gốc mót lại lần cuối những hạt cà phê rơi rụng sót lại trước khi bắt đầu mùa vụ mới. Vạch từng chiếc lá dưới những gốc cây cà phê đã thu hoạch hơn 2 tuần trước, những người phụ nữ nai nịt thật kín với mũ, áo bò trườn trên đất để mót nhặt cà phê rơi rụng sau vụ thu hoạch của chủ vườn bỏ lại.
Những trái cà phê còn sót lại trên cây sau vụ thu hoạch, những hạt cà phê bị rớt vương vãi xuống đất sau mùa vụ, những hạt cà phê chỉ còn nhân của quả cà phê sau bao ngày mưa, bị vùi dưới đống lá, vùi lẫn trong đất đỏ, thậm chí, ngay cả những hạt cà phê đã lên lá mầm cũng được những người mót tỉ mẩn nhặt nhạnh.
Những người mót cà phê thường đi chung theo nhóm để bảo vệ nhau.
Khác với những năm trước, năm nay số lượng người đi mót cà phê tăng gấp nhiều lần, bởi giá cà phê nhân năm nay tăng cao so với năm trước. Là người chuyên mót cà phê, chị H’lanh Niê (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) chia sẻ: “Năm nay sau khi hái cà phê thuê cho các chủ vườn, vì giá cà phê cao nên tranh thủ lúc rảnh rỗi, tôi sang các xã lân cận xem hộ nào thu hoạch cà phê xong thì xin vào vườn mót lại. Nếu đi từ sáng sớm đến chiều muộn, trung bình mỗi ngày tôi mót được vài kg. Như vậy, một ngày tôi cũng nhặt nhạnh được khoảng 200 đến 250 ngàn đồng”. Cũng giống như chị H’lanh, chị H’pui Niê cũng tranh thủ đi mót cà phê sau khi thu hoạch ở nhiều vườn rẫy khác.
“Nhà tôi có 5 sào cà phê đã thu hoạch xong, tranh thủ lúc nông nhàn, tôi theo các chị em khác vào các rẫy cà phê xin mót. Nếu may mắn có thể mót được nhiều, từ đầu vụ tới nay tôi cũng dồn được khoảng 30 kg cà phê nhân rồi”, chị H’pui thật thà chia sẻ. Với giá cà phê nhân xô hiện nay dao động từ 110.000 đồng đến 120.000 đồng thì chị H’pui cũng có thu nhập đáng kể lên tới vài triệu đồng trong vòng hơn nửa tháng. Đó là một khoản thu nhập đáng kể với đồng bào nơi đây.
Các chị chia sẻ, mót cà phê vốn không phải một nghề, mà đó là công đoạn cuối cùng của vụ thu hoạch. Hiện nay, người trồng cà phê thường phải thuê lao động thu hái. Trong khi đó, không ít nhân công lại thiếu trách nhiệm với công việc được thuê mà làm theo kiểu “hết ngày đầy công”, không hái kỹ nên để sót quả trên cành khá nhiều. Chưa kể, khi thu hoạch, người ta thường trải một tấm bạt lớn phía dưới gốc cây để thu gom cà phê, điều này khó tránh khỏi quả bị rơi vãi do bạt thủng, bạt vướng cành cây nên nhiều quả cà phê sót lại dưới đất bị che phủ bởi lá cây.
Trước đây, khi giá cà phê chưa tăng cao như bây giờ, việc này thường được các chủ vườn làm vì để làm sạch vườn, tránh bị những quả cà phê rơi rụng, hay những quả còn sót lại trên cành ảnh hưởng đến tiến độ phát triển, ra hoa của cây trong vụ sau. Thời gian gần đây, khi giá cà phê tăng, đã có nhiều người làm công việc này. Họ chú ý tới những vườn cà phê đã thu hoạch xong và chưa có người mót để đến xin chủ vườn cho vào mót lại. Nếu may mắn, trong những cây cà phê còn sót lại một vài cành trĩu quả chưa hái do bị khuất lấp bởi đám lá, thì người mót sẽ được “trúng quả”.
