Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết ghi nhận ý kiến giáo viên, chuyên gia xung quang vấn đề sách giáo khoa giả, sách lậu. Các bài viết thu hút được nhiều sự quan tâm của độc giả.
Mua nhầm sách giả, học sinh phát hiện kiến thức bị in sai, giáo viên bối rối
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Đình Hường, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (Hà Tĩnh) chia sẻ: "Không ít người lo ngại về việc mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu, kém chất lượng, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với quá trình học tập của học sinh.
Bên cạnh đó, đây là vấn đề rất cần được quan tâm, vì sách giáo khoa không chỉ là nguồn tri thức chính, mà còn góp phần quan trọng trong việc định hướng và phát triển kỹ năng học tập của các em".
Vị hiệu trưởng cũng nhấn mạnh, sách giáo khoa là nền tảng tri thức của mọi thế hệ học sinh. Nhưng việc sách giả xuất hiện trên thị trường đã làm ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Nhiều khi, giáo viên phát hiện ra sách bị thiếu trang hoặc nội dung in sai lệch, điều này khiến cả học sinh và giáo viên lúng túng trong quá trình dạy và học.
Thực tế, học sinh là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất từ vấn nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu.
Cô Dương Huệ Linh, giáo viên Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng bày tỏ sự lo lắng trước vấn nạn sách giáo khoa giả. Cô Linh cho hay, đối với học sinh tiểu học, độ tuổi còn nhỏ, sách giáo khoa không chỉ là nguồn kiến thức, mà còn là cầu nối giúp các em hình thành tư duy và khám phá thế giới. Việc sử dụng sách giả sẽ khiến các em gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin chính xác.
Chính vì vậy, sách giả gây ra rất nhiều hệ lụy, đặc biệt với học sinh tiểu học - lứa tuổi đang trong giai đoạn làm quen với chữ viết và các khái niệm cơ bản. Nội dung sai lệch hoặc cách trình bày không rõ ràng, sẽ khiến các em hiểu sai bài học, thậm chí mất hứng thú với việc học.
Cô Dương Huệ Linh, giáo viên Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Trên thực tế, đã có không ít trường hợp giáo viên "bối rối" khi thấy học sinh của mình đang sử dụng sách giáo khoa giả, không đảm bảo chất lượng. Những ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở học sinh. Giáo viên cũng gặp không ít trở ngại khi phải điều chỉnh nội dung bài giảng do sách giả.
Cô giáo Nguyễn Thị Lụa, giáo viên Trường Trung học cơ sở Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) kể lại một tình huống trớ trêu: “Trong một tiết Sinh học lớp 8, có một em học sinh phát hiện công thức giải thích cơ chế hô hấp bị in sai hoàn toàn. Điều này không chỉ làm chính em học sinh này hoang mang mà còn gây khó khăn cho tôi trong việc sửa lỗi và giải thích lại bài học.
Sách giả thường được in rất ẩu, thiếu nội dung hoặc sai công thức. Điều này khiến tôi mất nhiều thời gian để kiểm tra lại từng chi tiết và đôi khi phải chuẩn bị tài liệu bổ sung riêng cho học sinh”.
Cũng theo cô Lụa, sách giáo khoa lậu ngày càng trở nên tinh vi, khó phân biệt với sách thật, và điều này đặc biệt đúng trong thời đại công nghệ số. Các sàn thương mại điện tử đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho việc buôn bán sách giả. Chính vì vậy, có một số lý do khiến nhiều phụ huynh và học sinh vẫn thường mua phải sách giả:
Thứ nhất, do tâm lý ham rẻ; sách lậu thường có giá thành thấp hơn, khiến nhiều người tiêu dùng lựa chọn mà không kiểm tra kỹ nguồn gốc. Thứ hai, do thiếu thông tin và cảnh giác khi mua sắm trực tuyến. Nhiều phụ huynh không nhận ra rằng, việc mua sách từ những nguồn không rõ ràng sẽ tiềm ẩn rủi ro cao. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ khiến các nhà sản xuất sách lậu dễ dàng tạo ra những cuốn sách trông giống sách thật, làm cho người mua khó phát hiện.
Nhà trường nên phối hợp với các nhà sách uy tín trên địa bàn
Để giảm nguy cơ mua phải sách giả, các giáo viên khuyến nghị phụ huynh học sinh chỉ nên mua sách từ các nhà sách uy tín hoặc theo danh mục sách giáo khoa đã được nhà trường cung cấp.
Thầy Trần Đình Hường nhấn mạnh vào giải pháp thiết thực mà nhà trường đã và đang triển khai, nhằm hạn chế tình trạng sách giáo khoa giả, đảm bảo quyền lợi cho học sinh: “Nhà trường đã chủ động phối hợp với các nhà sách uy tín, có thương hiệu lớn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh để cung cấp sách giáo khoa chính hãng cho học sinh ngay từ đầu năm học.
