Mức huyết áp bao nhiêu là tốt nhất?

Mức huyết áp bao nhiêu là tốt nhất?
16 giờ trướcBài gốc
Hỏi: Tôi bị tăng huyết áp, hàng ngày tôi nên đo huyết áp khi nào và chỉ số huyết áp bao nhiêu là ổn, tốt nhất?
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Huyền,khoa Nội tim mạch - Bệnh viện 19-8, theo khuyến cáo mới nhất của ESC 2024 (Hiệp hội Tim mạch Châu Âu) huyết áp nên duy trì theo đích huyết áp 120-129/70-79 mmHg cho hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp (người lớn).
Trong trường hợp người bệnh thường xuyên có cơn tăng huyết áp kịch phát (tức huyết áp ≥180/100 mmHg) hoặc có cơn tăng huyết áp về ban đêm (khoảng trũng huyết áp) thì dễ xuất hiện tình trạng đột quỵ.
Cần làm gì khi huyết áp tăng đột ngột?
Việc xử trí khi gặp cơn tăng huyết áp đột ngột rất quan trọng. Người bệnh và người nhà cần biết cách xử trí đúng để không gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trước hết, để bệnh nhân ngồi hoặc nằm nghỉ ngơi. Trong trường hợp bệnh nhân đang làm việc ngoài trời hoặc di chuyển ngoài đường thì cần nhanh chóng di chuyển vào nơi có bóng râm, thoáng mát và yên tĩnh. Tránh âm thanh hoặc ánh sáng quá mạnh và tránh để bệnh nhân bị kích động.
Lúc này có thể xem xét cởi bỏ bớt mũ, nón hoặc quần áo trên người bệnh nhân để người bệnh được thoải mái hơn. Sau 15 phút có thể tiến hành đo lại huyết áp.
Lúc này, nếu huyết áp tâm thu vẫn vượt 140 mmHg (nhưng thấp hơn 160 mmHg) thì có thể cho người bệnh nằm tại nhà để theo dõi thêm. Tuy nhiên cần lưu ý hạn chế cho người bệnh đi lại, chủ yếu nằm nghỉ ngơi. Người bệnh có thể tiếp tục dùng thuốc huyết áp theo đơn điều trị của bác sĩ.
Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế ăn mặn, hút thuốc lá hoặc lo âu quá mức… để huyết áp có thể trở về ổn định. Nếu tình trạng huyết áp vẫn bất thường thì nên tái khám sớm hoặc liên hệ với bác sĩ điều trị để có biện pháp điều chỉnh thuốc phù hợp.
Khi gặp cơn tăng huyết áp đột ngột, người bệnh và người nhà cần bình tĩnh xử trí, tránh tình trạng hoảng loạn khiến huyết áp tăng cao hơn.
Trong trường hợp huyết áp tâm thu lớn hơn 160 mmHg thì cần dùng thuốc hạ áp có sẵn tại nhà (đã tham khảo ý kiến bác sĩ trước đó). Loại thuốc này sẽ giúp khống chế huyết áp, có tác dụng nhanh, thời gian tác dụng ngắn và thường bào chế dưới dạng viên ngậm hoặc nhỏ giọt dưới lưỡi.
Lúc này người bệnh vẫn cần nghỉ ngơi nằm trên giường và thường xuyên đo lại huyết áp để kiểm tra. Nếu huyết áp vẫn còn cao hoặc ở nhà không có sẵn thuốc hạ áp thì cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế sớm nhất.
Trong bất kỳ trường hợp nào nếu người bệnh có biểu hiện tăng huyết áp đột ngột kèm theo các triệu chứng như: Đau ngực, khó thở, yếu liệt, nhìn mờ, chảy máu, mê man… thì ngay lập tức cần gọi cấp cứu để đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Khi gặp cơn tăng huyết áp người bệnh cần được nghỉ ngơi để huyếp áp ổn định trở lại.
Sai lầm khi xử trí cơn tăng huyết áp
Khi người bệnh gặp cơn tăng huyết áp đột ngột, việc xử trí sai lầm có thể khiến người bệnh gặp nguy hiểm. Một trong những sai lầm thường gặp nhất là người nhà và người bệnh hoảng hốt, mất bình tĩnh. Khi hoảng hốt sẽ khiến huyết áp bị tăng lên.
Ngoài ra, lúc người bệnh gặp cơn tăng huyết áp, người nhà thường vây kín xung quanh thậm chí có thể bấm huyệt, trích máu đầu ngón tay ngón chân hoặc ở rái tai… Đây tuyệt đối là những điều không nên làm vì có thể khiến thời gian cấp cứu của bệnh nhân bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, những hành động trên cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, chảy máu kéo dài, mất máu khó cầm… nhất là ở những bệnh nhân có sử dụng thuốc chống đông hoặc mắc rối loạn đông máu.
ThS.BS Nguyễn Thu Huyền/ Báo Sức khỏe & Đời sống
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/muc-huyet-ap-bao-nhieu-la-tot-nhat-post1519906.html