Ngày 28/10, người đàn ông 38 tuổi họ Yao, ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) cho biết anh cảm thấy như bị lừa khi làm việc cho Công ty truyền thông văn hóa Yutai có trụ sở tại Hà Nam.
Theo đó, Yao đọc được thông báo tuyển dụng của công ty này trên một trang web việc làm hồi tháng 9. Quảng cáo tuyển dụng mô tả vị trí này là người livestream bán thời gian, tập trung vào việc trò chuyện với khán giả, ca hát, chơi trò chơi và tham gia tương tác trực tiếp, theo South China Morning Post.
Ban đầu, Yao đồng ý làm việc toàn thời gian, livestream 6 tiếng một ngày. Tuy nhiên sau đó, anh yêu cầu được chuyển sang làm bán thời gian và chỉ livestream 3 tiếng/ngày và công ty đã chấp thuận. Thời điểm anh bắt đầu làm việc và chuyển từ toàn thời gian sang bán thời gian chưa được tiết lộ.
Ngày 23/9, một nhân viên điều hành thông báo với Yao rằng vì là người livestream bán thời gian 3 tiếng/ngày, anh sẽ không nhận được lương cứng mà thay vào đó sẽ nhận 38% hoa hồng số doanh thu kiếm được. Nhân viên đó cũng cho biết mức lương cứng hàng tháng cho việc livestream 6 tiếng/ngày là 4.000 nhân dân tệ (560 USD) và 6.000 nhân dân tệ (842 USD) nếu làm 9 tiếng.
Tuy nhiên, Yao tuyên bố sau một tháng livestream, anh chỉ nhận được 0,3 nhân dân tệ (0,04 USD) từ công ty thông qua chuyển khoản, cùng với 150 nhân dân tệ (21 USD) tiền tip quà tặng từ người xem.
"Thật không công bằng. Tôi cảm thấy như họ đang bóc lột tôi như một người lao động miễn phí vậy. Tôi muốn nhận được ít nhất một nửa lương cứng của mức livestream 6 tiếng, tức là 2.000 nhân dân tệ (280 USD) cùng lời xin lỗi từ nhân viên điều hành", Yao nói.
Nhân viên điều hành được cho đã xúc phạm Yao, gọi anh là "đồ ngốc" và "đồ nhà quê", nói rằng: "Luật lao động không bảo vệ những kẻ ngốc. Anh thậm chí có đủ tiền thuê luật sư không?". Yao đáp trả: "Anh mới thực sự là đồ nhà quê ở đây".
Công việc livestream yêu cầu Yao ca hát, chơi game và tương tác với người xem. Ảnh minh họa: Douyin.
Ngày 28/10, Xu Jiqun, đại diện pháp lý của công ty, cho biết nhân viên chỉ nhận được lương cứng khi đáp ứng những yêu cầu cụ thể theo giờ. Người đại diện cho hay những yêu cầu này không áp dụng với các nhân viên bán thời gian như Yao và chính sách này đã được truyền đạt rõ ràng trong quá trình tuyển dụng.
Xu cho biết 0,3 nhân dân tệ trả cho Yao là “tiền trợ cấp dịch vụ” song không cho biết rõ cách tính toán.
Liên quan đến việc Yao bị xúc phạm, Xu cho biết: "Nếu bị lăng mạ, anh ấy có thể lăng mạ lại hoặc báo cảnh sát".
Ngày 30/10, một dân mạng tự nhận là nhân viên điều hành trong vụ việc đã cáo buộc Yao chỉ làm việc trong 7 ngày, không hợp tác, thể hiện "thái độ tiêu cực" và thậm chí ngủ trong khi livestream.
Yao đang cân nhắc nộp đơn khiếu nại chính thức lên các cơ quan có thẩm quyền. Sự việc của Yao cũng nhận được nhiều chú ý trên mạng xã hội.
"Anh ấy nên nộp đơn xin chứng nhận Kỷ lục Guinness cho mức thu nhập hàng tháng thấp nhất. Nếu anh ấy đạt được danh hiệu này, giải thưởng chắc sẽ cao hơn 0,3 nhân dân tệ đấy", một dân mạng châm biếm.
Một người khác bình luận: "Tôi viết một đánh giá tốt sau khi đặt hàng online cũng đã được hoàn 0,5 nhân dân tệ rồi. Mức lương này thực sự điên rồ".
Mai An