Đây đều là những nhà sách đã được kiểm chứng về chất lượng và có sự quản lý nghiêm ngặt trong việc nhập và phân phối sách. Việc làm này không chỉ đảm bảo các em được tiếp cận với nguồn sách chính thống, đúng chuẩn từ nhà xuất bản, mà còn giúp phụ huynh yên tâm hơn về chất lượng sách cho mỗi học sinh sử dụng.
Thầy Trần Đình Hường - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (Hà Tĩnh). Ảnh: hatinh.edu.vn.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi cũng chia sẻ thêm, việc hợp tác với những nhà sách lớn còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Theo vị hiệu trưởng, nhờ vào sự hợp tác này, giá sách cũng được điều chỉnh hợp lý hơn nhờ các chính sách hỗ trợ mà nhà sách đưa ra.
Chẳng hạn, các em học sinh có thành tích học tập tốt sẽ nhận được những ưu đãi như giảm giá khi mua sách.
Đối với học sinh thuộc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà sách và nhà trường sẽ phối hợp để triển khai các chương trình hỗ trợ cụ thể, như cung cấp sách giáo khoa miễn phí hoặc giảm chi phí đáng kể. Đây không chỉ là biện pháp kinh tế hiệu quả mà còn thể hiện tính nhân văn, giúp các em có cơ hội học tập công bằng, không phải lo lắng về việc thiếu sách hay sử dụng sách kém chất lượng.
Theo thầy Hường, việc nhà trường chủ động đứng ra làm cầu nối giữa học sinh và các đơn vị cung cấp sách chính hãng đã góp phần giảm thiểu đáng kể nguy cơ sách giả, sách lậu len lỏi vào môi trường học đường.
“Nhờ việc hợp tác này, các em học sinh hoàn toàn không cần tìm mua sách ở những nguồn không rõ ràng, như chợ tạm hay các cửa hàng thiếu uy tín. Điều này không chỉ giúp đảm bảo chất lượng học tập mà còn giảm nguy cơ phải sử dụng những cuốn sách có nội dung sai lệch, in ấn mờ nhạt, hoặc thiếu trang” - thầy Hường chia sẻ.
Bên cạnh đó, để tăng thêm tính trực quan, thầy Hường chia sẻ, nhà trường thường xuyên cung cấp mẫu sách chính thức mà học sinh sẽ sử dụng trong năm học; đồng thời, đưa các mẫu này vào các buổi giới thiệu sách, giúp học sinh có thể dễ dàng đối chiếu khi mua sách tại các cửa hàng.
Việc này không chỉ giúp các em nhận diện sách thật mà còn giúp phụ huynh yên tâm hơn trong việc chọn mua sách cho học sinh.
“Nhà trường cũng khuyến khích học sinh chia sẻ thông tin với nhau, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường về sách hoặc nếu gặp khó khăn trong việc tìm mua sách tại địa phương.
Tôi cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý và nhà trường để ngăn chặn triệt để tình trạng sách giả lưu hành trên thị trường. Các cơ quan quản lý thị trường nên tăng cường các đợt kiểm tra định kỳ tại các cửa hàng sách và điểm phân phối trên địa bàn.
Đồng thời, cần có những chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Việc này không chỉ giúp tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của học sinh và phụ huynh” - thầy Hường chia sẻ thêm.
Cũng bàn về cách thức giảm thiểu tình trạng sách giáo khoa giả, cô Dương Huệ Linh bày tỏ: “Tại trường học, việc tuyên truyền và giáo dục nhận thức là rất quan trọng. Nhà trường có thể tổ chức các buổi họp phụ huynh để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng sách chính hãng và cung cấp danh sách các nhà sách uy tín.
Ngoài ra, trong các tiết học, tôi thường lồng ghép các câu chuyện thực tế để giúp học sinh hiểu rõ tác hại của sách giả. Ví dụ, tôi đã kể cho các em về trường hợp của một học sinh cũ trước đây, gặp khó khăn trong học tập vì sách tiếng Việt của em ấy bị thiếu phần bài tập thực hành. Các em đã rất bất ngờ và tự nhắc nhở mình cần kiểm tra kỹ sách khi mua.
Bên cạnh đó, tôi đề xuất tổ chức các cuộc thi về văn hóa đọc và tầm quan trọng của sách chính hãng. Những hoạt động này không chỉ nâng cao nhận thức, mà còn giúp các em học sinh, phụ huynh và giáo viên cùng chung tay đẩy lùi vấn nạn sách giả, từ đó xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, chất lượng”.
Anh Tú