Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố họ đang áp dụng một cách tiếp cận “chờ và xem” đối với những người mới lên nắm quyền ở Syria. Trong những tuần gần đây, các quan chức ngoại giao của Washington đã có cuộc gặp với người đứng đầu nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và là lãnh đạo thực tế ở Damascus, ông Ahmed al-Sharaa, cùng với Bộ trưởng Ngoại giao mới được bổ nhiệm Asaad al-Shibani.
Có một điều đáng chú ý, kể từ sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ vào đầu tháng 12/2024, Mỹ đã quyết định vẫn duy trì lực lượng ở Đông Bắc Syria và tiếp tục hỗ trợ lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo trong cuộc chiến chống IS.
Cũng trong tháng 12, Lầu Năm Góc đã cập nhật số lượng binh sĩ Mỹ triển khai tại Syria, cho biết con số thực tế là 2.000, thay vì 900 như đã báo cáo trong nhiều năm qua.
Theo báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc, số lượng binh sĩ Mỹ triển khai tại Syria là 2.000. Ảnh: Arab 24
Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, cho rằng, việc công bố con số mới giống như một thông điệp gửi đến các bên liên quan ở Syria, rằng họ cần có cách tiếp cận thận trọng đối với SDF và vùng lãnh thổ rộng lớn, có giá trị kinh tế mà nhóm này kiểm soát.
Thông điệp đó cũng nhấn mạnh rằng Mỹ, ít nhất là trong những ngày cuối cùng của chính quyền Biden trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1, sẽ tìm cách khẳng định ảnh hưởng của mình trong việc hình thành một Syria mới, một phần thông qua việc duy trì sự hiện diện quân sự.
“Tôi cho rằng, đó là một tín hiệu gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng Arab rằng họ không nên tấn công khu vực người Kurd”, ông Landis nói, đề cập đến lãnh thổ mà SDF kiểm soát, nơi có đông người Kurd sinh sống.
“Đó là một cách để vạch ra ranh giới rằng đây là điều cần được đàm phán và không phải là điều có thể giải quyết trên chiến trường”, ông Landis nói thêm.
Ngày 2/1, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, có trụ sở tại Anh, cho hay quân đội Mỹ dường như đang củng cố các căn cứ của họ trong khu vực, bao gồm việc xây dựng một căn cứ mới ở Ain al-Arab. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc phủ nhận thông tin Mỹ có kế hoạch “thiết lập căn cứ hay sự hiện diện” tại đó.
Vậy, đằng sau kế hoạch duy trì sự hiện diện của Mỹ ở Syria sau khi chính quyền Assad bị lật đổ là gì?
Những mục tiêu công khai
Thông điệp công khai của chính quyền Biden nhấn mạnh ưu tiên chính trong việc duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria là chống tổ chức khủng bố IS – nhiệm vụ bắt đầu từ năm 2014 dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Pat Ryder, ngày 19/12 cũng khẳng định Mỹ “không có kế hoạch ngừng chiến dịch chống IS”. Ông Ryder cho biết số lượng binh sĩ tăng lên là để đáp ứng “những yêu cầu nhiệm vụ phát sinh liên quan đến chiến dịch chống IS”.
Mohammed Salih, một học giả cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, cho rằng thực tế có nhiều lợi ích chiến lược chưa được công khai đằng sau sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria. Dù vậy, cũng không nên đánh giá thấp mối đe dọa về sự trỗi dậy của IS.
Mặc dù IS đã bị đánh bại về mặt lãnh thổ vào năm 2017, nhưng hồi tháng 7/2024, Lầu Năm Góc cho biết đã có 153 cuộc tấn công của các chiến binh IS tại Iraq và Syria trong 6 tháng đầu 2024, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Với việc SDF hiện đang giám sát các nhà tù giam giữ hàng nghìn tù nhân IS, sự hiện diện của Mỹ có thể đóng vai trò ngăn chặn các cuộc xung đột với các nhóm do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn - điều có thể làm phức tạp thêm tình hình an ninh.
