Mức lương cơ sở qua các năm biến động thế nào?

Mức lương cơ sở qua các năm biến động thế nào?
5 giờ trướcBài gốc
Lương cơ sở là gì?
Lương cơ sở là mức lương được sử dụng để tính lương trong bảng lương của người lao động. Nó cũng là căn cứ để xác định các khoản phụ cấp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 3 của Nghị định 72/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15/08/2018 có quy định lương cơ sở là mức căn cứ để:
- Tính toàn bộ các khoản liên quan đến lương và phụ cấp trong bảng lương, áp dụng với những đối tượng theo quy định của Nghị định.
- Tính toán các loại chi phí phát sinh để phục vụ cho các hoạt động, sinh hoạt.
- Tính các khoản trích nộp của doanh nghiệp để chi trả hoặc thực hiện nghĩa vụ, tính các chế độ của người lao động được hưởng khi làm việc tại doanh nghiệp.
Có thể hiểu lương cơ sở là mức lương thấp nhất, chưa bao gồm các chế độ khác như khen thưởng hay phụ cấp. Mức lương cơ sở cũng ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập và chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, điều này được thể hiện qua bản chất và nguyên tắc áp dụng của mức lương cơ sở.
Theo đó, mức lương cơ sở hiện nay được dùng làm căn cứ tính đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các đối tượng là: cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... và người lao động làm việc trong doanh nghiệp. Ngoài ra, mức lương cơ sở còn dùng làm cơ sở để tính thang bảng lương tại doanh nghiệp, các khoản phụ cấp và mức hưởng trợ cấp bảo hiểm tối đa không quá 20 lần lương cơ sở.
Trong trường hợp mức lương cơ sở nếu có sự điều chỉnh hằng năm sẽ có ảnh hưởng đến nhiều khoản thu nhập, tiền đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp của người lao động. Vì vậy cần theo dõi thường xuyên để đảm bảo quyền lợi của mình.
Lương cơ sở là mức lương được sử dụng để tính lương trong bảng lương của người lao động. Ảnh minh họa: TL
Năm 2025, những đối tượng nào áp dụng mức lương cơ sở?
Theo quy định hiện hành, bao gồm Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn liên quan, mức lương cơ sở được áp dụng cho các đối tượng sau đây:
1. Cán bộ, công chức, viên chức
Cán bộ: Những người được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện (theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức).
Công chức: Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện (theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức).
Viên chức: Những người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập (theo quy định tại Luật Viên chức).
2. Người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ và công nhân công an thuộc Công an nhân dân.
Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được xếp lương theo bảng lương, ngạch, bậc của viên chức, công chức.
3. Người hưởng trợ cấp, trợ cấp xã hội
Người có công với cách mạng.
Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Các đối tượng bảo trợ xã hội như người khuyết tật, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn...
4. Các đối tượng khác
Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (nếu có).
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
Năm 2025, mức lương cơ sở sẽ tiếp tục được áp dụng cho các cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước, người hưởng trợ cấp xã hội và một số đối tượng khác theo quy định. Mức lương cơ sở này là cơ sở để tính các khoản lương, phụ cấp và trợ cấp khác.
Các lần điều chỉnh mức lương cơ sở
Từ ngày 1/7/2024, Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%).
Năm 2025 chưa có cơ sở để xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Điều này đồng nghĩa với việc mức lương cơ sở có thể vẫn giữ nguyên ở mức 2.340.000 đồng/tháng.
Trước đó, lương cơ sở đã trải qua 18 lần thay đổi từ năm 1995 đến 2024. Dưới đây các lần điều chỉnh mức lương cơ sở:
Lần 1 từ 1/1/1995 đến hết 12/1996: Mức 120.000 đồng/tháng;
Lần 2 từ 1/1/1997 đến hết 12/1999: Mức 144.000 đồng/tháng;
Lần 3 từ 1/1/2000 đến hết 12/2000: Mức 180.000 đồng/tháng;
Lần 4 từ 1/1/2001 đến hết 12/2003: Mức 210.000 đồng/tháng;
Lần 5 từ 1/10/2004 đến hết tháng 9/2005: Mức 290.000 đồng/tháng;
Lần 6 từ 1/10/2005 đến hết tháng 9/2006: Mức 350.000 đồng/tháng;
Lần 7 từ 1/10/2006 đến hết tháng 12/2007: Mức 450.000 đồng/tháng;
Lần 8 từ 1/1/2008 đến hết tháng 4/2009: Mức 540.000 đồng/tháng;
Lần 9 từ 1/5/2009 đến hết tháng 4/2010: Mức 650.000 đồng/tháng;
Lần 10 từ 1/5/2010 đến hết tháng 4/2011: Mức 730.000 đồng/tháng;
Lần 11 từ 1/5/2011 đến hết tháng 4/2012: Mức 830.000 đồng/tháng;
Lần 12 từ 1/5/2012 đến hết tháng 6/2013: Mức 1.050.000 đồng/tháng;
Lần 13 từ 1/7/2013 đến hết tháng 4/2016: Mức 1.150.000 đồng/tháng;
Lần 14 từ 1/5/2016 đến hết tháng 6/2017: Mức 1.210.000 đồng/tháng;
Lần 15 từ 1/7/2017 đến hết tháng 6/2018: Mức 1.300.000 đồng/tháng;
Lần 16 từ 1/7/2018 đến hết tháng 6/2019: Mức 1.390.000 đồng/tháng;
Lần 17 từ 1/7/2019 đến hết tháng 6/2023: Mức 1.490.000 đồng/tháng;
Lần 18 từ 1/7/2023 đến hết tháng 6/2024: Mức 1.800.000 đồng/tháng.
L.Vũ (th)
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/muc-luong-co-so-qua-cac-nam-bien-dong-the-nao-17225051216380061.htm