Tòa dinh thự hoài niệm ấy của quý ông Marcel Proust (đại văn hào Pháp, 1871 - 1922) khởi động hành trình trong tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất từ nụ hôn của mẹ, mùi vị bánh madeleine dẫn ông về miền quê yêu dấu.
Những kẻ mất vé
Còn đám trẻ lang thang hè phố xưa như chúng tôi có thể khởi cuộc ngược về thơ ấu bằng chiếc que kem, cái bánh chuối chiên, quả me, trái sấu già rụng sau cơn mưa... Đại khái nếu mỗi đứa chưa đánh mất trí tưởng tượng thì sự hoài niệm sẽ bừng thức khi chúng bắt gặp vài vật chứng thuở còn nhỏ. Nó trao cho từng tâm hồn già nua hôm nay tấm vé miễn phí lên con tàu về với dĩ vãng chỉ chở một người khách mang theo nỗi riêng tư của mình.
Bọn trẻ bây giờ có nhiều đồ ăn vặt hơn, và món nào cũng có thể trở thành kỷ niệm thời thơ ấu.
Bạn tôi chẳng hạn, mỗi mùa đông từ Vũng Tàu ra Hà Nội không đi phố Tràng Tiền mút kem để tự nhớ nhung mình, mà thuê nhà trọ ở phố Trần Quý Cáp gần cửa sau ga Hàng Cỏ, rình nghe tiếng còi tàu. Sự này “phét lác quá”, nhiều người sẽ bảo vậy. Tôi xin làm chứng, lão giàu ấy thừa tiền ở khách sạn 5 sao vẫn chỉ ngủ quanh ga, vì đẻ ra ở đó, lớn lên trong tiếng còi tàu về ga. Lão thầm thì “tiếng còi tàu hú dài, nghe sâu, buốt giá, nâng chén trà nóng, ngồi một mình lúc thành phố chìm trong sương lạnh, chưa thức giấc, bàng hoàng, da diết nhớ…”. Ấy vậy mà đã hai cái Tết lão không ra ngủ ga nữa, có bệnh phổi mãn tính, lão suýt chết vì Hà Nội ô nhiễm nặng, mùa đông dày đặc bụi mịn, không thở được.
Một cô bạn của tôi ở làng Tó (nay thuộc quận Hoàng Mai) có nhà đất rộng rãi tổ phụ để lại bên dòng Tô Lịch Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền em sát thuyền anh… Vườn nhà có cây khế già “lá khế lất phất trong nắng, mảnh thiên nhiên tình cờ sót lại giữa lòng thành phố, thanh khiết như bàn tay con trẻ...”. Cô ấy tả thế lúc tuổi nhỏ ngắm mảnh vườn bên con sông thơ mộng, nhưng bây giờ nổi giận, thì Sao mày thối thế sông ơi/ thối lên tận trời chẳng dám về chơi.
Kẹo bông xốp. Ảnh: TL
Nếu bảo cô đã chuyển từ cái nhìn trữ tình của thuở trẻ sang lối cảm thán tầm thường của kẻ già do thời gian, thời gian tất yếu bắt nhi nữ thành bà lão cau có, e lại chưa công bằng. Bởi “hung thần thời gian” cũng đã tiếp tay cho hơn 280 cửa xả thải thẳng vào nó, biến con sông Tô xưa trong xanh của cô thành cái cống thối khổng lồ hôm nay.
Rằng, nếu dòng sông êm đềm chảy qua thời gian vẫn trong trẻo như thuở thanh xuân của nó với “những đám mây trắng bông xốp” in hình trên mặt nước lặng lẽ trôi, chở cô về miền ký ức, thì sao cô lại không sẵn sàng “mua tấm vé ngược về tuổi thơ”, thăm lại vườn nhà, có lá khế lất phất trong nắng?
Đó chỉ là hai trong số những người từng ở phố tôi biết đã không thể, hay không muốn ghé lại chốn cũ dù chỉ trong tâm tưởng. Còn những người lớn lên bên ngoài thành phố, ở các vùng thôn dã mênh mông bao quanh Hà Nội, có muốn nhận “tấm vé về thăm tuổi thơ của mình”?
