Khi vào Củ Chi, tại vùng Đất thép kiên cường này, tôi nhận nhiệm vụ giao liên cho huyện ủy Gò Môn. Bấy giờ còn trẻ con nên ngoài công việc, tôi thích đi xem múa hát của những bà bóng tại các đình làng, do thích quá nên tôi cũng theo học và được các cô, các chị thương yêu dạy bảo.
Rồi ngày nọ, Đoàn Văn công T4 (Khu Sài Gòn - Gia Định) về biểu diễn ở xã Nhuận Đức, tôi mon men đến xem thấy có tiết mục múa Mâm vàng. Do đã từng học với các bà bóng nên khi tiết mục múa vừa biểu diễn xong, tôi vào phía sau sân khấu, xin các chị cho cầm chiếc mâm vàng và trổ tài. Tôi được các anh chị trong đoàn khen múa đẹp, động tác nhuần nhuyễn nên ưng ý lắm. Sau thời gian biểu diễn, Đoàn Văn công T4 đến cơ quan và xin cho tôi theo đoàn.
Nghệ sĩ Phi Yến
Năm 1965, tôi cùng Đoàn Văn công T4 được điều lên R sáp nhập vào Đoàn Văn công Giải phóng. Năm tháng này, có nhiều kỷ niệm tươi vui mà nay nhớ lại tôi vẫn nhớ như in và đầy tự hào. Ngày đó, tôi được anh chị em trong đoàn đặt cho biệt danh “Dũng sĩ diệt muỗi”, vì mỗi đêm vào mùng là đập hết muỗi mới chịu. Thế nhưng không ngờ, khoảng ba tháng sau tôi bị sốt rét, liên tục nằm trạm xá, cứ ra vào như đi chợ đến khi tóc rụng gần hết, chỉ còn loe hoe vài sợi.
Do nhiều lần nằm bệnh xá nên tôi cũng học được đôi điều chăm sóc đồng đội. Từ chỗ đi theo các chị y tá, tôi quan sát học làm theo và chích ven rất giỏi. Thế là từ đó, mỗi lần đi xung kích, sau lưng đeo cái bồng, đằng trước tôi mang thêm cái bồng của người bệnh, bên trái túi thuốc, bên phải ruột tượng gạo. Vào một ngày đẹp trời, chú Bùi Kinh Lăng - Phó Tiểu ban Văn nghệ đưa tôi đến gặp một biên đạo múa ngoài miền Bắc mới vào chiến trường miền Nam: nghệ sĩ Thái Ly.
Khi về đội múa, các nghệ sĩ khác đã thuần thục, còn tôi chưa biết gì. Thấy các chị, các bạn giơ chân cao mà mình không làm được, thế là mỗi tối về lán, tôi tự tập một mình. Nhờ chú tâm luyện tập, từ diễn viên bình thường, không bao lâu sau tôi trở thành diễn viên chính được mọi người khen ngợi. Bấy giờ, Đoàn Văn công Giải phóng phải chia thành tốp nhỏ để đi xung kích, tôi được ông Thái Ly chọn biểu diễn tiết mục múa “Người mẹ cầm súng”. Trước khi biểu diễn có lĩnh xướng bốn câu thơ của nhạc sĩ Thanh Trúc:
Có mối tình nào hơn mối tình người mẹ
Có tiếng hát nào hơn tiếng hát ru con
Có sức mạnh nào hơn sức mạnh căm hờn
Khi người mẹ đứng lên cầm súng.
Cùng tiếng nhạc trỗi lên, tôi lao ra sân khấu trong mịt mù đạn bom để tìm con trong vô vọng. Lúc bây giờ trước mắt tôi là cảnh tượng cuộc chiến tranh mà tôi đã trải qua. Cứ thế, tôi nhập vai và thể hiện một cách chân thành. Tâm trạng của bà mẹ mất con trong khói lửa tàn khốc của cuộc chiến tranh, hình ảnh đau thương này tôi đã từng nhìn thấy ở Củ Chi, rồi cảnh bom rơi, nhà cháy, chết chóc… Do đó, khi biểu diễn vai bà mẹ thì tất nhiên những động tác ấy, tôi thể hiện một cách truyền cảm và tôi khóc, nước mắt rơi khi trình diễn. Có lần diễn xong, nhạc sĩ Tôn Thất Lập cùng mấy anh trí thức ở nội thành Sài Gòn vào vùng giải phóng học chính trị, xem xong đã nắm tay tôi: “Yến ơi, em diễn mà anh nổi da gà”.
Tôi nhớ năm 1967, khi Đoàn Văn công Giải phóng R lên Campuchia biểu diễn, nghệ sĩ của đoàn được đồng bào Việt kiều khen ngợi, cảm phục, yêu thương bởi diễn viên, nghệ sĩ cách mạng là người của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Có chi tiết đáng nhớ là dù ít nghệ sĩ nhưng phải tham gia biểu diễn nhiều tiết mục, vì thế hết tiết mục này thì ai nấy nhanh chóng thay trang phục để kịp diễn tiết mục khác. Sau những chương trình biểu diễn này, bà con Việt kiều mình ở Campuchia yêu thương nghệ sĩ lắm. Có thể nói chính lời ca điệu múa của Đoàn Văn công Giải phóng đã tác động đến tinh thần yêu nước của bà con.
Năm 1974, tôi cùng số đồng chí trong Đoàn đi ròng rã cả tháng vượt Trường Sơn ra Bắc để biểu diễn đối ngoại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Liên Xô và Trung Quốc. Có lúc tôi đang biểu diễn thì lên cơn sốt rét nhưng vẫn cắn răng diễn tiếp, nhiều diễn viên khác cũng vậy. Đó là tinh thần quyết chiến quyết thắng của người nghệ sĩ - chiến sĩ.
Nghệ sĩ Phi Yến hiện nay
Khán giả Trung Quốc, Liên Xô biết dù mình sốt rét nhưng vẫn gắng biểu diễn nên họ rất thương anh chị em diễn viên. Họ chăm sóc, tạo mọi điều kiện tốt nhất từ món ăn, giấc ngủ, dành nhiều thiện cảm với đoàn. Họ còn tặng nhiều món quà, nhưng anh chị em từ chối không nhận với lý do còn về chiến trường ác liệt cần phải gọn nhẹ. Vì thế họ càng trân trọng những diễn viên cũng là chiến sĩ từng hoạt động, chiến đấu trong bão lửa ở chiến trường miền Nam.
Đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước, Đoàn Văn công Giải phóng vẫn tiếp tục đi biểu diễn phục vụ nhân dân. Đến lúc Nhà nước cấu trúc lại tổ chức của đoàn, tôi đi học múa ở Nhạc viện TPHCM, học xong tôi được giữ lại làm giảng viên ở phân hiệu múa thuộc Nhạc viện.
Năm 1980, tôi được cơ cấu trong đoàn nghệ sĩ đi phục vụ nhân dân Campuchia mới được giải phóng. Lúc ấy, tôi biểu diễn lại tiết mục múa “Người mẹ cầm súng” thì nhiều người cảm động cùng khóc theo tôi, bởi khi diễn mình khóc thật nên truyền được cảm xúc nội tâm khiến họ cảm nhận được nỗi đau của người mẹ mất con trong tội ác diệt chủng của bè lũ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary.
Năm 1986, trường Múa TPHCM được thành lập, tôi về làm hiệu phó. Sau đó, tôi làm Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đến khi về hưu. Năm 2005 đến 2020, tôi được Đại hội Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM bầu làm phó Chủ tịch thường trực.
Lê Minh (ghi)