Mùa nghe tin bão

Mùa nghe tin bão
5 giờ trướcBài gốc
Mùa này ở quê tôi là những ngày chạy đua tranh thủ từng vạt nắng của đất trời. Người nông dân tất tả gặt lúa, hối hả phơi lúa phơi rơm đầy các con đường và mảnh sân trước nhà. Bởi, đâu ai biết bão dông sẽ thình lình ập tới lúc nào.
Tôi nhớ như in những mùa thu tuổi thơ mở chiếc radio cũ kỹ của ba, lòng thấp thỏm nghe đài báo bão. “Tin bão khẩn cấp, cơn bão số... Vào hồi... giờ, ngày..., vị trí tâm bão ở vào khoảng... độ Vĩ Bắc,... độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp... Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng...”.
Ảnh minh họa
Tin báo bão có nhiêu đó câu từ, chỉ thay con số và vị trí dựa vào từng thời điểm. Chúng tôi nghe riết thuộc lòng. Mọi người canh từng giờ để chờ dự báo, nhắc nhở nhau rằng thiên tai sắp cận kề. Khắp đường quê, suốt buổi chợ, trong bữa cơm, dù làm việc hay đang đi học, đâu đâu cũng đều râm ran nhắc về bão. Từ lúc biển mới gom gió thành áp thấp nhiệt đới ngoài khơi xa, mọi người đã vội vàng chuẩn bị đón bão.
Thiệt lạ, vào những ngày trước khi cơn bão tới, thời tiết lại khá đẹp và bình yên. Trời quang, gió nhẹ, mây xanh. Dường như trời đất đang dành một chút thời gian cho con người kịp gia cố, chằng chống nhà cửa. Ai nấy lật đật cho cát hoặc nước vào bao, trèo lên mái nhà đè tôn chống gió bay. Phải cắt tỉa cành nhánh các cây lớn, tránh bật gốc ngã đổ. Nhà nhà chất lúa khoai lên cao, thu dọn đồ đạc, những thứ dễ bay được cột gọn lại với nhau. Dây ràng, dây buộc, dây neo. Gian bếp mỗi nhà trữ đầy củi khô, cá khô, mắm muối, mì gói, đèn cầy, đèn dầu.
Cho dù dùng bao nhiêu cách ứng phó, thì không ai có thể hoàn toàn tự tin đối mặt với cơn bão ào ạt tràn vào quê xứ. Vẫn thức suốt đêm, đóng chặt cửa nẻo, sờ soạng bóng tối với chiếc đèn pin le lói, nghe ngóng gió rít ra sao, canh chừng nước dâng tới đâu, coi ngó nhà dột chỗ nào. Nền nhà đầy những thau, ca, chậu hứng nước mưa nhỏ giọt. Má thường kéo tấm bạt che chắn phía trên chiếc giường chị em tôi nằm. Không chỉ người lớn lo sợ mà tụi trẻ con cũng giựt mình nơm nớp trong giấc ngủ đầy tiếng mưa thét gió gào. Có nhà phải đội mưa lội nước lũm bũm ra vườn cứu đàn gà, vịt hoặc dắt trâu, bò lên chỗ đất cao. Cả một vùng quê không yên giấc, ra sức gồng mình chống chọi sự phẫn nộ của thiên nhiên.
Sau cơn bão gầm, đợi trời êm gió lặng, mọi người mới mở cửa nhặt nhạnh những gì còn sót lại. Viên gạch vỡ, tấm tôn bị quật móp méo, mớ hoa trái rơi rụng trong vườn, vài con cá đồng nhảy lăn lóc trên đường làng. Lúc này, lại tiếp tục ngóng tin tức ngư dân mất tích trên biển. Tên gì, bao nhiêu tuổi, thân nhân của ai, đã tìm thấy chưa, may mắn thoát chết hay xui rủi gởi đời mình vào biển khơi mãi mãi. Đôi khi, họ là người xa lạ không quen biết, nhưng ai cũng mong mỏi họ được trở về.
Đám con nít tụi tôi có thể thả non nớt vào những chiếc thuyền giấy chảy theo dòng nước lụt, có thể ngây thơ đùa giỡn mong cho bão đánh sập trường để được nghỉ học. Nhưng, sự thật, mỗi đứa trẻ quê nghèo đều nhìn thấy biển nước mênh mông cuốn trôi mọi thứ. Cây cối trốc gốc, hoa lá tả tơi, bao lúa ướt mèm, nhà cửa tan hoang, thậm chí có vài số phận bị nhấn chìm. Cái đói nghèo và mất mát hiển hiện khắp nơi. Chúng tôi biết bão lũ đáng sợ nhường nào, càng hiểu rõ sự cơ cực hằn sâu đôi mắt mỏi mệt của ba má. Nên, mỗi đứa con luôn thấy may mắn bởi được lớn lên trong vòng tay che chở, bao bọc. Có vô vàn cơn bão đã “ngoan ngoãn” ở yên phía bên ngoài những cánh cửa yêu thương.
Mấy năm học tập và làm việc tại miền Nam, tôi vẫn giữ nguyên thói quen ngày nhỏ. Từ thu sang đông, cứ tới mùa lại theo dõi bản tin dự báo thời tiết, phấp phỏng lo lắng bão lũ ập vào miền Trung. Người đi xa nào có yên dạ, luôn một lòng đau đáu quê hương. Thương tới xót lòng những mái đầu bạc, đôi mắt sâu và bao đêm thức trắng. Nhưng, quê nhà năm nào chẳng bão, trận to hay cơn nhỏ thì cũng qua thôi. Rồi sẽ vượt qua thôi...
Ny An
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/mua-nghe-tin-bao-i746048/