Theo báo cáo nhanh về tình hình thoát nước của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, trận mưa ngày 1/5 có cường độ trung bình từ 50-70mm, thời gian mưa chỉ tập trung từ 6-7h sáng nhưng hàng loạt tuyến phố đã có điểm úng ngập như Vương Thừa Vũ, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Tưởng, Quan Nhân - Vũ Trọng Phụng, Cự Lộc, Nguyễn Xiển, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Vĩnh Tuy, Phạm Hùng, Thái Hà, Triều Khúc, Phú Xá…
Hà Nội còn tồn tại hàng chục điểm úng ngập mỗi khi trời mưa.
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội phối hợp với Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông nghiên cứu kế hoạch, giải pháp khắc phục các điểm ngập, úng cũng như có phương án tổ chức giao thông cho các “điểm đen” úng ngập này. Đơn vị này cũng cần nghiên cứu, phối hợp đơn vị tư vấn triển khai ngay các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý hiệu quả các điểm úng ngập ngay trong mùa mưa năm 2025.
Đáng chú ý, Sở Xây dựng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng chống úng ngập cho một số điểm thuộc các quận nội đô và các dự án sửa chữa hệ thống thoát nước trên địa bàn TP do Sở Xây dựng quản lý được UBND TP phê duyệt. Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông được giao phối hợp Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội rà soát thống nhất các giải pháp, phương án tổ chức an toàn giao thông tại các điểm úng ngập trên địa bàn TP.
Đánh giá của Sở Xây dựng cho thấy, Hà Nội còn tồn tại 30 điểm úng ngập (11 điểm úng ngập với lượng mưa từ 50mm/h đến 70mm/h; 19 điểm úng ngập với lượng mưa trên 100 mm/h). Để khắc phục tình trạng ngập úng, Hà Nội đang gấp rút triển khai một số dự án như: Hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, Trạm bơm tiêu Vĩnh Thanh (huyện Đông Anh); nâng cấp xây dựng Trạm bơm Phương Trạch (huyện Đông Anh); cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây tại Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (quận Hà Đông).
Cùng với đó, hàng loạt dự án đang được chuẩn bị đầu tư như hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ, hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực hữu Nhuệ, Trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh (quận Long Biên); dự án chống úng ngập cục bộ cho các quận nội đô và một số huyện ven đô.
Mặc dù có nhiều dự án thoát nước, thậm chí nhiều dự án được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng Hà Nội năm nào cũng tái diễn cảnh cứ mưa là ngập. Đáng chú ý là Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa). Dự án được xây dựng với mục tiêu nâng cao khả năng tiêu thoát nước cho khu vực phía Tây TP, bao gồm các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hà Đông với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng, triển khai từ năm 2015, bao gồm xây dựng cụm công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và cứng hóa kênh La Khê dẫn nước về bể hút.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, còn gần 20 hộ chưa bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án vì nhiều lý do. Đơn vị thi công đang tập trung thi công hạng mục lòng kênh La Khê, hiện đã đạt 80% khối lượng. Nếu những ngày tới không mưa, thời tiết thuận lợi cho thi công thì hạng mục này sẽ hoàn thành trước ngày 15/5. Các hạng mục còn lại dự kiến cuối năm nay sẽ xây dựng xong.
Một dự án thoát nước khác là Cụm công trình đầu mối Liên Mạc cũng được đề xuất xây dựng với kỳ vọng thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía Tây, bao gồm các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hà Đông. Tổng mức đầu tư của dự án là 3.635 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm này vẫn đang trong tình trạng là dự án "treo".
Để có thể giải bài toán ngập úng ở các TP lớn trong đó có Hà Nội, theo TS Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (NAWAPI), hiện nay, mực nước ngầm tại các đô thị lớn Hà Nội ngày càng bị hạ thấp do khai thác quá mức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm nhập mặn, ô nhiễm, sụt lún nền đất. Trong khi đó, tiềm năng thu hồi nước mưa, nước bề mặt đưa vào các tầng chứa nước rất lớn. Thu gom nước mưa để bổ cập cho nước ngầm cũng là một trong những giải pháp giải quyết úng ngập đô thị.
"Hiện nay, Luật Tài nguyên nước đã có những định hướng, những giải pháp, quy định để thu gom nước mưa và giải pháp xử lý trước khi đưa vào tầng nước ngầm. Tôi nghĩ, các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh muốn giải quyết úng ngập thì có thể sử dụng giải pháp thu gom nước mưa để đưa xuống dưới đất. Thứ hai cũng có thể thu gom nước mưa để đưa vào những bể ngầm để sau đó chúng ta khai thác để tưới cây, rửa đường hoặc làm các mục đích khác", TS Triệu Đức Huy hiến kế.
Còn theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hà Nội hiện chia ra 3 vùng để thoát nước là vùng Bắc Hà Nội, vùng Tả sông Đáy và vùng Hữu sông Đáy. Nhưng các trạm bơm để hút nước cục bộ, trạm trung gian để chuyển ra trạm cuối nguồn chưa làm được. Ngoài ra, các trạm bơm cuối nguồn cũng chưa đảm bảo có đủ công suất lớn để hút hết nước. Mặt khác, còn nhiều trạm bơm chưa được xây dựng cũng khiến việc thoát nước càng trở nên khó khăn hơn.
TS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ, kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong phòng, chống ngập úng cho thấy, phải có từ 3-5% mặt đất làm hồ điều hòa nước. Nhưng Hà Nội hiện chỉ có khoảng 2%, tương đương với 6.000ha hồ. Tuy Hà Nội có nhiều hệ thống mương nhưng mương bị lấp cũng nhiều và chưa khai thác được hết tiềm năng của hệ thống mương này.
"Có thể thấy, công trình chống ngập của các đô thị trên cả nước là rất cần thiết, nhưng chưa đủ, nhất là với yếu tố biến đổi cực đoan của thời tiết hiện nay. Việc giải quyết tình trạng ngập úng cần phải có chiến lược, tầm nhìn bền vững. Phải sớm điều chỉnh lại các dự án thoát nước. Ngoài ra, cần duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống kênh, mương, cống... Đặc biệt, cần có chính sách nghiên cứu tổng thể hệ thống sông chảy qua Hà Nội", ông Nghiêm nói.
Chi Linh