Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa mưa bão năm 2025 được dự báo sẽ ít xuất hiện những cơn bão dữ dội như Yagi. Tuy nhiên, sự khó lường trong đường đi và cường độ của các cơn bão năm nay lại được đánh giá là có xu hướng tăng lên. Không chỉ vậy, mưa giông đầu mùa và các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, sét đánh, mưa đá cũng được cảnh báo sẽ xuất hiện với tần suất cao tại nhiều khu vực trên cả nước.
Miền Nam vào mùa mưa, đề phòng mưa lớn bất thường
Ngay trong tháng 5 – giai đoạn chuyển mùa – khu vực Nam Bộ đã chứng kiến các trận mưa lớn bất thường. Điển hình là cơn mưa rạng sáng 10/5 khiến nhiều nơi tại TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai ghi nhận lượng mưa vượt 100mm. Riêng Củ Chi (TP.HCM) có mưa tới 230mm chỉ trong 6 giờ, gây ngập diện rộng tại các khu vực trung tâm thành phố.
Ảnh minh họa.
Lý giải hiện tượng này, ông Lâm cho biết do giai đoạn giao mùa, không khí còn nhiều hơi nóng kết hợp với gió mùa Tây Nam mang độ ẩm từ biển vào, tạo điều kiện thuận lợi cho đối lưu mạnh. Thêm vào đó, đô thị hóa với mật độ xây dựng cao và các bề mặt hấp thụ nhiệt như đường nhựa, nhà bê tông đã góp phần làm không khí tầng thấp mất ổn định, dẫn đến mưa giông dữ dội hơn.
Từ nay đến cuối tháng 5, lượng mưa ở vùng núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ dự báo sẽ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 5–25%. Ngược lại, Trung và Nam Trung Bộ có thể khô hạn nhẹ khi lượng mưa giảm 5–20%. Cũng trong tháng 5, nguy cơ xuất hiện bão trên Biển Đông là có nhưng thấp, và khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta là rất ít.
Đối với khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, mùa mưa được nhận định sẽ kéo dài đến muộn. Từ tháng 5 đến tháng 7, lượng mưa tại đây có thể cao hơn trung bình nhiều năm từ 10–20%, và duy trì ở mức xấp xỉ hoặc nhỉnh hơn trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10. Trung tâm Dự báo khí tượng cũng cho biết các bản tin cảnh báo đã liên tục cập nhật tình hình mưa dông cho khu vực phía Nam từ trước ngày 10/5, cho thấy hệ thống dự báo đang theo dõi sát sao các diễn biến bất thường.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng nhìn nhận rằng dự báo định lượng các hiện tượng cực đoan như mưa lớn vẫn là một thách thức, không chỉ đối với Việt Nam mà còn là bài toán hóc búa cho giới khí tượng toàn cầu.
Bão năm 2025 không quá nhiều nhưng khó đoán
Về tổng thể, mùa bão năm nay được dự báo ở mức tương đương trung bình nhiều năm với khoảng 11–13 cơn hình thành trên Biển Đông, trong đó khoảng 5–6 cơn có khả năng ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Thời gian bão tập trung có xu hướng phân bố theo vùng địa lý: Bắc Bộ nhiều khả năng chịu ảnh hưởng từ tháng 7–9, còn Trung Bộ và Nam Bộ dễ bị tác động trong các tháng 10–11.
Trạng thái ENSO hiện nay được xác định là trung tính – tức không nghiêng về El Nino hay La Nina. Trong điều kiện này, số lượng và cường độ bão có thể không quá cao, nhưng lại thiếu một “kịch bản thời tiết rõ ràng”, khiến cho việc dự đoán hướng đi và mức độ của từng cơn bão trở nên phức tạp hơn.
Ông Lâm phân tích, không có hiện tượng ENSO chi phối mạnh mẽ như El Nino hay La Nina, bão có thể hình thành rải rác suốt mùa và phát sinh ở nhiều khu vực khác nhau. Điều này dẫn đến khả năng đường đi của bão thay đổi thất thường, khó xác định hướng dịch chuyển cụ thể. Vì vậy, mặc dù năm nay không được đánh giá là mùa bão đặc biệt mạnh, các địa phương và người dân vẫn cần cảnh giác cao độ trước những diễn biến bất ngờ.
Ngoài bão, các hình thái thời tiết nguy hiểm khác như mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ở các vùng trũng thấp cũng được nhận định sẽ có xu hướng tăng. Đặc biệt, các tỉnh vùng núi phía Bắc hoặc khu vực có địa hình dốc cần chủ động các phương án phòng ngừa thiên tai ngay từ đầu mùa.
Dự báo dài hạn dựa vào quy luật khí hậu và các điều kiện khởi đầu, song theo ông Lâm, độ tin cậy của các mô hình hiện tại thường chỉ kéo dài dưới một tuần. Do đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sẽ liên tục cập nhật thông tin và phát hành cảnh báo kịp thời khi có dấu hiệu hình thành xoáy thuận nhiệt đới.
BN