Những thành quả lao động như ngàn đốm lửa nhỏ thắp lên niềm hy vọng cho các gia đình khốn khó.
Lấy công sinh lời, mỗi ngày họ dậy từ sáng sớm, mang theo cơm đùm, cơm nắm rong ruổi khắp nơi để mót từng quả cà phê sót lại hoặc rơi vãi dưới gốc cây. Phương tiện hành nghề cực kỳ đơn giản, một chiếc rổ nhỏ, kèm theo chiếc bao tời để đựng những quả cà phê mót được. Người làm công việc này thường đi thành từng nhóm từ 3-5 người, phần đông là bà con hàng xóm, đồng hương, người đi trước làm được, rước người sau. Nghề này tuy vất vả nhưng cũng kiếm được một khoản tiền trang trải cuộc sống.
Có nhiều người mót cẩn thận, nhặt nhạnh tỉ mỉ và chịu khó có thể thu được 10-15 kg cà phê mỗi ngày nếu may mắn. Đó cũng là nguồn thu đáng kể với những người làm công việc này. Nhưng, cũng có hôm đi cả ngày trở về tay không, có khi đi trúng vườn rơi vãi nhiều, mê mải nhặt đến tối mịt cũng không muốn về. Những người đi nhặt mót cà phê có kinh nghiệm sẽ biết được khu nào hái quét, vườn nào sai quả, chủ vườn dễ chịu, tử tế. Nhiều người bảo đi mót cũng cần phải có văn hóa, không vào vườn có nhóm khác đang mót. Không lân la những nơi có bảng cấm. Không ngó nghiêng những vườn mà chủ hái kỹ, tính khó.
Những năm trước, nghề đi mót cà phê thường chỉ thu hút những người không có việc làm, nghèo khó. Song, vài năm trở lại đây, số lượng người đi mót cà phê tăng lên gấp nhiều lần. Đáng chú ý là người đi mót cà phê không chỉ có riêng chị em phụ nữ, thanh niên, trung niên mà còn thu hút cả những em nhỏ. So với các nghề làm thuê mà những người dân nghèo lấy làm kế sinh nhai thì nghề mót cà phê khá nhẹ nhàng, đơn giản. Chỉ cần vào những rẫy cà phê xa, chưa ai mót và nhanh tay, nhanh mắt cộng thêm một chút may mắn nữa là mỗi ngày sẽ có chút tiền bỏ túi.
Chực chờ những hiểm nguy
Việc đi mót cà phê kể ra cũng là một việc làm tốt, ngoài việc mang lại thu nhập cho những người rảnh rỗi, vừa chống lãng phí thì đây còn là việc làm giúp cho vườn cà phê sạch sẽ hơn, hạn chế mầm sâu bệnh lưu lại trong quả từ vụ này sang vụ khác. Tuy nhiên, người đi mót cà phê không chỉ cực khổ mà còn phải đối mặt với không ít hiểm nguy. Việc được mót trong vườn rẫy cà phê sau thu hoạch là yếu tố quyết định cho thành quả lao động của từng người, nên ở nhiều khu vực đã xuất hiện tình trạng tranh giành, dẫn tới nhiều hệ lụy.
Người dân đi mót cà phê để kiếm thêm thu nhập.
Không chỉ vậy, nghề đi mót cà phê nay còn mang lại không ít phiền toái bởi hiện nay người dân đang phải đề phòng nạn trộm cắp cà phê, gây ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh, trật tự tại địa phương. Do vậy, nhiều chủ vườn đã hoài nghi, đề phòng chính những người này. Ánh mắt coi thường, cái nhíu mày nhăn trán xua tay khi những chủ vườn không muốn người mót cà phê vào vườn của mình. Có cả những cái nhìn nghi kỵ không thể giãi bày cùng ai khi vườn bị hái trộm, cây bị hư hỏng nặng khi có đến mấy nhóm người nhặt mót khiến chủ vườn bực bội. Vì thế, nhiều chủ vườn dù dễ tính nhưng vẫn mong muốn người đi nhặt mót cà phê ý thức hơn, không làm hư hại cây khi nhặt cà phê.