Những người mất núi
Không còn nhớ rõ năm nào tôi gặp cậu bé người Mường họ Quách ở Lương Sơn, Hòa Bình. Chiều hè, mặt trời xuống chậm rải những tia nắng cuối ngày rực lên như thếp trang kim vào các sườn núi đá. Gặp nhau bên con dốc quạnh quẽ, có tiếng chim trên thinh không gọi bầy về tổ, cùng nhìn xuống thung lũng vàng mùa lúa chín, tôi hỏi em đang làm gì? Quách bảo “không làm gì, ngồi thôi”. Thảng gặp, hỏi mấy trẻ miền núi khác cũng “ngồi thôi, không làm gì, không nghĩ gì”. Thì cũng như những trẻ phố có khi ngồi vỉa hè rất lâu đăm đăm nhìn đường sá nhà cửa “không làm gì, nghĩ gì”. Có lẽ là lúc chúng một cách vô thức thâu nhận những hình ảnh ấy vào trí nhớ, lưu trữ tài nguyên cho những giấc mơ, chuẩn bị cho cuộc hồi tưởng lúc về già.
Nếu mỗi đứa chưa đánh mất trí tưởng tượng thì sự hoài niệm sẽ bừng thức khi chúng bắt gặp vài vật chứng thuở còn nhỏ. Nó trao cho từng tâm hồn già nua hôm nay tấm vé miễn phí lên con tàu về với dĩ vãng chỉ chở một người khách mang theo nỗi riêng tư của mình.
Một người bạn thân từ thuở nhỏ thỉnh thoảng dẫn tôi về thăm quê ông dưới chân núi Thày (Sài Sơn) xứ Đoài xưa (Sơn Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Chúng tôi thường thơ thẩn theo chân những người đi kiếm củi, nhặt hoa đại về làm thuốc ven các lối mòn lên núi, thảng bắt gặp bầy dê nhảy trên các vách đá xám cheo leo...
Xưa, có lẽ từ đỉnh núi này cụ Cao Bá Quát ngắm giang sơn: Bút cuốn khói mây mười sáu ngọn/ Mắt thu non nước vạn trùng khơi - tôi nghĩ thế, những ngọn núi ấy đột khởi trên cánh đồng đang rực lên trong ráng chiều. Cũng là chất liệu thơ của một thi nhân xứ Đoài: Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng (Quang Dũng). Dường như cảnh quan đó chẳng biến đổi nhiều từ thời cụ Cao Bá Quát vắt sang tận thời ông Quang Dũng, dẫu họ sống cách nhau chừng một thế kỷ.
Nhưng chỉ đến vài năm sau khi nhà thơ Quang Dũng mất (1988), qua lại trên con đê sông Đáy về Sài Sơn tôi đã thấy dân các xã vùng này nổ mìn lấy đá làm vật liệu xây dựng, đếm đi đếm lại chỉ còn mấy ngọn núi: Sài Sơn, Long Đẩu, Hoa Phát, Hoàng Xá, Phượng Hoàng. Vâng, không khai thác đá lấy gì mà ăn, nhưng chén sạch 16 ngọn núi, rồi cũng lấy gì mà ăn?
Đã có bao quả núi tan vào những khối nhà cao tầng kia?
Không phải lúc bàn chuyện kinh tế, nhưng tôi được biết ở Ninh Bình người ta đang lượng giá trị núi non vùng Tràng An - một cách để hiểu cảnh quan thiên nhiên đó đóng góp cụ thể bao nhiêu tiền bạc cho nền kinh tế du lịch của tỉnh, khi so với thu lợi từ khai thác đá, nung vôi núi? Ấy là chưa kể nếu đánh mất không gian thiên nhiên cũng đồng nghĩa với mất không gian văn hóa, mất địa chỉ của những hồi ức cho mỗi người tìm về vùng đất của họ, là câu chuyện chúng ta đang nói đến.
Nghĩ thế, lại nhớ đến cậu bé họ Quách ở Hòa Bình, huyện Lương Sơn của cậu có 44 mỏ đá vẫn khai thác ròng rã. Cậu cùng bọn trẻ xóm núi ra thành phố học về thăm quê sửng sốt thấy đã mất núi, như bầy chim chao liệng mãi chẳng tìm thấy tổ của chúng bám trên các vách đá cheo leo…
Nghĩ tiếp, hẳn họ Quách nay có thể đã thành người đàn ông luống tuổi, một hôm nào đó lạc trong thành phố, chợt nghe tiếng rao mời “mua vé ngược về tuổi thơ”, ngắm những đám mây kẹo bông xốp bồng bềnh như một ảo ảnh. Bất giác ông ta ngửa cổ nhìn vô số tòa cao ốc bê tông chen nhau vươn lên trời cao thăm thẳm, tự hỏi đã có bao quả núi quê mình vỡ vụn và cả tuổi thơ của ông nữa, cũng tan vào trong đó?
Bài và ảnh: TrầnTrung Chính