Nước lũ nhấn chìm một khu phố vào tháng 6.2024, tại Hallandale Beach, Florida. Ảnh: Joe Raedle/Getty Images
Theo CNN, trong khoảng 2.000 năm, mực nước biển toàn cầu không thay đổi quá nhiều. Tuy nhiên, vào thế kỷ 20, điều không mong muốn đã xảy ra. Mực nước biển bắt đầu dâng cao và tăng rất nhanh.
Kể từ năm 1993, các vệ tinh theo dõi diễn biến đại dương trên thế giới đã giúp các nhà khoa học có cái nhìn tương đối rõ ràng hơn.
Theo phân tích dữ liệu vệ tinh gần đây của NASA, mực nước biển đã dâng cao bất ngờ vào năm ngoái. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là xu hướng dài hạn.
"Giống như chúng ta đang đạp chân ga vậy", Benjamin Hamlington, một nhà khoa học nghiên cứu tại Nhóm nghiên cứu Mực nước biển và Băng tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, cho biết.
Các nhà khoa học dự báo mực nước biển trung bình sẽ dâng cao vào năm 2050, ghi nhận khoảng 6 inch trên toàn cầu và 10-12 inch ở Mỹ. Tuy nhiên, sau năm 2050, mọi thứ trở nên rất mơ hồ và chưa thể phán đoán.
"Chúng ta có một phạm vi không chắc chắn rất lớn. Các con số về mực nước biển dâng đang ngày càng cao hơn ", Dirk Notz, người đứng đầu bộ phận băng biển tại Đại học Hamburg cho biết.
Thế giới có thể dễ dàng chứng kiến mực nước biển dâng thêm 3 feet vào năm 2100, nhưng cũng có thể mất hàng trăm năm để đạt đến mức đó. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa có đủ thông tin để dự đoán điều gì chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai.
Điều mà các nhà khoa học hoàn toàn chắc chắn là: sự nóng lên toàn cầu đã khiến mực nước biển dâng cao.
Các đại dương hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa, chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra và khi nước nóng lên, hiện tượng giãn nở sẽ xảy ra.
Nhiệt độ trong các đại dương và khí quyển cũng thúc đẩy sự tan chảy của các tảng băng Greenland và Nam Cực, nâng mực nước biển toàn cầu dâng cao khoảng 213 feet.
Các tảng băng tan chảy đã thúc đẩy khoảng 2/3 mực nước biển dâng cao trong dài hạn. Vào năm ngoái — năm nóng nhất trong lịch sử hành tinh, sự nóng lên của đại dương trở thành động lực chính để nước biển dâng cao.
Nhà nghiên cứu Notz nhận định mức tăng khoảng 3 feet đã được xác định.
Các tảng băng là điều không chắc chắn lớn nhất, vì không rõ chúng sẽ phản ứng nhanh như thế nào khi thế giới nóng lên. Liệu băng sẽ tan chảy đều đặn hay đạt đến điểm tới hạn sụp đổ nhanh chóng.
Theo ông Notz, từ việc nghiên cứu những thứ như lõi băng và trầm tích, các nhà khoa học đều nhận thức rằng quá trình tan chảy đột ngột và mạnh mẽ đã xảy ra cách đây hàng nghìn năm.
Nam Cực được ví như "con voi trong phòng". Những thay đổi đáng báo động đang diễn ra trên lục địa băng giá rộng lớn này, nơi chứa đủ nước để nâng mực nước lên 190 feet.
Nhà nghiên cứu này mô tả tảng băng là "một gã khổng lồ đang thức tỉnh": Phải mất một thời gian dài để thức dậy nhưng một khi đã thức dậy, "rất khó để đưa trở lại trạng thái ngủ".
Các nhà khoa học sẽ phải cần thêm thời gian để tìm hiểu tương lai của các tảng băng và ý nghĩa của điều đó đối với mực nước biển dâng.
“Sẽ có những bất ổn lớn kéo dài trong nhiều thập kỷ”, Robert Nicholls, Giáo sư về khí hậu tại Đại học East Anglia, nói.
Nơi nào dễ bị tổn thương nhất?
Đại dương không phẳng như bồn tắm và có những biến động lớn từ mực nước biển dâng.
Một số khu vực trên thế giới có mực nước biển cao hơn do nhiều yếu tố kết hợp, bao gồm dòng hải lưu trong khu vực, xói mòn và dịch chuyển đất.
Hiện tượng này một phần là do quá trình tự nhiên như chuyển động của mảng kiến tạo. Một số khác là do hoạt động của con người, bao gồm khai thác nhiên liệu hóa thạch và nước ngầm.
Nhà khoa học Hamlington của NASA nhấn mạnh đường bờ biển Mỹ ghi nhận mực nước biển dâng cao và khả năng lên tới giới hạn trên của các dự báo mô hình khí hậu.
Bờ biển Vịnh, nơi đất đang chìm hầu hết do khai thác dầu, khí đốt và nước ngầm, là một điểm nóng.
Bang Louisiana (Mỹ) đặc biệt dễ bị tổn thương khi mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Tiểu bang này ghi nhận tỷ lệ mất đất cao nhất thế giới, trong đó một số khu vực có mực nước biển dâng gấp bốn lần tỷ lệ toàn cầu.
Bên ngoài Mỹ, các quốc đảo Thái Bình Dương thấp cũng gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của mực nước biển dâng cao.
Theo NASA, trong ba thập kỷ tới, các đảo như Tuvalu, Kiribati và Fiji sẽ phải hứng chịu mực nước biển dâng cao ít nhất 6 inch ngay cả khi thế giới giảm ô nhiễm làm nóng hành tinh.
HỒNG NHUNG