Mùa xuân no ấm trên vùng quế Văn Yên, Yên Bái

Mùa xuân no ấm trên vùng quế Văn Yên, Yên Bái
41 phút trướcBài gốc
Quế là loại cây trồng gắn liền với cuộc sống của đồng bào Dao, nhất là với các nhánh Dao đỏ ở Yên Bái. Xưa kia, quế chủ yếu được bà con trồng để làm dược liệu, gia vị nấu ăn. Ngày nay, khi cây quế được nhiều người biết đến, có nhiều nghiên cứu, chế biến chuyên sâu, thị trường mở rộng, nó đã trở thành cây làm giàu cho bà con. Với đặc tính thích nghi với độ cao trung bình, ưa ẩm, ít sâu bệnh nên cây quế rất phù hợp với những vùng bà con người Dao sinh sống ở Văn Yên như Viễn Sơn, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Quang Minh...
Cũng như nhiều gia đình bà con người Dao khác ở huyện Văn Yên, hơn 10 năm trước, gia đình anh Triệu Văn Nhất ở thôn Khe Ván, xã Quang Minh cũng bắt đầu mở rộng diện tích trồng quế. Những năm qua, thu nhập bình quân mỗi năm trên 200 triệu đồng từ khoảng 10 ha quế, cây quế không chỉ giúp gia đình xóa nghèo, mà còn trở thành một trong những gia đình khá giả ở địa phương.
"Cây quế đã mang đến cuộc sống khấm khá cho gia đình tôi và anh em trong làng. Giờ đây tôi đã có xe ô tô không sợ mưa, sợ nắng, sợ rét khi ra đường. Năm nay tiếp tục có nhiều niềm vui nên sẽ ăn tết to, mời đông anh em, bạn bè, làng xóm đến chung vui. Không chỉ riêng nhà tôi mà hầu hết mọi nhà đều ăn tết to", anh Nhất nói.
Gia đình anh Nhất mới chỉ là một trong số hàng vạn hộ dân trồng quế ở Yên Bái nói chung, huyện Văn Yên nói riêng có cuộc sống khấm khá nhờ cây quế.
Nhận thấy tiềm năng to lớn của cây quế, huyện Văn Yên cũng như tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào trồng, chế biến quế; hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật cho người dân.
Sản phẩm quế vỏ
Ông Triệu Quý Đức, Chủ tịch UBND xã Quang Minh, huyện Văn Yên – địa phương có hơn 18.500 ha quế cho biết. Trước đây bà con trồng quế theo truyền thống nên hàm lượng tinh dầu cũng có phần hạn chế. Hiện xã đã phối hợp với doanh nghiệp tập huấn cho bà con về kiến thức trồng, chăm sóc cây quế theo hướng hữu cơ nên hàm lượng tinh dầu tăng lên, sản phẩm quế đã có giá trị cao hơn.
Những năm gần đây, cây quế càng được ưa chuộng trên thị trường trong nước, quốc tế; các sản phẩm từ quế được ứng dụng rộng rãi trong ngành mỹ phẩm, dược phẩm… Huyện Văn Yên đã xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ để phát triển ngành quế. Đặc biệt, định kỳ 2 năm một lần, địa phương đều tổ chức Lễ hội quế để giới thiệu, quảng bá cây quế; tạo cơ hội cho người dân, doanh nghiệp mở rộng hợp tác.
Bà Trần Thị Nhung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Nam dược Đại Phú An chia sẻ: "Công ty chúng tôi sản xuất các sản phẩm từ quế, với sản phẩm tinh chất là tinh dầu quế đã được nâng hạng 5 sao; còn các sản phẩm khác như bột quế, hương quế, nước rửa tay, rửa chén, lau sàn đều có tiêu chuẩn ISO. Nhờ có Lễ hội quế đã giúp cho các doanh nghiệp như chúng tôi có thêm cơ hội phát triển, quảng bá thương hiệu bằng cách giới thiệu các sản phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng; kết nối để giao thương, tiêu thụ sản phẩm không những trong nước mà còn ra cả quốc tế".
Trên địa bàn huyện Văn Yên hiện có 11 nhà máy sản xuất, trưng cất tinh dầu quế; gần 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế.
