Bản Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện vùng cao Hướng Hóa (Quảng Trị) vào mùa khô không còn ồn ào tiếng nước đổ, nhưng vẫn giữ nguyên cái hồn hoang sơ, mộc mạc như bao đời nay. Những khối đá lớn lộ ra dưới lòng suối cạn, in dấu thời gian bằng những rãnh sâu do nước mài mòn. Rêu xanh phủ lác đác, tạo thành bức tranh thiên nhiên thô mộc mà tinh tế. Đây là lúc những người con của núi rừng, những "rái cá" trong cộng đồng người Vân Kiều, Pa Cô lên đường săn lùng loài cá mát trứ danh của đại ngàn.
Chúng tôi theo chân anh Hồ Văn Thăng và Hồ Văn Khay, 2 người đàn ông Vân Kiều rắn rỏi, từ bản Trăng Tà Puồng men theo con suối cùng tên. Mỗi người mang theo một tay lưới bén, nỏ bắn sắt, kính lặn, hành trang đơn sơ nhưng đủ để đối mặt với cuộc săn cá nơi thiên nhiên hùng vĩ.
Chiều buông, rừng Tà Puồng như được phủ một lớp vàng nhạt của nắng tàn. Đến một đoạn suối sâu được rừng che kín, anh Thăng chỉ tay xuống dòng nước trong vắt, ở đó từng đàn cá mát nhỏ lượn lờ như những nét chấm phá sống động giữa bức tranh đá và nước. Không chần chừ, anh nhảy ùm xuống, nhanh nhẹn giăng tay lưới thành vòng cung. Anh dùng một cành cây to chọc vào các kẽ đá, khiến lũ cá giật mình lao ra, mắc vào lưới.
Anh Hồ Văn Thăng với những con cá mát vừa săn được.
Trong lúc ấy, anh Khay đã đeo kính lặn, nhẹ nhàng trườn dưới đáy suối. Với chiếc nỏ trong tay, anh kiên nhẫn chờ đợi và ngắm bắn vào những khe đá, nơi cá mát lớn thường trú ẩn. Cuộc săn cá mát như một trò chơi kiên nhẫn giữa người và thiên nhiên. Họ không xô bồ, không hối hả. Mỗi động tác đều chuẩn xác, như đã được luyện từ thuở thiếu thời.
"Mấy năm trước, chỉ cần thả lưới đầu suối là bắt được cả chục cân cá, cua, ếch", anh Thăng chia sẻ và cho biết thêm: "Giờ thì khó rồi. Dân mình dùng kích điện bừa bãi, cá cũng dần vắng bóng. Phải đi ngược suối cả 2-3 cây số mới có ít cá mát nhỏ để bắt".
Mặt trời khuất dần sau những rặng núi, báo hiệu thời điểm lý tưởng để săn cá mát lớn, loài cá chỉ kiếm ăn khi đêm về. Chúng tôi tiếp tục hành trình trong ánh đèn pin lập lòe, vượt thêm vài cây số đến đoạn suối có nhiều vũng sâu và đá lớn. Anh Thăng dừng lại, bật đèn soi dưới làn nước, tìm kiếm từng dấu hiệu nhỏ nhất của loài cá đặc sản.
Cá mát, loài cá chỉ sống ở thượng nguồn sông Đakrông, Sê Pôn, Sê Băng Hiêng, có thân hình thon dài, vảy hồng nhạt và sáu đốm đen đặc trưng trên lưng. Con to nhất cũng chỉ bằng ba ngón tay, nặng khoảng 0,3kg. Chúng sinh sống trong các khe đá, hang ngầm hoặc chỗ nước chảy xiết, nơi ít người qua lại. Anh Thăng phân công tôi ngồi trên tảng đá, soi đèn giữ sáng trong khi anh nhẹ nhàng lội xuống nước, rải lưới quanh vũng sâu. Sau khoảng 30 phút chờ đợi, lưới được kéo lên, mang theo vài con cá mát dính chặt vào mắt lưới, thân lấp lánh trong ánh đèn.
Cứ như vậy, chúng tôi âm thầm chuyển từ vũng này sang vũng khác, săn từng con cá quý hiếm của núi rừng. Đến hơn nửa đêm, khi màn sương mỏng bắt đầu phủ xuống mặt nước, đoàn người mới rời suối quay về bản, mang theo chiến lợi phẩm là vài ký cá mát tươi rói.
Với đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, không loài cá nào quý bằng cá mát. Không chỉ vì vị ngon khó cưỡng mà còn bởi sự kỳ công trong cách đánh bắt và chế biến. Món cá mát nướng là món ngon độc đáo của người bản Trăng Tà Puồng. Cá được chọn là những con to, rửa sạch mà không mổ ruột, bởi phần ruột cá mát có màu rêu xanh, khi ăn có vị đắng nhẹ quyện ngọt đầu lưỡi rất lạ miệng. Sau khi được ướp cùng muối, sả, bột ngọt trong khoảng 20 phút, cá được nướng trên than hồng, trở đều tay đến khi da vàng ruộm, thơm phức. Mùi khói quyện trong thớ thịt cá, vị béo bùi lan tỏa từ đầu lưỡi đến cuống họng, một hương vị núi rừng không thể trộn lẫn.
Còn một món ăn nữa, độc đáo không kém, đó là cheo cá mát. Cá được làm sạch, xiên bằng que tre thành từng xâu rồi treo trên giàn bếp. Sau vài tuần hong khói, cá khô vàng, người dân đem xuống, giã nhuyễn với muối, ớt, tiêu rừng, đọt mây non và cà rừng nướng. Món này được ăn kèm với xôi nếp, thường mang theo lên nương rẫy hoặc dành cho những ngày giáp hạt, khi lương thực khan hiếm. Hương vị đậm đà, cay nồng, phảng phất mùi khói bếp và núi rừng khiến người ta nhớ mãi.
Ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa chia sẻ, ở bản Trăng Tà Puồng, cá mát giờ đây không chỉ là thực phẩm, mà còn là sản vật quý giá phục vụ du khách. Giá mỗi kg dao động từ 300.000 - 400.000 đồng, được thương lái thu mua tận nơi.
Cá mát có tên khoa học là Onychostoma gerlachi, một số nơi gọi là cá niên, pea khính, pa khính… Nhưng dù tên gọi nào, nó vẫn mang một ý nghĩa thiêng liêng với người Vân Kiều, Pa Cô, là phần hồn của suối, là quà tặng của rừng, là biểu tượng của sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên.
Thanh Bình