Bạn trẻ và du khách "check in" lá cờ phật giáo kích thước lớn bên cầu Phú Xuân. Ảnh: L. TUỆ
Theo lịch sử Phật giáo, Phật đản là ngày kỷ niệm Đức Phật Thích ca Mâu ni (Thái tử Tất Đạt đa) sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni vào năm 624 trước Công nguyên. Truyền thống Phật giáo một số nước Nam tông tổ chức vào ngày 8 tháng Tư và một số quốc giáo Bắc tông tổ chức vào ngày trăng tròn 15 tháng Tư âm lịch.
Tại Đại hội Phật giáo Thế giới lần đầu tiên diễn ra tại Colombo, Sri Lanka vào ngày 25/8/1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày Rằm tháng Tư âm lịch. Ngày 15/12/1999, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, theo đề nghị của 34 quốc gia, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên hợp quốc.
Đại lễ Phật đản xứ Huế có nhiều hoạt động đã trở thành lễ hội cộng đồng rực rỡ sắc màu mang bản sắc riêng như: lễ rước Phật với hành trình trang nghiêm từ chùa Diệu Đế đến Tổ đình Từ Đàm, nghi lễ thả 7 đóa sen hồng trên sông Hương, lễ diễu hành xe hoa trên đường phố, thuyền hoa trên sông Hương và đặc biệt là đại lễ mừng Phật đản nguyện cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc tổ chức vào sáng 15 tháng Tư tại Tổ đình Từ Đàm, trung tâm của Phật giáo xứ Huế.
Phật đản xứ Huế ngày nay không chỉ là một nghi lễ truyền thống tôn giáo mà đã trở thành nếp sống văn hóa, lễ hội của thành phố Festival. Những giá trị văn hóa của lễ hội Phật đản được tôn vinh đó là truyền thống ăn chay niệm Phật, làm lành lánh dữ, phát tâm cúng dường bố thí, giúp đỡ người nghèo, san sẻ khó khăn cho những người thiệt thòi và gìn giữ phẩm hạnh của bản thân để hướng đến sự giác ngộ giải thoát an lạc.
Ngày nay, truyền thống thiện lành đó càng được nhiều người hướng đến khi đối diện với thế giới đầy diễn biến bất thường của thiên nhiên và xã hội. Khái niệm “chữa lành” xuất hiện gần đây và trở thành một xu hướng du lịch nghỉ dưỡng không chỉ đối với Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới. Sự tương đồng thú vị này đang mở ra một triển vọng biến mùa Phật đản Huế thành điểm đến của sự lắng đọng, thức tỉnh, hướng thiện và “chữa lành” một cách thực sự.
Thật vậy, hãy đến xứ Huế trong mùa Phật đản để đi bộ trên những cung đường ven sông Hương, hít thở đầy phổi nguồn khí oxy trong lành, tìm lên các ngôi chùa nằm giữa những ngọn đồi xanh thẳm và hòa mình vào dòng người hành hương đi chùa lễ Phật, ngồi thật yên nơi một góc vắng để tĩnh tâm…
Phật đản Huế với cách lựa chọn ấy chắc chắn sẽ “chữa lành” mọi trái tim thương tổn sau bao mệt mỏi, áp lực của cuộc sống.
Bùi Ngọc Long