Mùa săn 'lộc biển'

Mùa săn 'lộc biển'
8 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Văn Lý, phường Hải Ninh (thị xã Nghi Sơn) và người thân trong gia đình thu hoạch cá trích.
Về thăm các địa phương ven biển xứ Thanh, như: TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Hậu Lộc... lúc này, bạn sẽ gặp một “miền” cá trích trên bãi biển. Những con cá tươi rói, ánh lên sắc bạc dưới nắng sớm. Cá trích không chỉ là món quà từ biển cả, mà còn mang theo hy vọng về một cuộc sống ấm no cho ngư dân.
5h sáng, thuyền nhà ông Nguyễn Văn Lý, phường Hải Ninh (thị xã Nghi Sơn) cập bến. Tắt máy, ông nhảy xuống thuyền, buộc dây neo lại. Lưới đóng đầy cá trích nằm lấp lánh trên sàn thuyền, ông và mấy thanh niên đi cùng vẫy, giũ lưới để cá rơi xuống nền cát. Một điều dễ nhận thấy, dù đàn cá hàng ngàn, vạn con nhưng kích cỡ, trọng lượng đều sàn sàn nhau, rất ít thấy những con quá nhỏ hay to vượt trội. Những con cá mắc lại, ông nhanh tay gỡ, quăng liên tục vào thùng nhựa. Cá vừa đầy thùng là cân ngay cho thương lái chở đi. Chỉ ít phút, ông đã bán hết số cá trích đánh được. Ông phấn khởi vì một ngày ra khơi có hiệu quả cao. Chuyến này, trời thương, thuyền ông đánh được hơn 1 tạ cá trích. Sau khi trừ chi phí, ông còn lãi gần 2 triệu đồng.
Cá trích có giá trị kinh tế không cao như cá ngừ, cá thu, mực, nhưng với ngư dân không có vốn lớn, gia đình neo người thì việc đánh bắt loài cá này tương đối phù hợp. Một lần ra khơi, thuyền chỉ cần 1 - 2 lao động, đi từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau là có thể đánh bắt được từ 1 - 2 tạ cá trích. Với một gia đình nhỏ, thu nhập hơn chục triệu đồng/tháng có thể được xem là ổn. Ông Lý tâm sự: “Thời tiết nắng ấm, thuyền ra khơi thuận lợi, ngày kiếm vài tạ cũng không hiếm”.
Theo kinh nghiệm của ông Lý, ban ngày cá trích thường bơi ở độ sâu từ 3 - 6m, ban đêm chỉ khoảng dưới 2m. Vậy nên đánh bắt cá trích vào ban đêm thường thuận lợi hơn. Thuận lợi nhất là lúc trời lạnh, sau đó có nắng ấm và gió nồm. Đặc biệt, lưới đánh bắt cá trích phải là loại chuyên dụng, gọi là “lưới trích” có mắt phù hợp với kích cỡ của con cá, rộng từ 8 - 10m, dài 200m, sợi mảnh, có 3 lớp. Loại lưới này chỉ dùng để bắt con lớn, con nhỏ lọt lưới sẽ là “của để dành” cho mùa cá năm sau.
Cá trích không chỉ giúp ngư dân có thêm thu nhập, cánh thương lái cũng có một mùa bận rộn. Chẳng thế mà vài tháng nay, dải biển thuộc xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) nhộn nhịp hẳn lên vì xuất hiện rất nhiều người mua buôn. Họ mang theo đầy đủ đồ nghề bảo quản cá, ngồi trên bờ đợi thuyền về. Chị Nguyễn Thị Thắng, người huyện Hậu Lộc chuyên kinh doanh hải sản tươi sống, cho biết: “Mấy hôm nay thời tiết thuận lợi, thuyền nào về cũng có cá trích nên dễ mua hơn. Một ngày, tôi thu khoảng 1 tạ cá từ các thuyền bè, với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, sau đó mang về các chợ ở huyện Hậu Lộc bán với giá chênh từ 5.000 - 10.000 đồng/kg”.
Không khí hối hả lúc thuyền về trên bờ biển thị xã Nghi Sơn.
Cá trích được những người buôn cá thu mua mang đi các chợ ở huyện và vùng lân cận bán lại. Một số được chuyển lên thành phố, ra Hà Nội. Nhiều gia đình có nhân lực, không nhập cho thương lái mà trực tiếp mang cá ra các chợ bán lẻ với giá cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg so với giá gốc tại biển.
Đang lúi húi thu lưới, dọn dẹp thuyền sau chuyến biển, anh Hoàng Văn Thơ, thôn 2, xã Hoằng Trường, cười vui: “Tranh thủ những ngày nắng ấm này, cá dễ đánh bắt lại được giá, gia đình tôi mang đến gần khu du lịch ngồi bán kiếm thêm chút ít. Chỉ mong mỗi chuyến biển, có thu nhập khoảng 1 triệu đồng là an tâm”.
Là xã vùng bãi ngang ven biển, Hoằng Trường gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác nguồn lợi hải sản trên biển. Toàn xã hiện có hơn 500 phương tiện khai thác thủy sản. Trong đó, có gần 100 tàu khai thác xa bờ và 450 các loại thuyền có công suất nhỏ, khai thác vùng lộng gần bờ. Sản phẩm khai thác chủ yếu là các loại hải sản nhỏ vì thế giá trị kinh tế không cao. Ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đến nay, bà con vùng biển này được mùa cá trích, ngư dân có thu nhập mỗi chuyến ra khơi từ 500.000 đồng trở lên. Đây là nguồn thu nhập khá với nhiều người dân ven biển, vì thế bà con đang tích cực bám biển”.
Để khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngành thủy sản tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển khuyến cáo ngư dân và các cơ sở chế biến tránh tận diệt cá trích nhỏ và giữ gìn vệ sinh trong thu hoạch, chế biến cá, tránh gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở các vùng biển phục vụ khách du lịch.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/mua-san-loc-bien-247679.htm