Cây quế đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Văn Yên nói riêng, Yên Bái nói chung có cuộc sống khấm khá
Ông Lê Văn Long, Trưởng phòng Dự án của Công ty TNHH Hương Gia Sơn Hà cho biết: Bình quân mỗi năm, đơn vị thu mua từ 12.000-15.000 đồng tấn quế khô và tươi để chế biến thành các sản phẩm như quế sáo, ống khô, bột quế… xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ.
"Để cây quế Văn Yên phát triển bền vững, chúng ta phải tiếp tục kiểm soát tốt các hàm lượng hóa học liên quan đến sản phẩm quế bằng cách quy hoạch vùng nguyên liệu, kiểm soát các loại thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, duy trì các loại cây bản địa, bảo tồn các loại chim, ong bướm…để tăng tính đa dạng sinh học, giảm tình trạng sâu bệnh hại quế. Cùng với đó, làm các chứng nhận mang tính quốc tế, khi có các chứng nhận quốc tế thì đồng nghĩa với việc đã có biện pháp phát triển bền vững, và giá trị sản phẩm quế bán sẽ cao hơn", ông Long cho hay.
Toàn huyện Văn Yên hiện có hơn 57.000 ha quế, trong đó có hơn 10.000 ha quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu; 48 sản phẩm quế đạt OCOP 3 sao trở lên. Những năm qua, cây quế đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu.
Riêng năm 2024 vừa qua, quế đã mang đến doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp. Quế cũng đã góp phần quan trọng đưa huyện Văn Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2024; đưa thu nhập bình quân lên 65 triệu đồng/người/năm; toàn huyện chỉ còn hơn 3,4% hộ nghèo.
Bãi chứa nguyên liệu quế thô của Công ty Hương Gia Sơn Hà rộng vài ha, là minh chứng về nguồn nguyên liệu dồi dào cho các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chuyên sâu tại Văn Yên
Ông Phạm Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Trong thời gian tới huyện sẽ tập trung vào duy trì ổn định diện tích quế, phát triển các sản phẩm quế theo hướng bền vững; tạo ra các sản phẩm quế sạch, quế hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, mời gọi đầu tư trong và ngoài nước đến huyện Văn Yên chế biến sâu các sản phẩm quế. Đồng thời, làm tốt công tác bảo tồn với cây quế, gắn bảo tồn với phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện nhà; đồng thời gắn cây quế với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm các sản phẩm quế huyện Văn Yên".
Một mùa xuân mới đang về trên vùng đất quế Văn Yên, Yên Bái. Không khí xuân càng trở nên rộn ràng khi bà con cùng tụ họp, tổng kết thành quả trong năm cũ và chia sẻ dự định, kế hoạch phát triển quế trong năm tới. Những gùi giống quế được bà con xếp ngay ngắn, sẵn sàng cho vụ trồng mới ngay sau những ngày tết.
Với những giá trị mà nó mang lại, cây quế đã trở thành biểu tượng của sự đoàn kết, mang đến những mùa xuân ấm no cho người dân và cả nền kinh tế ở huyện Văn Yên nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung.
Hình ảnh mùa Xuân no ấm trên vùng quế Văn Yên, Yên Bái:
Những cây quế giống được xếp ngay ngắn, sẵn sàng cho vụ trồng mới sau những ngày nghỉ Tết.
Cây quế đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Văn Yên nói riêng, Yên Bái nói chung có cuộc sống khấm khá
Quá trình bóc vỏ quế
Hàng vạn lao động địa phương được tạo việc làm từ việc sản xuất, chế biến quế
Sản xuất quế ống sáo xuất khẩu
Những container tiếp tục nối nhau đưa thành phẩm từ quế hướng về xuôi, để lại cho người dân những mùa xuân no ấm.
Cây quế chỉ có vụ 3 và vụ 8 bóc được vỏ (tháng 2, 3 và tháng 8 đến 10 âm lịch), do vậy, các nhà máy sẽ thu mua vỏ quế tích lũy cho sản xuất cả năm.
Định kỳ 2 năm một lần, Văn Yên tổ chức Lễ hội Quế để giới thiệu, quảng bá cây quế; tạo cơ hội cho người dân, doanh nghiệp mở rộng hợp tác.
Quế đã góp phần quan trọng đưa huyện Văn Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2024.
Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/mua-xuan-no-am-tren-vung-que-van-yen-yen-bai-post1150100.vov