'Mưa trên cánh bướm' sự sáng tạo của ngôn ngữ điện ảnh

'Mưa trên cánh bướm' sự sáng tạo của ngôn ngữ điện ảnh
2 ngày trướcBài gốc
Tác phẩm có sự tham gia của các diễn viên Tú Oanh, Nam Linh, Lê Vũ Long và Bùi Thạc Phong, chinh phục giới chuyên môn quốc tế bằng chất điện ảnh sáng tạo và cảm xúc riêng từ nữ đạo diễn trẻ. Đây là bộ phim Việt Nam “xông đất” Tết Dương lịch 2025 sau khi chu du qua nhiều Liên hoan phim thế giới như Toronto, Busan, Hongkong, Manila, Bangkok, Đài Bắc (Đài Loan Trung Hoa) và Singapore.
Mưa trên cánh bướm thuộc dòng phim nghệ thuật độc lập (arthouse) có chất lượng của Việt Nam mở màn cho năm 2025
Người phụ nữ đau khổ
Tác phẩm lấy bối cảnh Hà Nội hiện đại với các khu tập thể cũ, quán ăn vỉa hè, những cây cầu vắt ngang sông Hồng, ngõ nhỏ đông đúc giờ cao điểm, những cầu thang chung cư, những sân thượng đặt thùng inox chứa nước… “Mưa trên cánh bướm” xoay quanh câu chuyện bà Tâm (nghệ sĩ Tú Oanh) - một chuyên gia điều phối tiệc cưới ở tuổi trung niên - chịu nỗi tủi nhục khi bị chồng là ông Thành (Lê Vũ Long đóng) ghẻ lạnh và ngoại tình. Bà Tâm tìm đến thế giới tâm linh hư hư thực thực với hy vọng níu giữ hôn nhân. Còn cô con gái Hà (Nguyễn Nam Linh đóng) muốn thoát khỏi thực tại và sự kiểm soát của cha mẹ bằng cách đi du học trời Âu.
Nhiều tia sáng vàng và đỏ được đạo diễn Dương Diệu Linh sử dụng nhằm nói thay tâm trạng nhân vật. Ánh sáng vàng tượng trưng cho sự nguy hiểm và chia cách của 3 thành viên trong nhà khi giữa họ không hề có sự cảm thông, thấu hiểu mà chỉ toàn những phán xét, oán hờn nhau. Màu đỏ cho thấy một bà Tâm rơi vào tình trạng khủng hoảng và uẩn ức khó tự chủ. Ông Thành trong suốt bộ phim chỉ để lại 1 câu thoại duy nhất, là tiêu biểu của những định kiến và phong tục lỗi thời. Nhân vật nam đáng chú ý nữa là Trọng (bạn thân của Hà - do Bùi Thạc Phong đóng), một thiếu niên luôn bị giày vò do mẹ bỏ rơi. Cả 2 tạo nên tuyến “nhân vật nền” đặc sắc và để lại nhiều suy ngẫm cho khán giả.
Đạo diễn Dương Diệu Linh có khởi đầu rất triển vọng trong sự nghiệp làm phim
Thay đổi định kiến
“Tại sao sau khi sinh con, người ta không hỏi đứa bé có khỏe không, lại hỏi trai hay gái?” - thắc mắc của Hà từ đầu phim tạo tiền đề cho những diễn biến đối lập và giải thích nguyên nhân những vụn vỡ về sau trong gia đình cô nói riêng và thân phận phụ nữ nói chung. Hà chia sẻ, nếu cô là “chim” (biểu tượng con trai) thì tình cảnh gia đình cô đã hoàn toàn khác với “bướm” (biểu tượng con gái), hàm ý thức tỉnh định kiến lâu nay về việc trọng nam khinh nữ, nhấn mạnh phụ nữ cũng có quyền tự do và khát vọng riêng.
Tác phẩm là thành quả hợp tác sản xuất giữa Việt Nam - Singapore - Indonesia - Philippines. Công ty Barunson E&A của Hàn Quốc (nhà sản xuất phim “Parasite”) mua bản quyền bán phim trên toàn cầu. Tuy ngôn ngữ điện ảnh vẫn còn vài tình tiết thiếu kết nối, nhìn chung có thể xem “Mưa trên cánh bướm” là dự án điện ảnh đầu tiên của Dương Diệu Linh được trình chiếu thương mại trong và ngoài nước.
Nội dung phim không mới, nhưng cách đặt vấn đề và thể hiện của đạo diễn rất sáng tạo, kết hợp công nghệ thời đại với các yếu tố mê tín dị đoan “cười ra nước mắt”. Dương Diệu Linh chia sẻ: “Đây là bộ phim của tập thể. Không chỉ có các diễn viên mà cả những vị trí khác trong đoàn (như tổ thu thanh, thiết kế…) cũng có thể góp ý để chúng tôi đưa ra được sản phẩm tốt nhất”.
Qua bối cảnh một gia đình truyền thống có các thành viên thiếu kết nối, chia sẻ, cảm thông, “Mưa trên cánh bướm” châm biếm giới đàn ông không biết trân trọng phụ nữ, đồng thời nêu cao tính độc lập, tự quyết của phái đẹp. Dù có phần bộc trực trong hành động, những người phụ nữ trong phim đều chủ động tìm chiếc chìa khóa định đoạt số phận của họ. Cũng như mọi người trong chúng ta đều chịu trách nhiệm với những lựa chọn của chính mình.
Ngoài 2 giải thưởng từ Liên hoan phim Venice danh giá, “Mưa trên cánh bướm” còn đoạt giải thưởng lớn (Grand Jury Prize) dành cho Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế QCinema diễn ra tại Manila (Philippines) tháng 11-2024. Giải thưởng Special Mention từ ban giám khảo dành cho những tài năng trẻ (New Talent Award) tại LHP châu Á tại Hongkong 2024.
Tác phẩm được nhận xét “có ngôn ngữ hình ảnh giàu tính mộng mơ kết hợp với cuộc đàm thoại thẳng thắn về tính nữ và gia đình, được xây dựng một cách đầy tự tin và khiêu khích. Đây là bằng chứng cho thấy tầm nhìn của những nhà làm phim Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm phong phú thêm thể loại và số lượng - những câu chuyện kể về đất nước này”.
Nghệ sĩ Tú Oanh (trái) và Nam Linh trong phim
“Mưa trên cánh bướm” là lần đầu tiên nghệ sĩ Tú Oanh thủ vai chính trong phim điện ảnh. Chị là diễn viên quen mặt khán giả truyền hình với những vai diễn nổi tiếng, dành được nhiều tình cảm của khán giả trong phim “Hương vị tình thân”, “Mình yêu nhau bình yên thôi”, “Hoa sữa về trong gió”...
Hai diễn viên trẻ Nguyễn Nam Linh và Bùi Thạc Phong lần đầu đóng phim điện ảnh, vào vai đôi bạn thân Hà - Trọng trong phim. Nam Linh tốt nghiệp ngành Nghệ thuật hình ảnh tại Mỹ còn Thạc Phong tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, đang hoạt động trong cả lĩnh vực điện ảnh và sân khấu kịch.
TRUNG KIÊN
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/mua-tren-canh-buom-su-sang-tao-cua-ngon-ngu-dien-anh-post600299.antd