Lãnh đạo xã Gia Lâm thăm mô hình trồng đào cảnh của người dân.
Nhộn nhịp vùng đào
Về Gia Lâm những ngày ngày, dọc các con đường bê tông dẫn vào các thôn 3, 4, 5, đâu đâu cũng thấy người dân đang tất bật chăm sóc đào chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Ngoài lao động chính trong gia đình, nhiều vườn còn phải thuê thêm nhân công đánh bầu, hãm rễ, tỉa cành... Theo kinh nghiệm của người dân trồng đào nơi đây, năm nay thời tiết khá thuận lợi, hứa hẹn cho một vụ đào thắng lợi.
Ông Bùi Xuân Hà, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng đào Gia Lâm cho biết: “Chăm sóc đào là việc phải làm quanh năm, từ sau Rằm tháng Giêng đến Tết. Song, tất bật nhất là từ tháng 10 đến hết tháng Chạp. Đây là quãng thời gian quyết định đào có nhiều búp, nụ hay không, có ra hoa đúng Tết hay không đều do khâu chăm sóc, cách hãm, thúc thế nào…”.
10 năm kinh nghiệm, sở hữu 100 cây đào huyền, cùng nhiều đào gốc Sơn La, ông Vũ Văn Họa (thôn 5) nắm rõ từng công đoạn cũng như cung thời gian để xử lý cho đào ra hoa đẹp dịp Tết. Ông Họa chia sẻ: Tới nay, gia đình đã hoàn thành việc bón thúc đợt cuối để cây nuôi mắt, nuôi nụ và đang tập trung chăm sóc, tỉa bớt lá già, loại bỏ cành khô. Riêng việc xuống lá, ông sẽ phải đợi hơn nửa tháng nữa mới triển khai. Thời gian chính xác căn cứ vào thời tiết và tuổi đào. Trường hợp thời tiết lạnh, thời gian xuống lá đào sẽ sớm hơn bình thường khoảng 4 - 6 ngày, trường hợp thời tiết ấm hơn, việc xuống lá đào sẽ diễn ra chậm hơn bình thường từ 3 - 5 ngày, đào già thì xuống lá muộn hơn đào non. Tác dụng của việc tuốt lá đào là để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập.
Theo những người dân trồng đào, mặc dù làm cây đào yêu cầu kỹ thuật cao, sự khéo léo, tỷ mỉ nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên vùng đất này. Bà con khẳng định, đến nay chưa có cây trồng nào "qua mặt" được cây đào. Chỉ với 2-3 sào trồng đào, mỗi năm các hộ gia đình có thể thu về vài trăm triệu đồng. Do vậy, gia đình nào cũng rất chú tâm phát triển cây đào, thời điểm này, tại những vườn đào chẳng khi nào vắng bóng người chăm sóc.
Đào dáng huyền là một trong những sản phẩm được người dân Gia Lâm phát triển mạnh trong thời gian gần đây, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Kỳ công những vườn ghép gốc đào rừng cổ thụ
Chúng tôi ghé thăm vườn đào của anh Nguyễn Anh Dũng (thôn 4) với hơn 1 nghìn cây đào, mỗi cây mỗi thế, trong đó có rất nhiều gốc đào cổ thụ, đường kính lớn, trông thật đã mắt. Anh Dũng cho biết: Vài năm gần đây, xu thế chơi đào vườn ghép gốc đào rừng cổ thụ ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi loại đào ghép này hội tụ được vẻ đẹp của cả hai giống: vẻ rêu phong cổ kính, uy nghi mà hoang dã của gốc đào rừng cùng nét kiêu sa, rực rỡ của đào vườn.
Tuy nhiên, để có được một cây đào ghép đẹp, phù hợp thị hiếu người chơi đòi hỏi công phu nhiều năm và kỹ thuật khó. Ra Tết, anh Dũng phải lên các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm mua những gốc đào rừng có thế đẹp rồi đánh đưa về. Sau khi trồng phục hồi, anh tuyển chọn những những mắt đào từ những cây đào vườn khỏe, hoa đẹp để cấy ghép lên. Ghép mắt thành công, cây tiếp tục được chăm sóc, cắt tỉa, tạo thế ít nhất 2-3 năm mới có được cây đào thành phẩm ưng ý.
