Bộ Y tế vừa ban hành Văn bản hợp nhất Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Văn bản này hợp nhất nội dung của các Nghị định sau đây: Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021; Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022; Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023; Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 01/01/2025; Nghị định số 74/2025/NĐ-CP ngày 31/3/2025.
Nghị định hợp nhất quy định chi tiết về các đối tượng tham gia BHYT, mức đóng, trách nhiệm và phương thức đóng, thẻ BHYT, mức hưởng, thủ tục khám chữa bệnh, cũng như việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT.
Nghị định phân loại các nhóm tham gia BHYT, bao gồm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng; Nhóm do ngân sách nhà nước đóng; Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; Nhóm tham gia theo hộ gia đình; Nhóm do người sử dụng lao động đóng.
Một người thuộc nhiều đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT thì được hưởng mức hỗ trợ đóng BHYT theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.
Mức đóng BHYT được quy định cụ thể: Đối với người lao động, mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng; Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, mức đóng bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động; Đối với các đối tượng khác, mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở,…
Đối với hộ gia đình, người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, ba, tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; và từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40%.
Mức hưởng BHYT: Hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh áp dụng cho các đối tượng như người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và các trường hợp có chi phí cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở,… Hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh áp dụng cho người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng, thân nhân người có công, người thuộc hộ gia đình cận nghèo,…
Thủ tục khám, chữa bệnh: Người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh cần xuất trình thông tin về thẻ BHYT theo một trong các trường hợp sau đây:
- Thẻ BHYT hoặc mã số BHYT, kèm theo giấy tờ tùy thân có ảnh nếu thẻ chưa có ảnh.
- Căn cước, căn cước công dân hoặc tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID đã tích hợp thông tin thẻ BHYT.
- Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, chỉ cần xuất trình thẻ hoặc mã số BHYT. Nếu chưa có thẻ, cần xuất trình giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh.
Tại văn bản này, Bộ Y tế nêu rõ từ ngày 1/7, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng như sau:
Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các huyện nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền;
Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với đối tượng quy định tại tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 4 của Nghị định này;
Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với đối tượng quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 4 của Nghị định này.
Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng quy định tại khoản 1 Điều này thì được hưởng mức hỗ trợ đóng BHYT theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định: Mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 8 Nghị định này; Mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này; Đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
Văn bản hợp nhất này nhằm hệ thống hóa các quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tra cứu và thực hiện pháp luật về BHYT.
Thái Bình