Mùa xuân cho em

Mùa xuân cho em
4 giờ trướcBài gốc
Lãnh đạo Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam thăm hỏi, động viên gia đình trẻ khuyết tật nặng tại xã Thành Công (Nguyên Bình).
Ngày cuối năm, mưa nhẹ lất phất mang theo không khí lạnh tràn về muôn nẻo. Ở huyện vùng cao Nguyên Bình, cái lạnh càng tê tái, buốt giá. Bất chấp thời tiết cực đoan, đoàn công tác của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em (NKT&BVQTE) tỉnh vẫn vượt chặng đường xa xôi, đèo dốc để đến với trẻ em khuyết tật huyện Nguyên Bình. Hành trang mang theo của đoàn không chỉ có những suất quà, tiền mặt, nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập mà còn có cả những yêu thương trao gửi từ những tấm lòng thơm thảo.
Chuyến đi này, đoàn đã trao 50 suất quà tết cho các em với trị giá mỗi suất hơn 2 triệu đồng. Các suất quà đã được trao tận tay các em và gia đình. Những gương mặt rạng rỡ nụ cười, những cái bắt tay thân tình như nói thay lời cảm ơn chân thành, xua tan cái buốt giá của vùng cao còn nhiều gian khó.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Dương Hiền Hòa xúc động chia sẻ: Với những trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, những suất quà ấy không chỉ mang giá trị vật chất mà hơn cả là những động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm, yêu thương sẻ chia, hỗ trợ của các cấp, ngành và của cộng đồng xã hội đối với những trẻ em yếu thế.
Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trao quà cho trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn huyện Nguyên Bình.
Cũng như bao đứa trẻ, em Nông Trọng Nghĩa, xóm Nà An, xã Tam Kim (Nguyên Bình) rất mong ngóng Tết. Thế nhưng, Tết năm nay với gia đình em sẽ không được như bao trẻ em khác, bởi cuộc sống của gia đình em vô cùng khó khăn. Em là trẻ khuyết tật vận động, đi lại khó khăn phải nhờ sự trợ giúp của bố mẹ. Gia đình thuộc hộ nghèo, kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua đã phá hủy toàn bộ nương rẫy của gia đình. Tết Ất Tỵ đã cận kề, những ngày này gia đình Nghĩa vẫn chưa thể mua sắm vật dụng gì cho ngày tết. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em cũng không đòi hỏi, khi được nhận phần quà ý nghĩa này, gia đình em có thể đón tết với đủ đầy kẹo, bánh, mứt và quần áo mới.
Còn với em Hoàng Dương Quỳnh Chi, 10 tuổi, xã Tam Kim thì niềm vui lại ở một cung bậc khác. Em bị khuyết tật trí tuệ, tự kỷ, tăng động nghe, nói mức độ nặng. Khi cầm phần quà Tết trên tay, Quỳnh Chi chỉ biết cười khúc khích, nhưng đôi mắt ánh lên niềm vui như cảm nhận được sự quan tâm của mọi người. Dù được trao hay nhận, tất cả được truyền tải bằng "ngôn ngữ không lời" của tình yêu thương. Với những em nhỏ kém may mắn này, Tết đến là khi tình yêu thương tới, với những cái nắm tay, xoa đầu dịu nhẹ và những ánh mắt long lanh chan chứa tình người.
Cả đất trời chuyển mình đón xuân. Lòng người như ấm hơn qua kết nối yêu thương của Hội Bảo trợ NKT&BVQTE tỉnh và các tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh tổ chức các chương trình thiện nguyện hướng về cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn trong tỉnh, nhằm động viên, khích lệ người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh cùng nhau vượt qua khó khăn, đón cái Tết với nhiều niềm vui, ấm áp và tràn đầy yêu thương.
