“Mệnh lệnh trái tim”
Liên tục trong vòng 12 tiếng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện các Bộ, ban ngành đi khảo sát thực địa, kiểm tra tiến độ triển khai hai dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng – Trà Lĩnh trên địa bàn hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
Trực tiếp trải nghiệm không khí thi công hăng say trên công trường, Thủ tướng Chính phủ biểu dương tinh thần “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công “3 ca, 4 kíp” của đội ngũ công nhân và kỹ sư. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị chính quyền các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn tích cực quan tâm hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần cho người lao động hai dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa 2 dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị-Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả dẫn đầu tiếp tục huy động nhân lực và máy móc, đảm bảo an toàn lao động cho người lao động và bảo vệ môi trường cho người dân tại các khu vực dự án đi qua.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định các tuyến đường này không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông mà còn thực hiện 6 mục tiêu cốt lõi: Hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII, thể hiện “mệnh lệnh trái tim” – lòng yêu mến với đồng bào Cao Bằng và Lạng Sơn, quyết tâm và trí óc của toàn bộ đội ngũ, đón đầu nhu cầu phát triển, và là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với nhân dân, đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, hai địa phương cùng thống nhất thực hiện phương châm: Đã quyết là phải làm, ai không làm thì lùi sang bên để người khác làm. Với tinh thần “vượt nắng thắng mưa,” sẵn sàng làm việc xuyên lễ Tết, Chính phủ đề cao tinh thần “5 Cùng”: Cùng lắng nghe, cùng thấu hiểu, cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và phát triển.
Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại tiếp tục đồng hành cùng các dự án PPP, với yêu cầu đến tháng 11/2024, các ngân hàng và cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết triệt để các vướng mắc tài chính, sẵn sàng hỗ trợ dự án phát triển bền vững, đóng góp vào hạ tầng giao thông quốc gia.
Tháo “điểm nghẽn” cho các dự án PPP
Theo Nghị quyết số 106/2023/QH15, dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã được tăng tỷ lệ vốn nhà nước lên 70%, nhằm giải quyết các vướng mắc về vốn trong phương thức hợp tác công tư (PPP). Tuy nhiên, dự án này tiếp tục gặp nhiều khó khăn do yêu cầu chọn lựa nhà đầu tư kèm ngân hàng tín dụng tham gia, đặc biệt khi các ngân hàng cho rằng mức góp vốn 50% từ nhà nước chưa đủ hấp dẫn và tỷ lệ thu hồi vốn còn thấp.
Phát biểu tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Hồng Minh – Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết hiện nay, tỷ lệ góp vốn nhà nước của dự án đã được tăng lên 68,8%. Tuy nhiên, dự án vẫn phải đối mặt với áp lực tài chính lớn. Gần 5.000 tỷ đồng, tương đương 11,5% tổng vốn, là khoản vay mà liên danh nhà đầu tư đang phải gồng gánh.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh báo cáo với Thủ tướng về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
“Theo tính toán, để hoàn thành dự án, mỗi năm sẽ phải chi khoảng 600 tỷ đồng tiền lãi vay. Để hình dung rõ hơn áp lực này, nếu chia 600 tỷ đồng đó cho từng phút trong ngày, mức thu cần thiết là 6 - 7 xe container qua lại mỗi phút mới có thể đáp ứng được yêu cầu tài chính”, ông Trần Hồng Minh chỉ ra.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng và nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ thống nhất đầu tư giai đoạn 2 toàn tuyến theo hình thức PPP, đồng thời áp dụng cơ chế tương tự như giai đoạn 1: Vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu; cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản; hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, nâng phần vốn NSNN không xuất phát từ động cơ tham nhũng, tiêu cực.
"Chúng tôi đã làm hết sức mình và chỉ mong Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 2 trong năm 2026 để dự án có thể triển khai các bước tiếp theo", ông Trần Hồng Minh cho biết thêm.
Tại dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, UBND tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn NSNN hỗ trợ dự án lên 70% tổng mức đầu tư để giải quyết khó khăn trong việc thu xếp vốn tín dụng cho dự án.
Đây chính là cơ chế đang được áp dụng tại Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Việc đề xuất tăng tỷ lệ vốn NSNN tham gia dự án phù hợp với quy định của dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP sửa đổi đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Đại diện cho nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, đề nghị Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Quốc hội bổ sung quy định cho phép vốn NSNN tham gia, hỗ trợ trong giai đoạn khai thác đối với dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP ban hành, bị sụt giảm doanh thu do những nguyên nhân khách quan, trong đó có dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
“Sau kỳ tích hoàn thành tuyến cao tốc trong vòng 18 tháng, dự án Bắc Giang - Lạng Sơn hiện phải gánh chịu hậu quả tài chính do các nguyên nhân khách quan không phải do nhà đầu tư. Với những khó khăn đó, chúng tôi kiến nghị cần tháo gỡ những bất cập tài chính của dự án”, ông Hồ Minh Hoàng khẳng định.
Tỉnh Lạng Sơn cùng nhà đầu tư đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 4.600 tỷ đồng vốn NSNN cho dự án Bắc Giang – Lạng Sơn. Điều này tạo cơ sở để ngân hàng TPBank xác định thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 2.500 tỷ đồng cho dự án Hữu Nghị - Chi Lăng.
Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các tỉnh và nhà đầu tư, Thủ tướng nhất trí triển khai ngay giai đoạn 2 dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong năm 2026 theo hình thức PPP với 4 làn hoàn chỉnh.
Đối với vấn đề tài chính, Thủ tướng đề nghị các ngân hàng thương mại tham gia tích cực vào việc cấp vốn tín dụng cho dự án, với tinh thần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phối hợp cùng lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm việc với các ngân hàng và doanh nghiệp liên quan ngay trong tháng 11/2024. Mục tiêu là giải quyết các vấn đề tài chính và triển khai các công việc cụ thể, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án.
Đối với các dự án BOT ký hợp đồng trước khi Luật PPP có hiệu lực và đang gặp khó khăn về doanh thu, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT cùng các tỉnh liên quan nhanh chóng báo cáo để bổ sung vào dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư theo hình thức PPP. Điều này nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư và dự kiến sẽ được trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau trong năm 2025.
PV