“Chống IS vẫn là một mục tiêu rất hợp lý/rõ ràng. Mặc dù quá trình chuyển giao cho đến nay khá yên bình, nhưng việc thiếu một chính quyền trung ương cũng có thể tạo ra những cơ hội để IS lợi dụng và trỗi dậy”, ông Salih nói với Al Jazeera.
“Quân bài mặc cả”
SDF hiện kiểm soát một khu vực rộng lớn ở Đông Bắc, chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích của Syria. Vùng đất mà họ kiểm soát chứa khoảng 70% các mỏ dầu và khí đốt và sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Syria trong tương lai.
“Syria cần đầu tư lớn từ nước ngoài vào ngành công nghiệp dầu mỏ để để cải tạo, nâng cấp và đưa nó trở lại hoạt động. Chỉ có chính phủ Syria mới có thể làm điều đó vì Mỹ không có quyền ký hợp đồng dài hạn với các chính phủ nước ngoài. Người Kurd cũng không thể làm vậy vì họ không phải là một chính phủ được công nhận. Các giếng dầu đó thuộc về chính phủ Syria”, ông Landis, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, nói với Al Jazeera.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria cũng là nhằm đảm bảo các mỏ dầu này không rơi vào tay IS - nhóm đã từng kiểm soát chúng, cũng như chính phủ Assad.
Năm 2019, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump, đã trực tiếp đề cập điều này trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông nói rằng Mỹ “duy trì quân đội tại đây là vì dầu mỏ”. Một quan chức Lầu Năm Góc sau đó cho biết “việc bảo vệ các mỏ dầu là một nhiệm vụ phụ” so với việc đánh bại IS ở Syria.
Theo ông Landis, các mỏ dầu ở Đông Bắc Syria sẽ là một đòn bẩy quan trọng trong các cuộc đàm phán sắp tới.
“Các lệnh trừng phạt và dầu mỏ sẽ là những con quân cờ mặc cả lớn” ông Landis nhận định.
Những cuộc đàm phán này sẽ bao gồm việc liệu SDF có vai trò gì trong chính phủ mới hay không. Washington cũng có thể muốn gây ảnh hưởng đến cách mà chính phủ mới ở Syria sẽ đối xử ra sao với đối thủ của Mỹ như Iran và các đồng minh của Washington trong khu vực, đặc biệt là Israel.
“Tất cả những điều này mang lại cơ hội để tái cấu trúc trật tự khu vực theo cách phù hợp hơn với ưu tiên của Mỹ”, ông Salih, học giả tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nói.
Trong khi cuộc tiếp quản của phe đối lập đã phần lớn loại bỏ ảnh hưởng của Iran ở Syria và cắt đứt các tuyến tiếp tế của Tehran tới Hezbollah ở Lebanon, nó cũng mở ra cơ hội cho sự ảnh hưởng gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang có lập trường cứng rắn đối với Israel trong bối cảnh xung đột ở Dải Gaza.
Sẽ không có khác biệt dưới thời Donald Trump?
Cũng cần phải nhắc lại rằng, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới và những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ có tác động nhất định đối với Syria.
Ông Trump không bình luận nhều về vấn đề Syria, nhưng trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth đầu tháng 12, ông nói rằng, Syria “không phải là cuộc chiến của chúng ta”.
Tuyên bố này có vẻ phù hợp với cam kết “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump và mong muốn kết thúc các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ ở nước ngoài, mặc dù những nỗ lực rút quân khỏi Syria trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông bị phản đối mạnh mẽ.
Theo ông Salih, với những người được ông bổ nhiệm trong chính quyền sắp tới, ông Trump có thể sẽ vấp phải những phản đối tương tự trong vấn đề Syria.
“Những người được ông Trump chọn vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia như Hạ nghị sĩ Mike Waltz, và người được chỉ định làm Ngoại trưởng, Marco Rubio, đã công khai phản đối các chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đối với SDF… và rằng Mỹ cần duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria. Tất cả điều này rất có thể sẽ trái ngược với những mong muốn và ý định cá nhân của ông Trump”, ông Salih nói.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Al Jazeera