Năm nay, mùa của yêu thương lại "nở rộ" về các vùng quê, đến các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh, dường như ai nấy không khỏi chạnh lòng trước nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của các em. Cô Bế Thị Bích, giáo viên tại Trung tâm cho biết: Các trẻ khuyết tật ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiệt thòi rất nhiều. Chúng tôi luôn cố gắng bù đắp phần nào thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần cho trẻ. Chính vì vậy, ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn, cán bộ, giáo viên phải giàu tình yêu thương, làm việc với tinh thần tâm huyết, tình nguyện.
Hiện nay, Trung tâm quản lý, chăm sóc và giáo dục 63 học sinh với nhiều dạng tật khác nhau. Trong đó có 37 em bị khuyết tật trí tuệ, 26 em bị khiếm thính, khuyết tật vận động, tự kỷ. Nếu không giàu lòng nhân ái, sự sẻ chia, những “người mẹ” ở đây sẽ không thể nào có nhiệt huyết để ngày đêm trăn trở tìm hướng đi cho con trẻ, dạy chúng biết vượt lên số phận, cùng cộng đồng xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Để các em hiểu rõ về ngày Tết khác biệt với các ngày bình thường như thế nào không phải việc dễ dàng. Các cô giáo phải lên kế hoạch và chuẩn bị mọi hoạt động từ rất sớm. Cô giáo đóng vai trò là mẹ, là bạn đồng hành, chia sẻ và hướng dẫn các em từ những việc nhỏ nhất, như làm cây đào, cây mai từ giấy màu, làm câu đối Tết, làm thiệp chúc mừng năm mới và treo trong các lớp học. Các em được tham gia các hoạt động trải nghiệm; được nghe những bài hát về mùa Xuân của thiếu nhi. Qua các hoạt động, các em sẽ hiểu được mùa Xuân đẹp như thế nào, Tết vui ra sao. Giới thiệu cho các em về những trò chơi dân gian, về phong tục ngày Tết như chào hỏi, gửi lời chúc Tết đến ông bà, bố mẹ.
Đoàn Thanh niên Agribank tỉnh Cao Bằng tặng quà tết cho học sinh tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh.
Hằng năm, vào những ngày trước Tết, Trung tâm phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, các ngành, kêu gọi, vận động các nhà từ thiện quan tâm, giúp đỡ để có thêm phần kinh phí tổ chức vui Tết, đón xuân cho các em, góp phần sưởi ấm tâm hồn những trẻ em còn nhiều thiệt thòi nơi đây. Bởi vậy, trong ngày Tết, em nào cũng có quần áo mới, cũng được thưởng thức hương vị của bánh chưng xanh, được giao lưu văn nghệ, được quây quần, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới.
Tết đã đến rất gần, các em nhỏ tại Trung tâm cũng có những ước muốn của riêng mình. Khi được hỏi về điều ước cho năm mới, em Bế Thục Đoan, bị khuyết tật nghe, nói đang theo học tại Trung tâm vui vẻ ra hiệu những điều muốn nói: Năm nay, em ước được đi chợ Tết cùng gia đình, được nhận nhiều quà và được mọi người lì xì. Nếu được như vậy em sẽ rất vui và cảm thấy hạnh phúc.
Tết Nguyên đán là dịp để mọi người quây quần bên nhau cùng đi chúc tết người thân, đón mừng năm mới. Nhưng những điều tưởng chừng quá đỗi bình dị ấy lại là ước mơ xa xôi của những trẻ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mỗi em một hoàn cảnh, song các em đều có chung ước mơ về một cái tết sum vầy, được ăn những món ngon, được người lớn lì xì đầu năm mới. Với mong muốn mang lại một cái Tết ấm áp cho trẻ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, giúp tuổi thơ của các em thêm ý nghĩa, vào dịp tết đến xuân về, Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân đều dành sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em nghèo, trẻ em yếu thế. Dẫu không sinh ra các em, nhưng sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần, sự sẻ chia, góp sức của toàn xã hội đã và đang giúp cho trẻ khuyết tật, mồ côi có thêm điểm tựa, tình yêu thương để vững tin hơn trên hành trình bước tới tương lai.
Minh Ánh
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/mua-xuan-cho-em-3175093.html