Mức phụ cấp mới: Hy vọng lớn cho giáo viên mầm non

Mức phụ cấp mới: Hy vọng lớn cho giáo viên mầm non
5 giờ trướcBài gốc
"Đây là động lực rất lớn cho chúng tôi"
Thông tin về việc tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non đã nhanh chóng lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ đội ngũ giáo viên. Chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Thanh Huyền, một giáo viên mầm non với hơn 15 năm kinh nghiệm tại Hà Nội, không giấu nổi sự xúc động: "Khi nghe tin này, tôi thực sự rất vui và mừng. Đây là điều mà chúng tôi đã mong mỏi từ rất lâu. Mức lương hiện tại của giáo viên mầm non rất thấp so với công sức bỏ ra. Việc tăng phụ cấp này không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn là sự công nhận, động viên rất lớn cho chúng tôi, những người gắn bó với nghề này".
Cô Bùi Thị Minh Loan, giáo viên mầm non ở một huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Thọ, nơi dự kiến sẽ được hưởng mức phụ cấp 80%, chia sẻ: "Ở vùng chúng tôi, điều kiện kinh tế khó khăn, giáo viên phải làm việc vất vả hơn rất nhiều. Mức lương thấp khiến nhiều bạn trẻ không mặn mà với nghề, hoặc phải bỏ nghề về quê làm công nhân. Nếu mức phụ cấp này thành hiện thực, lương của chúng tôi sẽ tăng đáng kể, giúp chúng tôi yên tâm bám trụ với các em nhỏ, đặc biệt là những trẻ em dân tộc thiểu số".
Ảnh minh họa.
Những chia sẻ này không chỉ là niềm vui cá nhân mà còn đại diện cho tâm trạng chung của hàng vạn giáo viên mầm non trên khắp cả nước, những người đã và đang âm thầm cống hiến cho sự nghiệp "trồng người" từ những ngày đầu tiên.
Theo TS. Nguyễn Thị Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, giáo viên mầm non là nghề đặc thù. Họ phải đóng nhiều vai, vừa làm mẹ, vừa là cô; chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi. Thời gian làm việc thường kéo dài 12-13 tiếng mỗi ngày, tất bật lao động chân tay lẫn trí óc. "Việc tăng phụ cấp là nguồn động viên họ", bà Thanh nhận định.
Phụ cấp ưu đãi: Ba mức áp dụng linh hoạt theo đặc thù khu vực
Dự thảo Nghị định của Bộ GD&ĐT đề xuất ba mức phụ cấp ưu đãi theo nghề khác nhau, nhằm phản ánh đúng hơn đặc thù và khó khăn của từng vùng miền:
Mức 45%: Áp dụng cho viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non thông thường. Đây là mức tăng cơ bản, giúp phần lớn giáo viên mầm non có thêm thu nhập.
Mức 60%: Dành cho giáo viên công tác tại các trường mầm non thuộc xã khu vực I, khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ. Mức này thể hiện sự quan tâm đến những khu vực có điều kiện địa lý, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nơi việc thu hút và giữ chân giáo viên luôn là thách thức.
Mức 80%: Áp dụng cho viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Đây là mức phụ cấp cao nhất, nhằm bù đắp cho những vất vả, thiếu thốn mà giáo viên phải đối mặt khi công tác tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn.
Dự kiến khi được hưởng phụ cấp ưu đãi 45%, lương giáo viên mầm non sẽ được tính như sau:
Bảng minh họa lương giáo viên mầm non hạng I.
Bảng minh họa lương giáo viên mầm non hạng II.
Bảng minh họa lương giáo viên mầm non hạng III.
Cải thiện đáng kể thu nhập
Dù Bộ GD&ĐT chưa công bố bảng tính chi tiết từng bậc lương sau khi áp dụng mức phụ cấp mới, nhưng với đề xuất tăng phụ cấp từ 35% lên 45-80%, mức lương của giáo viên mầm non chắc chắn sẽ có sự cải thiện đáng kể.
Theo tính toán sơ bộ, với giáo viên mầm non mới vào nghề có hệ số lương khởi điểm 2.1 và được hưởng phụ cấp 45%, tổng thu nhập sẽ tăng lên so với mức khoảng 6,63 triệu đồng/tháng hiện nay (với phụ cấp 35%). Đặc biệt, đối với những giáo viên có thâm niên, hệ số lương cao và công tác tại các vùng đặc biệt khó khăn (hưởng phụ cấp 80%), mức lương có thể chạm mốc 21 triệu đồng/tháng. Điều này mang lại hy vọng lớn cho đội ngũ giáo viên mầm non, vốn là những người có mức thu nhập thấp nhất trong hệ thống giáo dục công lập.
Đỗ Vi
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/muc-phu-cap-moi-hy-vong-lon-cho-giao-vien-mam-non-169211129124130428.htm