Bảng điện tử hiển thị chỉ số chứng khoán KOSPI tại ngân hàng Hana ở Seoul, Hàn Quốc ngày 7/4/2025. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Financial Times (FT) ngày 7/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras cho rằng các biện pháp thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm.
Phát biểu của ông Stournaras được đưa ra trong bối cảnh các nước Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc phê duyệt gói thuế đối ứng đầu tiên nhắm vào hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá lên tới 28 tỷ USD, từ chỉ nha khoa đến kim cương, trong những ngày tới.
Khối 27 nước thành viên đối mặt với thuế nhập khẩu 25% đối với thép, nhôm và ô tô, cùng với thuế "đối ứng" 20% từ ngày 9/4 đối với gần như tất cả các mặt hàng khác. Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Stournaras cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại toàn cầu sắp xảy ra có thể kích hoạt một "cú sốc cầu tiêu cực" lớn ở Eurozone, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế châu Âu.
Ngày 2/4, ông Trump công bố mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ cùng với mức thuế cao hơn đối với hàng chục quốc gia khác. Các mức thuế này dường như nhắm vào khoảng 60 quốc gia. Hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào EU đạt tổng trị giá 334 tỷ euro (365,6 tỷ USD) trong năm 2024, so với 532 tỷ euro hàng xuất khẩu từ EU sang Mỹ.
Thị trường chứng khoản toàn cầu "hoảng loạn"
Phản ứng hoảng loạn trên các thị trường chứng khoán toàn cầu do gói thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp diễn trong ngày đầu tuần 7/4.
Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 6,7% xuống còn 31.511 điểm. trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng mất 6,5% và chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm mạnh 10,1%. Thị trường chứng khoán Đức cũng có nguy cơ tiếp tục chứng kiến những đợt giảm giá đáng kể.
Sau khi sụt giảm 5% trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 4/4, chỉ số DAX hiện tiếp tục sụt giá trong phiên giao dịch đầu tuần. Công ty môi giới IG dự báo chỉ số của các cổ phiếu blue-chip của Đức sẽ giảm hơn 4% trong phiên này xuống mức 19.810 điểm.
Như vậy, chỉ số DAX có thể sẽ giảm xuống dưới mức 20.000 điểm lần đầu tiên kể từ đầu tháng 1/2025. Ngoài ra, chỉ số thị trường chứng khoán Đức sẽ phá vỡ đường trung bình động 200 ngày vừa qua, làm lu mờ đáng kể triển vọng dài hạn.
Mức tăng trung bình hàng năm khoảng 18% của thị trường này có thể sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn.Theo các chuyên gia, DAX dường như đang đi theo mô hình giá điển hình: Tình trạng mất giá nghiêm trọng của "Thứ Sáu đen tối" thường kéo dài đến "Thứ Hai hoảng loạn" và chỉ sang đến "Thứ Ba đảo ngược," thị trường mới có sự phục hồi.
Gói thuế quan của Tổng thống Trump tiếp tục gây chấn động khắp các thị trường. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số Dow Jones đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm ngoái.
Với mức sụt giảm hàng tuần hơn 8%, đây là tuần giao dịch tồi tệ nhất của chỉ số này trong nhiều năm. DAX cũng ghi nhận mức giảm theo tuần hơn 8%, mức giảm mạnh nhất trong một tuần giao dịch kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine vào mùa Xuân năm 2022.
Cơn chấn động trên các thị trường chứng khoán đã xóa sổ hàng tỷ USD tài sản của các nhà đầu tư tư nhân chỉ sau một đêm. “Thảm họa” hôm Thứ Sáu có khả năng cũng sẽ tiếp diễn trên thị trường chứng khoán Phố Wall hôm nay. Chỉ số Dow Jones Futures (một loại hợp đồng tương lai phái sinh dựa trên chỉ số Dow Jones) hiện giảm 2,8%, trong khi hợp đồng tương lai của chỉ số công nghệ Nasdaq 100 giảm 4,6%.
Nguồn TTXVN