Chưa hết, khi được chấp nhận vào vườn rẫy mót cà phê, nhiều mối nguy hiểm cũng chực chờ. Do việc nhặt mót cà phê phải dùng tay thực hiện, nên côn trùng hay rắn rết dưới thảm lá có thể tấn công người. Cũng như thế, việc phải bò trườn dưới gốc cà phê để nhặt nhạnh, côn trùng hay rắn rết trên cành thấy động cũng gây nguy hiểm cho người mót cà phê. Đã có nhiều trường hợp người đi mót cà phê bị rắn, rết hay bọ cạp tấn công phải đến trung tâm y tế cấp cứu, nếu không sẽ nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng.
Chưa hết, ở nhiều vườn rẫy xuất hiện tình trạng những con nghiện “chích choác” rồi vứt kim tiêm bừa bãi, người mót cà phê khi dùng tay vun lá để nhặt sẽ không may dính phải kim tiêm. Bà Lê Thị Bình (xã Dang Kang, huyện Krông Bông) cho biết, đi mót cà phê cũng cần có kinh nghiệm, mỗi người cầm một cây gậy theo để vừa gạt hết đám lá trên mặt đất, tránh bị kim tiêm hay rắn rết, côn trùng tấn công, mà cũng là một vũ khí có thể chống trả lại các loại rắn, côn trùng. Còn chuyện bị muỗi, kiến cắn hay bị mảnh thủy tinh đâm vào tay là chuyện thường.
Cũng có những trường hợp hy hữu đã xảy ra khi người đi mót cà phê gặp nạn, như việc bị chó của chủ vườn tấn công trong lúc đang nhặt cà phê. Trường hợp bà Phạm Thị Ngắn (55 tuổi, ở Buôn H’rát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) khi đi nhặt mót cà phê đã bị chó béc giê cắn tử vong năm 2010. Hay, trường hợp vào năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông phải phẫu thuật gắp dị vật, cứu sống cụ bà 95 tuổi bị trúng đạn khi đang lượm cà phê.
Thời điểm đó, bà H.T.P (sinh năm 1928, dân tộc Mông, trú tại xã Đắk Ngo, Tuy Đức) đi nhặt mót cà phê thì bị trúng đạn nhưng không biết ai bắn. Bệnh nhân sau đó được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức cấp cứu. Nhiều trường hợp phụ nữ khi đi mót cà phê đã bị kẻ xấu trêu chọc, quấy rối. Chính vì thế, những người đi mót cà phê thường đi chung theo nhóm để có thể bảo vệ lẫn nhau.
Những quả cà phê rơi rụng sau vụ thu hoạch trở thành nguồn thu nhập của một số người.
Mỗi ngày làm cật lực từ 7 giờ sáng tới chiều tối. Số cà phê này để bán được giá cũng không phải dễ, bởi các điểm thu mua yêu cầu cà phê phải sạch, phải còn nhân, nhân không bị sâu, cà phê không lẫn tạp chất như đất, cành lá. Nhiều lúc trời mưa, cà phê mót được dính bùn đất, người đi mót về phải xả nước rửa lại từng hạt cà phê rồi đem phơi qua nhiều nắng mới có thể bán được. Việc người dân đi mót cà phê để kiếm thêm thu nhập, nhất là những hộ có ít ruộng rẫy, những hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đây là thời gian để họ kiếm thêm thu nhập. Với số tiền kiếm được mỗi ngày, họ có thể mua gạo, thức ăn để lo cho gia đình.
Tiêu Dao