Theo anh Dũng, đầu tư làm đào ghép không chỉ tốn công mà chi phí ban đầu cũng rất lớn, làm 100 gốc cũng phải mất vài trăm triệu đồng. Vì vậy, giá bán của mỗi cây đào ghép cũng rất cao, từ 5 đến vài chục triệu đồng, chủ yếu được cung cấp cho các biệt thự gia đình, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp…
Cũng là một trong những người đầu tiên làm đào rừng ghép, anh Bùi Mạnh Hùng (thôn 5) chia sẻ: Kỹ thuật chăm sóc đào ghép này hoàn toàn khác so với cây đào nhỏ được gieo ươm tại vườn. Đặc biệt, kỹ thuật điều khiển ra hoa là yếu tố quyết định đến giá trị cây đào bán trong dịp Tết. Người trồng phải chọn thời điểm thích hợp để tiến hành khoanh vỏ gần gốc cây nhằm giảm dòng nhựa dẫn lên cây, vừa làm lá rụng bớt, vừa kích thích cây trổ nhiều hoa hơn. Thực tế, trên cây ghép, hoa và cành lá đào vườn dựa vào nguồn sống từ gốc đào rừng nên cần hiểu biết “tính nết” của đào rừng, phải có nhiều kinh nghiệm “thuần hóa” nó, cùng với việc theo dõi dự báo thời tiết dài hạn để tính toán khoanh ít hay nhiều vỏ.
Hiện, 1/3 vườn đào ghép gốc đào rừng cổ thụ của anh Nguyễn Anh Dũng (thôn 4, xã Gia Lâm) đã được thương lái đặt mua.
Đưa thương hiệu đào Gia Lâm ngày càng vươn xa
Vùng đất Gia Lâm vốn không mấy mầu mỡ, chủ yếu là đất pha sỏi. Người dân muốn phát triển kinh tế cũng khó, bởi chẳng trồng được cây gì ngoài ngô, khoai, sắn - những thứ cây truyền thống cho năng suất và giá trị thấp. Ấy vậy mà, giữa những năm 90, khi cây đào được người dân địa phương đưa về đây trồng thì lại rất thích hợp, cho hoa thắm, dáng đẹp. “Hữu xạ tự nhiên hương”, đào Gia Lâm dần được người chơi biết đến, yêu thích và trả giá cao. Thấy cây đào cho giá trị kinh tế cao, người này học người kia, bà con bảo nhau trồng, nhân rộng diện tích. Từ những cây đào đầu tiên, sau gần 30 năm, đến nay, tổng diện tích đào toàn xã đã lên con số 22 ha với khoảng 200 hộ trồng đào. Gia Lâm trở thành một trong những vùng đào chuyên canh lớn của tỉnh.
Đồng chí Phạm Đức Thiện, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gia Lâm cho biết: Những năm trở lại đây, kinh tế phát triển, nhu cầu chơi hoa, cây cảnh tăng lên, trong đó có cây đào. Do vậy, để khuyến khích bà con địa phương nhân rộng diện tích đào, gia tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, năm 2022, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển cây đào giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu mở rộng diện tích trồng mới từ 8 ha trở lên, trong đó có 3 ha đào thế có giá trị. Xã tạo điều kiện tối đa về nguồn vốn, đất đai, phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường phổ biến các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong việc bảo tồn, trồng và chăm sóc cây đào cho tổ hợp tác, nhà vườn, người nông dân. Địa phương cũng đang gấp rút hoàn thiện các điều kiện để trong năm 2024 này xây dựng thôn 4 và thôn 5 đạt chuẩn làng nghề trồng đào cảnh. Xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với cây, hoa đào…, đưa thương hiệu đào Gia Lâm ngày càng vươn xa.
Nguyễn Lựu