Tại xã Mường Chiên, tỉnh Sơn La, Công an xã và các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân di dời nhà, tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở do mưa lớn kéo dài. Ảnh: TTXVN phát
Việt Nam đang bước vào mùa mưa bão năm 2025, theo nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, mùa mưa bão năm này diễn biến khó lường, khó đoán định.
60 người chết, mất tích do thiên tai
Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra 20 loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, mưa lớn, lũ, ngập lụt...), trong đó ngay gần trung tuần tháng 6, bão số 1 đã hình thành ngày trên Biển Đông, măc dù không ảnh hưởng tới đất liền Việt Nam nhưng hoàn lưu bão rộng đã gây ra một đợt mưa lớn ở Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên. Mưa dồn dập với cường suất lớn đã gây ra lũ lớn và ngập lụt ở nhiều tỉnh, thành phố thuộc các khu vực trên, đặc biệt tại thành phố Huế.
"Đây là lượng mưa lớn lịch sử tháng 6 tại Huế, đặc biệt, lượng mưa tại trạm Bạch Mã đạt 884,2mm. Riêng lượng mưa ngày 12/6 ở hầu hết các địa phương đều vượt giá trị kỷ lục về lượng mưa lớn nhất ngày kể từ năm 1976 đến nay. Đây cũng là hiện tượng mưa bất thường và hiếm gặp - có thể nói là chưa từng gặp trong tháng 6 - tháng chính của mùa hè", ông Mai Văn Khiêm chia sẻ.
Từ tháng 4 đến nửa đầu tháng 6, đã xuất hiện 4 đợt không khí lạnh. Trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6, khu vực Bắc Bộ đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn diện rộng. Đặc biệt, cuối tháng 6, Bắc Bộ tiếp tục xảy ra ra một đợt mưa lớn. Đợt mưa lần này có tổng lượng mưa từ 100-300mm gây lũ quét, sạt lở đất ngập úng ở nhiều địa phương như Lào Cai, Thái Nguyên...
Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay (tính đến ngày 30/6), thiên tai đã đã làm 60 người chết, mất tích, 31 người bị thương; 2.970 nhà bị hư hỏng; 114.169 ha lúa, hoa màu; 3.218 ha cây trồng khác bị ảnh hưởng, ngập úng,thiệt hại; 4.698 con gia súc, 195.419 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 2.463ha thủy sản bị thiệt hại, 9.894m kênh mương, bờ sông bờ biển bị sạt lở... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 125,3 tỷ đồng.
Trước thực trạng trên, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, từ đầu năm 2025 đến ngày 30/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành 1 công văn chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 Chỉ thị và 10 Công điện chỉ đạo tập trung ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, cháy rừng, rét đậm, rét hại kéo dài, xâm nhập mặn cao điểm ở đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh, tăng cường công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành 7 công điện, 2 quyết định và 22 văn bản chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, áp thấp nhiệt đới, rét, mưa lớn, lũ, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh trên biển; xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; triển khai công tác hộ đê bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và vận hành hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn hạ du.
Đặc biệt, riêng đối với bão số 1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 10/6 chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai và các bộ, ngành chủ động ứng phó với bão và mưa lũ. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo ngay khi hình thành vùng áp thấp. Đối với tình hình mưa lũ lớn ở Bắc Bộ.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành 5 văn bản, 3 chỉ đạo ứng phó với với mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, vùng áp thấp, lũ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Các bộ, ngành đã có công điện và chủ động triển khai ứng phó với bão số 1, mưa lũ
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban (24/24h); theo dõi, giám sát thiên tai, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, lãnh đạo Chính phủ ban hành văn bản và chỉ đạo ứng phó với bão số 1, mưa lũ; phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân chủ động ứng phó thiên tai
Tại địa phương, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai chủ động ứng phó với bão và mưa lũ theo Công điện củaThủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các bộ, ngành liên quan.
Không để bị động, bất ngờ
Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ này đến cuối năm 2025, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Giai đoạn từ tháng 7-9, dự báo có khoảng 5-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 2-3 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Giai đoạn từ tháng 10 - 12, có thể xuất hiện thêm 4-5 bão, áp thấp nhiệt đới trong đó khoảng 2-3 cơn có khả năng đổ bộ vào đất liền.
Đối với tình hình mưa lớn, từ tháng 7-9, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện những đợt mưa vừa, mưa to kéo dài. Khu vực Trung Bô cần đặc biệt lưu ý khả năng xuất hiện mưa lớn bất thường trong những thời điểm giao mùa, nhất là các đợt mưa trái mùa hoặc mưa lớn cục bộ. Mùa mưa tại Trung Bộ năm nay dự báo sẽ tập trung nhiều vào các tháng 10-11 và nửa đầu tháng 12/2025, trùng với thời kỳ hoạt động mạnh của bão, áp thấp nhiệt đới cuối mùa.
Để chủ động trong dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời, có độ chính xác cao và sát thực tế nhất là đối với mùa mưa bão năm 2025, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền cho rằng, hiện Cục đang xây dựng đề án tổng rà soát tất cả những trang thiết bị phục vụ ngành Khí tượng thủy văn và nhu cầu duy tu bảo dưỡng.
Đối với việc dự báo để phù hợp với chính quyền 2 cấp hiện nay, hiện Cục Khí tượng thủy văn đã chỉ đạo việc xây dựng các bản tin dự báo thời tiết đất liền, trên biển, cảnh báo thiên tai…theo hướng cập nhật đơn vị hành chính mới. Phân khu vực, vùng cũng được điều chỉnh thể hiện được hiện trạng địa danh mới làm sao dễ hiểu, chi tiết giúp người tiếp nhận là người dân và lãnh đạo chính quyền địa bàn hành chính mới nắm rõ thông tin để ứng phó phù hợp.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, Cục sẽ chỉ đạo việc tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai nhằm chủ động tham mưu "từ sớm, từ xa' cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia...để chỉ đạo ứng phó thiên tai kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, Cục cũng đề xuất công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả và sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai thuộc trách nhiệm của Bộ, tham mưu chỉ đạo công tác vận hành liên hồ chứa kịp thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu.
Đối với vấn đề an toàn hệ thống đê điều, Cục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ duy tu, bảo dưỡng đê điều, nhất là việc sửa chữa, khắc phục công trình đê điều bị hư hỏng; rà soát, sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn.
Các chuyên gia về phòng, chống thiên tai cho rằng, trong phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là một trong những nguyên tắc chính để ứng phó hướng tới giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời nhất, quyết liệt nhất, phù hợp với thực tế ở địa phương...
Các bộ, ngành theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai để dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng và người dân biết chủ động triển khai ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai, bảo đảm phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương và vận hành của chính quyền địa phương 2 cấp...Đồng thời, bảo đảm cung cấp điện, triển khai các biện pháp cần thiết chủ động bảo đảm an toàn cho các hồ đập thủy điện; rà soát, triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông và các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng khi có tình huống thiên tai...Cùng đó, hướng dẫn địa phương kiện toàn cơ quan thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng chống thiên tai và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp...; xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai hỗ trợ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống.
Thắng Trung (TTXVN)